Thứ 4, ngày 17 tháng 8 năm 2022
Kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP cả năm sẽ vượt mục tiêu
TTO - Tại phiên họp Chính phủ ngày 4-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở phục hồi kinh tế 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả năm nay có thể đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra là 6 - 6,5%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 7%, vượt mục tiêu đề ra - Ảnh: VGP
Tốc độ tăng GDP cả năm sẽ đạt 6,5 - 7%
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra tại nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó GDP quý 2 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ 2021, cao nhất kể từ năm 2011.
Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng GDP cùng kỳ năm 2021 và tương đương mức bình quân các năm trước dịch từ năm 2016-2019.
Tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022.
Theo kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 6,5%, trong đó quý 3 năm nay cần đạt mức tăng trưởng là 7,9%, quý 4 đạt mức tăng trưởng 5,5%.
Kịch bản 2, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 7%, trong đó quý 3 phải đạt mức tăng trưởng kinh tế 9% và quý 4 đạt tăng trưởng kinh tế 6,3%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thời gian tới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường trong cả ngắn hạn và trung hạn, thu ngân sách nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỉ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Đề xuất kỷ luật, luân chuyển cán bộ nếu giải ngân đầu tư công chậm
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công hiện đang chậm, tính đến 30-6 chỉ đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng giao. Cụ thể, đến nay có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch.
Trong đó, 25 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng giao và có 4 cơ quan trung ương vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm, trong đó phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Thứ hai, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.
Thứ ba, nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là Ban Quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ tư, nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án.
Thứ năm, chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.
Thứ sáu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (hoặc sở xây dựng) công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương không có khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng giao sớm đề xuất điều chuyển vốn cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đã được giao theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
-
TTO - Chiều tối 16-8, tỉnh Quảng Ninh khẳng định hình ảnh và thông tin trên mạng xã hội là không đúng. Thực tế đây là hình ảnh ở khu vực Ao Tiên nằm trong phạm vi của Khu kinh tế Vân Đồn và bức ảnh này không đúng với hiện trạng tại khu vực Ao Tiên.
-
TTO - Năm 2022, còn 2 địa phương tại Thanh Hóa bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc ở Hàn Quốc. Trước đó, có tới 4 thành phố, huyện gặp tình trạng tương tự do số lượng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn cao.
-
TTO - Theo đơn tố cáo, "vào ngày 9-6, thầy T. đã gọi em ra ngoài hành lang để nói chuyện riêng". Linh cảm có điều bất an, sau đó đúng như dự đoán, "thầy bắt đầu động tay động chân, cầm tay, ôm từ phía sau"...
-
TTO - Lê Thị Bích Ngọc từng là một hot TikToker với hơn 39.000 lượt đăng ký theo dõi. Trước khi bị bắt, Ngọc vẫn thường xuyên đăng tải những video khoe nhan sắc của mình trên tài khoản TikTok cá nhân, dù đang... bị truy nã.
-
TTO - Ban Bí thư quyết định cách chức phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 đối với ông Võ Ngọc Thành, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận