05/07/2022 09:46 GMT+7

Bí thư Hà Nội: Kinh tế thủ đô tăng trưởng ấn tượng, nhưng khó khăn kiểm soát lạm phát

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Sáng 5-7, HĐND TP Hà Nội đã khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND TP khóa XVI để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Bí thư Hà Nội: Kinh tế thủ đô tăng trưởng ấn tượng, nhưng khó khăn kiểm soát lạm phát - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc kỳ họp - Ảnh: NAM TRẦN

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Đinh Tiến Dũng - bí thư Thành ủy Hà Nội - cho biết, thời gian qua, TP đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đã trở lại trạng thái bình thường mới trong nhiều tháng trở lại đây.

"Kinh tế thủ đô phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP quý 2 tăng 9,49% (cả nước tăng 7,72%), cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4 - 6,9%), tính chung 6 tháng đầu năm GRDP tăng 7,79% (cả nước tăng 6,42%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%)..." - bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Về dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô vừa được Quốc hội thông qua, bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển cho thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô...

Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Dũng cho biết hiện Hà Nội thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với kỳ vọng; đến nay TP còn 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là số trường công lập đạt chuẩn quốc gia (hiện đạt 73 trường, theo kế hoạch là 80 trường); 

Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10%, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%); CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%), gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhìn nhận việc cải cách, giải quyết thủ tục hành chính, thu hút đầu tư còn chậm: "Nhiều hạn chế lâu nay chưa được khắc phục triệt để, như: ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững, một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, cụm công nghiệp, làng nghề chậm tiến độ".

Bí thư Hà Nội: Kinh tế thủ đô tăng trưởng ấn tượng, nhưng khó khăn kiểm soát lạm phát - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: NAM TRẦN

Về tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn, ông Dũng cho rằng còn nhiều bất cập.

Việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn thủ đô còn chậm…

Bí thư Hà Nội cho biết hiện Việt Nam đã xuất hiện chủng mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cho người dân. Vì vậy ông yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác dịch.

Kỳ họp sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ 5 đến 8-7) để xem xét 16 báo cáo, đáng chú ý có 5 báo cáo chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân sách, nhà đất, vốn đầu tư công.

Trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất; chương trình phát triển nhà ở TP; quy định mức tiền phạt trong lĩnh vực xây dựng khu vực nội thành; mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập...

Đồng thời, đề xuất sửa đổi Luật thủ đô, với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, đáp ứng yêu cầu phát triển thủ đô trong giai đoạn mới; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Hà Nội: Triển khai dự án đường vành đai 4 phải Bí thư Hà Nội: Triển khai dự án đường vành đai 4 phải 'vừa chạy vừa xếp hàng'

TTO - Chiều 27-6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về báo cáo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên