27/06/2015 12:05 GMT+7

Việt Nam sẽ là một xã hội công bằng

NGUYỄN CƯƠNG  (73 tuổi)
NGUYỄN CƯƠNG (73 tuổi)

TTO - Xã hội công bằng là điều ước muốn của tất cả chúng ta. Công bằng mọi mặt trong cuộc sống không thể tự đến mà phải phấn đấu xây dựng dần từng bước

20 năm đến có được một xã hội công bằng hơn là kỳ vọng của tôi và của nhiều người!

Trong mấy chục năm qua, đời sống tinh thần và vật chất của quê hương đất nước đã được cải thiện khá nhiều, điều đó ai cũng thấy cả, nhất là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đã đem lại nhiều điều tốt đẹp.

Mục tiêu hiện nay chúng ta đang phấn đấu là xây dựng một xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tăng trưởng kinh tế bền vững phải gắn liền với tiến bộ xã hội (trong đó có sự công bằng). Như vậy sẽ tạo được một xã hội ổn định, yên bình, người dân phấn khởi làm ăn, hưởng thụ theo sức lao động đã bỏ ra, hiện tượng phân biệt giàu nghèo ngày một thu hẹp là ước mơ của chúng ta.

Thực trạng hiện nay

Một điều dễ thấy trong thực tế xã hội hiện nay là sự chênh lệch trong mức sống, thu nhập, phân hóa giàu nghèo khá rõ. Theo thống kê so sánh hệ số cách biệt về thu nhập giữa nhóm thấp nhất và cao nhất thì năm 2006 là 8,3 lần, năm 2010 là 9,2 lần, 2013 là 11 lần. Qua đó cho thấy khoảng cách phân hóa giàu nghèo tăng dần và dãn rộng là điều không bình thường của một xã hội phát triển lành mạnh.

Trong một bộ phận có thu nhập cao, đời sống ngày càng xa hoa hơn thể hiện qua tài sản nhà đất, trang trại, trang trí nội thất, ôtô đắt tiền, thú chơi cây cảnh, động vật quý hiếm, xây nhà thờ hoành tráng, có điều kiện để hưởng thụ văn hóa, đi chữa bệnh, tham quan du lịch nước ngoài nhiều lần chưa thật cần thiết...

Nói như vậy tất nhiên nếu có thu nhập cao do lao động chính đáng thì rất đáng hoan nghênh, nhưng nếu có một bộ phận không nhỏ giàu lên nhanh chóng không minh bạch gây phân hóa giàu nghèo là điều đáng suy nghĩ.

Lại nữa, không ai có thể bằng lòng tình trạng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa hiện nay học sinh đi học, người dân đi làm ăn lao động sản xuất không có cầu để qua sông phải đu dây, lần theo cầu “khỉ” hoặc băng qua dòng nước xiết bằng nhiều cách rất phản cảm, nguy hiểm đến tính mạng, nhất là đối với các cháu học sinh.

Tình trạng hộ nghèo có vùng 60 - 90% chưa có điện, đường đến trung tâm xã, thiếu nước sạch, y tế giáo dục còn nhiều khó khăn mà người dân chưa thể tiếp cận được.

Một vấn đề cần quan tâm góp phần làm mất sự công bằng là hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí đang diễn ra khá phổ biến hiện nay và ngày càng tinh vi hơn.

Nếu nguồn tiền tham nhũng, thất thoát, lãng phí được khắc phục, hạn chế thì số tiền đó sẽ chi dùng cho các lợi ích công cộng, làm cân bằng khoảng cách nhu cầu của người dân ở các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn về an sinh xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội cơ bản...

Chúng ta không thể bằng lòng với sự rút ruột các công trình ảnh hưởng đến chất lượng cầu đường, trụ sở, trường học, chợ, cơ sở y tế; xây xong bỏ hoang không sử dụng; cầu đường mới khánh thành một thời gian ngắn đã xuống cấp lún, sập.

Rồi các khu quy hoạch treo ở các vùng đất vàng gây lãng phí rất lớn.

Tham nhũng ngày càng biến tướng phức tạp, tinh vi, số tiền rất lớn rơi vào túi cá nhân, nhóm lợi ích, mặc dù Đảng và Nhà nước đã và đang quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tích cực thu hồi tài sản đã mất nhưng còn rất hạn chế.

Thực trạng trên chưa tạo ra được sự đồng thuận xã hội cao. Người dân có quyền so sánh mức sống, mức thụ hưởng của mình với xung quanh, nhất là giữa nông thôn với thành thị. Từ đó có các giải pháp cụ thể phấn đấu cho sự công bằng xã hội là hết sức cần thiết.

Giải pháp để xây dựng một xã hội công bằng hơn:

Theo tôi, trước mắt cần tập trung cho một số giải pháp lớn, cơ bản sau :

1) Trước hết các chuyên gia chiến lược soạn thảo các văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn cần hướng đến sự công bằng cho các đối tượng trong xã hội, chú ý đến người nghèo, người có công, tầng lớp làm công ăn lương thu nhập thấp, đối tượng yếu thế ...

2) Cần có những biện pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn trong chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí sẽ dành được nguồn lực đáng kể để đầu tư cho các lợi ích công cộng, hỗ trợ các đối tượng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng. Muốn thế cần phải thu hồi được số tiền đã bị tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

3) Là một nước còn nghèo đang trên đà phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với các nước trong khu vực, do đó việc giáo dục ý thức tiết kiệm cho người dân là rất quan trọng. Phải xem tiết kiệm là quốc sách để chúng ta xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng.

Cần nêu gương tiết kiệm trong chi tiêu, trong các công trình xây dựng, trong mua sắm, trong các lễ hội...  Những nội dung này lâu nay cũng đã làm nhưng hiệu quả chưa cao.

4) Có các biện pháp để tăng thu nhập (lương) của đội ngũ công nhân, cán bộ công chức, cải tiến chế độ tiền lương, điều tiết thu nhập của các tầng lớp trong xã hội, chế độ tiền thưởng cần có sự hợp lý hơn, thực tế hiện nay còn có khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

5) Nhà nước dành khoản kinh phí bằng tiền, hiện vật để kịp thời hỗ trợ cho dân những vùng có khó khăn đột xuất như thiên tai do biến đổi khí hậu, dịch bệnh kéo dài... Tranh thủ các hoạt động xã hội từ thiện của các cá nhân tổ chức trong ngoài nước, giúp đỡ các hộ nghèo, người khuyết tật.

Tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, miền núi như đã làm vừa qua và cần tăng cường hơn nữa để góp phần xã hội hóa việc giảm nghèo bền vững, một việc làm cụ thể mang lại sự công bằng xã hội trong 20 năm tới và những năm tiếp theo còn phải tiếp tục phấn đấu để có cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn.

6) Hướng đến sự công bằng đối với chính sách y tế, giáo dục phù hợp với thu nhập của người dân có thể tiếp cận được. Vấn đề an sinh xã hội tốt cũng chứng tỏ sự công bằng.

Hiện nay tuy đã có nhiều tiến bộ về mặt an sinh xã hội nhưng còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm đem lại lợi ích cho người dân, nhất là đối tượng người cao tuổi trong thực tế nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn.

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

 

NGUYỄN CƯƠNG (73 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên