Người dân, đại diện doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM. Những chính sách hỗ trợ đồng bộ sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời - Ảnh: Thuận Thắng |
Đó cũng là kỳ vọng của tôi về một tương lai của Việt Nam - miền đất hứa của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).
Làn sóng khởi nghiệp dâng cao
Tại các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Mỹ... DNVVN luôn là một thành tố rất quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế. Mỗi năm, trên 50% GDP quốc gia của các nước tiên tiến là do DNVVN tạo ra.
Hoặc như New Zealand, đến 99% hoạt động kinh doanh đều khởi phát từ DN dưới 50 lao động. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc... DNVVN cũng đều là những thành phần trụ cột của nền kinh tế.
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, những DN có quy mô dưới 300 lao động (theo điều 3, nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ, quy định về DNVVN) ngày càng phát triển mạnh về chất và lượng.
Nếu chỉ xét trên số lượng DN đăng ký kinh doanh, theo Hiệp hội DNVVN VN, DNVVN chiếm đến 96% tổng số DN. Điều này phần nào cho thấy quy mô và sức sống mạnh mẽ của mô hình này.
Tuy nhiên, số liệu từ hiệp hội này cũng cho biết hiện nay DNVVN có số vốn khoảng 121 tỉ USD, chiếm 30% tổng vốn đăng ký của DN. Trong đó DN vừa chỉ chiếm 2,2%, DN nhỏ chiếm 29,6%, còn lại là DN siêu nhỏ chiếm đến 65,7%.
Bên cạnh đó, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN, DNVVN VN không chỉ thua kém về chất lượng mà còn cả về số lượng. Theo thống kê của World Bank, tỉ lệ đăng ký DN ở VN là 0,77/1.000 người dân, trong khi tỉ lệ này ở Malaysia là 2,28; Singapore là 8,04/1.000 người dân.
Khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, làn sóng khởi nghiệp đã và đang dần lan tỏa trong giới trẻ.
Tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, đã có nhiều câu lạc bộ, nhóm khởi nghiệp được thành lập, sáng lập viên lẫn hội viên đều là những người rất trẻ. Cụm từ “start up” - “khởi nghiệp” - trở thành một từ khóa thường xuyên được người trẻ tìm hiểu và sử dụng trong các câu chuyện hằng ngày. Và để khởi nghiệp thành công, chắc chắn một trong những bước đầu phải kinh qua đó là thành lập một DNVVN.
Tương lai của đất nước nằm trong tay những người trẻ. Để một nền kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh, ngoài những đầu tàu kinh tế là các tập đoàn, tổng công ty với nhân lực, tài lực to lớn, luôn rất cần sự góp sức của DNVVN.
Nước ta đang trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tầm nhìn 20 năm và xa hơn nữa, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, theo tôi, lại càng rất cần chú trọng phát triển hơn nữa DNVVN ngay từ hôm nay.
Hướng đến những giải pháp lâu dài
Để thúc đẩy sự lớn mạnh của DNVVN cần có rất nhiều giải pháp và một cái nhìn toàn diện. Sự khởi nghiệp gắn liền với việc hình thành DNVVN, do đó những vấn đề của nhà quản trị khi khởi nghiệp cũng là những vấn đề cốt lõi của các DN này.
Vì DNVVN hoạt động trên đa dạng các lĩnh vực, từ dịch vụ, công nghệ đến nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... nên các bài toán cụ thể đặt ra nhằm phát triển DNVVN cũng rất khác nhau. Song tựu trung có thể kể đến các bài toán nội tại của một DN thường gặp như: vốn, công nghệ, con người, chiến lược dài hạn...
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ khung pháp lý và các biện pháp mang tính hỗ trợ, “đỡ đầu” từ Nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp... cũng rất cần thiết. Cụ thể:
Thứ nhất, nhìn từ góc độ quản trị DN, nhà quản trị phải nắm vững các kiến thức quản trị cốt lõi, cần am hiểu về dòng tiền, giá trị sản phẩm của mình, cũng như cách vận hành DN, sử dụng nhân sự và pháp luật hiện hành.
Không thể kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài nếu bản thân DN còn quá nhiều vấn đề mang tính “tủn mủn", "tiểu nông”. Học hỏi các mô hình quản trị của các nước tiên tiến, có DNVVN mạnh, tự trau dồi, nâng cao kỹ năng, kiến thức... là điều nhà quản trị, các đồng sáng lập lẫn nhân viên cần thấy quan trọng và nên làm.
Thứ hai, các tổ chức hiệp hội DNVVN trung ương, địa phương cần có những sự linh hoạt trong kết nối, phát huy tính năng động sáng tạo của người trẻ đang hừng hực khí thế khởi nghiệp.
Những câu lạc bộ, nhóm khởi nghiệp... là những mầm ươm ý tưởng rất dồi dào, nếu các tổ chức hiệp hội DNVVN có sự kết nối chặt chẽ với các nhóm này, chắc hẳn sẽ có nhiều DN tốt được thành lập và phát triển.
Thứ ba, Nhà nước có những chính sách cụ thể, luật định cụ thể dành cho DNVVN, nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất cho dạng hình DN này, đặc biệt về nguồn vốn. Nếu như ý tưởng là điểm mạnh của DNVVN thì vốn luôn là vấn đề đau đầu đối với các doanh nghiệp trong bước đầu khởi nghiệp.
Do vậy, các định chế tài chính trung ương lẫn trung gian cần minh bạch và đơn giản hóa các bước cho vay, để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Các tổ chức tín dụng nhà nước có thể liên kết với các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ DNVVN trong nước phát triển một cách hiệu quả hơn, lớn mạnh hơn.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Quốc hội về dự thảo Luật DNVVN. Nếu luật được thông qua và đi vào cuộc sống, đây chắc chắn là một bước tiến quan trọng, mở đường cho sự phát triển của DNVVN trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận