Đồ họa: TẤN ĐẠT
Bộ Y tế đã mở ra một hướng đi, đó là song song với việc đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc xin trong nước, khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện đàm phán với các đối tác có khả năng nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Lùi lịch giao hàng và "chưa rõ nguồn cung"
Từ giữa năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các nước lao vào cuộc đua sản xuất vắc xin, Bộ Y tế đã chủ động tiếp cận với nhiều nguồn cung ứng vắc xin khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu, nhiều nguồn cung lại trễ hẹn.
Chẳng hạn, lô vắc xin đầu tiên trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều của COVAX Facility sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 3-2021 nhưng khi nguồn cung vắc xin trên toàn cầu gặp khó khăn, việc xuất khẩu ở các nước sản xuất vắc xin bị hạn chế nên lô này dự kiến phải lùi đến năm 2022.
Đến thời điểm này ở Việt Nam, hệ thống tiêm chủng VNVC là đơn vị duy nhất được Hãng AstraZeneca (Anh) lựa chọn cung ứng vắc xin phòng COVID-19.
Để có được 117.600 liều vắc xin đầu tiên vào tháng 2, trước đó VNVC đã phải trải qua một hành trình phiêu lưu: từ năm 2020, đơn vị này đã mạo hiểm đầu tư rủi ro khi ký hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin của AstraZeneca với số tiền đặt cọc 600 tỉ đồng.
"Ngoài lượng vắc xin đầu tiên, dự kiến sẽ có 29,87 triệu liều vắc xin về Việt Nam trong quý 2 và quý 3, nhưng thời gian chính xác có thể phải lùi lại do khó khăn về cung ứng vắc xin trên thế giới", Bộ Y tế nhận định.
Ngoài các nguồn cung ứng vắc xin nói trên, Việt Nam đang nhắm đến hai loại vắc xin của Sputnik V (Nga), Pfizer (Mỹ) với mục tiêu "số lượng tối đa" và "cung ứng trong thời gian sớm nhất", nhưng đến nay vẫn chưa có lộ trình cung ứng cụ thể.
Bộ Y tế còn chủ động mở rộng nguồn cung khi khẩn trương làm việc với các hãng Moderna, Johnson & Johnson, kể cả các nhà sản xuất ở Ấn Độ, Trung Quốc nhằm đề nghị thông báo chính thức khả năng cung ứng vắc xin. Đến nay, các nhà sản xuất vẫn chưa có thông báo cụ thể về "khả năng cung ứng".
Lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên về Việt Nam vào ngày 24-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nên mở rộng nguồn cung
Trước bối cảnh các nguồn cung ứng vắc xin từ nước ngoài trễ hẹn, Bộ Y tế đã mở ra một hướng đi, đó là cùng với việc đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc xin trong nước, khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện đàm phán với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu vắc xin sử dụng trong nước.
Ngoài VNVC, Bộ Y tế cho biết trong nước hiện có tập đoàn AMV, Vabiotech, Vimedimec (thuộc Bộ Y tế) cũng đang tiếp cận với các đối tác khác từ Mỹ và Ấn Độ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-4, đại diện VNVC cho biết đơn vị đang chủ động tiếp tục làm việc với Hãng Pfizer (Mỹ).
Đây là đối tác lâu nay của VNVC trong cung ứng nhiều loại vắc xin thông thường mà đơn vị đang sử dụng tiêm chủng cho người dân. "Nhưng với mặt hàng này Pfizer đang muốn ký với Chính phủ hoặc ít nhất với Bộ Y tế, do đó còn một số khó khăn cần tháo gỡ", đại diện VNVC nói.
Theo VNVC, khó khăn nhất bây giờ là vấn đề cơ chế và các đơn vị đang rất nỗ lực đàm phán để tháo gỡ.
Trước việc tình hình vắc xin thế giới có nhiều thay đổi, cách đây một tháng Bộ Y tế thông báo chỉ đặt mua các vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định, nhưng đến nay Bộ Y tế đang tìm nguồn khắp nơi thay vì chỉ 2 nguồn chính như trước đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có 3 cuộc làm việc riêng rẽ với 3 đại sứ Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Công ty Vabiotech trực thuộc Bộ Y tế được giao là đơn vị chịu trách nhiệm trao đổi, đánh giá nguồn lực, khả năng cung ứng vắc xin của đối tác Trung Quốc, nhu cầu sử dụng vắc xin trong nước. Khi nhận được hồ sơ đăng ký vắc xin đầy đủ điều kiện, ông Long cho biết có thể cấp phép trong vòng 2 tuần.
Với Ấn Độ, hiện nước này đang sản xuất 2 loại vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có sản phẩm của Hãng AstraZeneca đặt hàng và của Công ty Bharat Biotech sản xuất có tên Covaxin.
Công ty Đức Minh (một công ty có xuất nhập khẩu vắc xin ở Việt Nam) đã nộp hồ sơ lên Bộ Y tế xin cấp phép cho vắc xin Covaxin.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Tháng 7 sẽ có vắc xin nội
Dự kiến vào ngày 7-4, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y) sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 cho 280 người tham gia tình nguyện thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax. Ngoài ra, có 280 người khác cũng được tiêm mũi 2 tại Long An.
Sau đó một tuần, 2 đơn vị tham gia thử nghiệm lâm sàng sẽ lấy mẫu máu đánh giá hiệu quả bảo vệ sau tiêm, liều tối ưu... và chuẩn bị báo cáo để chuyển sang giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng.
Nano Covax là vắc xin có triển vọng ra thị trường sớm nhất trong 3 vắc xin nội địa đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người.
Ở giai đoạn 1 của thử nghiệm (từ 17-12-2020 đến tháng 1-2021), nhóm nghiên cứu đã tiêm vắc xin này cho 60 người ở 3 mức liều 25, 50 và 75mcg và hiệu quả chuyển đảo huyết thanh (chứng tỏ hiệu quả miễn dịch) rất tốt.
Ở giai đoạn 2, có 2 đơn vị tham gia nghiên cứu là Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y) và Viện Pasteur TP.HCM, với 560 người được tiêm. Dự kiến đến 4-4, riêng tại Hà Nội đã có 150 người hoàn thành 2 mũi tiêm.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết trong toàn bộ giai đoạn nghiên cứu đến nay không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gặp phản ứng nặng sau tiêm, chỉ có một tỉ lệ gặp phản ứng nhẹ như sưng, đỏ, đau vết tiêm và sốt nhẹ.
Ngày 1-4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người đã tiêm đủ 2 mũi thử nghiệm, cho biết ông cũng gặp các phản ứng nhẹ như thế này.
Dự kiến cuối tháng 4, chậm nhất là đầu tháng 5 sẽ có 3 đơn vị cùng tham gia thử nghiệm vắc xin này trên người tình nguyện giai đoạn 3. Sẽ có 10.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3.
Tại Học viện Quân y, đã có 800 - 1.000 người đăng ký. Trước đây, các dự báo cho biết phải đầu năm 2022 vắc xin nội mới ra mắt nhưng theo thông tin mới nhất từ Bộ Khoa học & công nghệ, nếu suôn sẻ thì tháng 7 tới sẽ có vắc xin nội.
Trong phiên họp Chính phủ vào ngày 31-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tập trung việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.
Cũng trong ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ quyết định trích 1.237 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế thực hiện mua và tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19.
Gần 50.000 người được tiêm vắc xin
Tính đến 1-4 đã có gần 50.000 người Việt Nam được tiêm vắc xin COVID-19, bao gồm cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Riêng tại TP.HCM đã có 3.480 nhân viên y tế được tiêm chủng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết có một số người phản ứng nặng sau tiêm, nhưng ngành y tế đã xử lý rất hiệu quả nên các trường hợp đều đã bình phục.
Còn tranh cãi về "hộ chiếu vắc xin"
Theo Bộ Y tế, việc đòi hỏi hiện nay với tất cả các nước là phải đạt tỉ lệ tiêm chủng cao để có được miễn dịch cộng đồng.
Hơn nữa, chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vắc xin đối với các biến chủng của virus (hiệu lực bảo vệ chỉ đạt 60 - 90%), nên "hộ chiếu vắc xin" vẫn còn là một vấn đề đang được thảo luận trên thế giới.
Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng "hộ chiếu vắc xin" trong tương lai, đồng thời chỉ đạo xây dựng phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng bằng mã QR (ma trận mã vạch giải mã thông tin tốc độ cao) để đảm bảo thông tin tiêm chủng chính xác.
Bộ Y tế đã làm việc với cơ quan đầu mối y tế quốc tế (IHR) các nước để phối hợp, đề xuất các phương án áp dụng "hộ chiếu vắc xin" khi đủ điều kiện.
Làm tất cả để có vắc xin cho dân
"So với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vắc xin khá lớn. Do vậy Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vắc xin phòng COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Bà Rana Flowers (trưởng đại diện UNICEF), ông Kidong Park (trưởng đại diện WHO), bà Naomi Kitahara (trưởng đại diện UNPFA) trong buổi tiếp và làm việc tại Bộ Y tế - Ảnh: TRẦN MINH
Theo website Bộ Y tế, những ngày qua Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với đại sứ Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNPFA) để bàn về vấn đề tiếp cận vắc xin.
* Trong cuộc tiếp và làm việc với bà Rana Flowers - trưởng đại diện UNICEF, ông Kidong Park - trưởng đại diện WHO, bà Naomi Kitahara - trưởng đại diện UNPFA, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ vắc xin COVID-19 là một trong những ưu tiên của mọi quốc gia hiện nay.
Tại Việt Nam, song song với những biện pháp nỗ lực kiểm soát dịch, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt với vấn đề vắc xin phòng COVID-19 để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và khôi phục nền kinh tế.
Với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm chủng cho người dân.
"Việt Nam là nước chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất thế giới.
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink khẳng định
* Tiếp đại sứ - trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị đại sứ và phía EU quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong các chính sách tiếp cận nguồn vắc xin của châu Âu, không chỉ qua cơ chế COVAX mà còn từ nguồn trực tiếp hay các chương trình khác; đồng thời có những hỗ trợ giúp tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 thành công.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp, hãng dược phẩm, trang thiết bị y tế của châu Âu sẽ đầu tư, sản xuất tại Việt Nam bởi với dân số đứng thứ 15 thế giới, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để đầu tư.
* Tiếp đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng việc Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc có thể hỗ trợ 1 tỉ liều vắc xin cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tin vui đối với các nước trong khu vực này, trong đó có Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ trực tiếp cho người dân Việt Nam các loại vắc xin của Hoa Kỳ, đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vắc xin sản xuất của Hoa Kỳ như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson.
Đánh giá công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở Hoa Kỳ là bài học quý báu với nhiều nước trên thế giới, bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho Việt Nam để có thể tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin thành công.
* Tại cuộc tiếp và làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết các công ty ở Nhật Bản cũng đang phát triển các vắc xin với những tín hiệu khả quan cùng với nguồn cung vắc xin ở Nhật Bản dồi dào. Bộ trưởng Long đề nghị Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ nguồn vắc xin với Chính phủ và người dân Việt Nam. Đồng thời phối hợp, hợp tác với các cơ quan, đơn vị có khả năng sản xuất vắc xin ở Việt Nam để trao đổi, chia sẻ, hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất và thử nghiệm vắc xin ở Việt Nam.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản hỗ trợ hệ thống dây chuyền tiêm chủng mở rộng thời gian tới, để giúp Việt Nam có đủ khả năng cung cấp vắc xin cho người dân. Đây là hoạt động lớn, đòi hỏi sự đầu tư, năng lực cho cả hệ thống y tế để đáp ứng yêu cầu này.
Đại sứ Yamada Takio thông tin tại cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Suga Yoshihide hôm 22-3, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam khoản trị giá 220 triệu yen để phòng chống COVID-19. Đại sứ cho biết Nhật Bản sẽ nghiên cứu các khả năng hợp tác với Việt Nam.
Vắc xin trên thế giới đang "chảy" về đâu?
"Không có động cơ chính trị nào để một nhóm quốc gia chần chừ bán vắc xin cho một nhóm khác, chủ trương bảo hộ đơn giản phát sinh từ nhu cầu thiếu thốn trong nước.
Giáo sư Raj Bhala
Nằm trong nhóm quốc gia phát triển, có lẽ Hàn Quốc không ngờ rằng họ bị bỏ lại phía sau ngay giữa cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất thế kỷ. Từng có lúc được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ca ngợi vì quyết định mua vắc xin COVID-19 qua cơ chế chia sẻ toàn cầu COVAX, Chính phủ Hàn bây giờ chịu muôn vàn sức ép sau hai lần liên tiếp nguồn cung bị gián đoạn.
Tiêm vắc xin AstraZeneca cho người dân thủ đô London, Anh ngày 28-3 - Ảnh: Reuters
Thiếu vắc xin như thiếu lương thực
Sự tiếc nuối của Hàn Quốc có thể thấy qua phát biểu của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi tháng 3: "Hàn Quốc là nước có thu nhập cao, đủ khả năng mua vắc xin bằng thỏa thuận song phương (với hãng dược), nhưng đã chọn xếp hàng chờ đến lượt thông qua COVAX".
Mua bán vắc xin bản chất là thương mại sòng phẳng, các nước phát triển như Mỹ hay Singapore thậm chí đặt cọc tiền từ giai đoạn nghiên cứu chưa biết kết quả ra sao. Đây là chính sách/chủ trương bảo hộ - một đặc quyền của nước giàu.
Về luật mà nói, không ai trong 164 thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có nghĩa vụ phải xuất khẩu thứ gì đó hoặc có quyền nhập khẩu món hàng nào đó.
Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và WTO chỉ đặt ra điều kiện cho việc mua bán hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, không có quy định nào bắt buộc việc mua bán đó phải diễn ra.
Và GATT có quy định rõ: "Lệnh cấm hoặc giới hạn xuất khẩu áp dụng trong trường hợp bên cam kết xuất khẩu cần ngăn chặn hoặc giải tỏa tình trạng thiếu hụt lương thực và các sản phẩm thiết yếu khác".
Có thể thấy Ấn Độ liệt vắc xin COVID-19 vào danh mục "sản phẩm thiết yếu khác". Vài tuần trước sự cố gián đoạn mới đây, Viện Serum Ấn Độ từng hoãn một đơn hàng vắc xin AstraZeneca giao cho Anh theo chỉ đạo của New Delhi, nhằm ưu tiên nhu cầu trong nước và các quốc gia có dịch lớn.
Như vậy, nếu xem "an ninh vắc xin" tương đương với "an ninh lương thực", có thể hiểu tại sao chương trình COVAX "bị lỗi" ngay từ đầu. Một khảo sát của Bloomberg hồi tháng 3 ghi nhận trong khi các nước như Israel, Anh, Bahrain, Mỹ... đã tiêm ít nhất một liều vắc xin cho vài chục phần trăm dân số, có rất ít quốc gia châu Phi nhận được lô vắc xin đầu tiên.
Từ nhiều tháng trước, các chuyên gia đã dự báo một cuộc chiến khốc liệt tranh giành nguồn cung vắc xin COVID-19 trong bối cảnh dịch hoành hành dữ dội, và sự thật đến giờ diễn ra đúng như vậy.
Giàu như Hàn Quốc còn khan vắc xin, hi vọng nào cho châu Phi?
Theo tổ chức học giả RAND Corporation (Mỹ), kinh nghiệm từ đại dịch H1N1 hồi năm 2009 và diễn biến của dịch COVID-19 gợi ý rằng đứng trước các sự kiện tương tự trong tương lai, chính phủ các nước đều có xu hướng ưu tiên lợi ích quốc gia trước thay vì theo đuổi cách tiếp cận mang tính toàn cầu.
Ngày 1-4, tổng giám đốc WHO lên tiếng thừa nhận chương trình COVAX đang gặp khó và mục tiêu 2 tỉ liều vắc xin cho thế giới còn rất xa xôi.
"Tôi đã khẩn thiết yêu cầu các nước đang nắm giữ vắc xin COVID-19 đã được WHO phê duyệt khẩn cấp chia sẻ 10 triệu liều cho COVAX ngay lập tức" - ông Tedros cho biết.
Theo giáo sư Raj Bhala - giáo sư luật danh tiếng của Mỹ, trong hoàn cảnh này thế giới rất cần những cam kết như của Bộ tứ đối thoại an ninh (QUAD) đưa ra cách đây không lâu.
Theo đó, 1 tỉ liều vắc xin sẽ được tài trợ cho ASEAN đến cuối năm 2022, cụ thể là Mỹ - Nhật đóng góp tài chính, Úc lo hậu cần và Ấn Độ sản xuất.
Có vắc xin mà không mắc nợ ai là điều tuyệt vời, nhưng vấn đề trước mắt là thời gian. Động thái chậm giao hàng của Ấn Độ đặt các quốc gia COVAX trước thách thức không thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trong năm nay.
Giàu như Hàn Quốc mà chỉ mới tiêm được cho 1,5% dân số (tổng 52 triệu người) thì hi vọng nào cho châu Phi?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận