Tàu chuyển quân, tàu vận tải quân sự của Trung Quốc neo đậu tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép – Không ảnh do Inquirer chụp năm 2017. Vành Khăn hiện là thực thể nhân tạo lớn nhất Trung Quốc xây trái phép tại Trường Sa.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về thông tin trên tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 28-5, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế", ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.
Zachary Haver, nhà phân tích người Mỹ, gần đây đã lưu ý về việc Trung Quốc đang xây dựng khả năng tự cung tự cấp cho các thực thể nhân tạo chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông nhằm đưa thêm người, gồm cả binh sĩ và "dân thường" ra đồn trú.
Các cảnh báo được ông Haver đưa ra sau một bản tin của Hoàn Cầu Thời báo ngày 19-5, trong đó tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết binh sĩ Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã thu hoạch được hơn 750kg rau xanh nhờ vào công nghệ trồng rau trên cát.
Theo tờ này, hải quân Trung Quốc đã bắt tay với Đại học Trùng Khánh để thử nghiệm công nghệ mới trên một mảnh đất rộng 300m2 ở Phú Lâm và thu hoạch sau một tháng gieo trồng.
Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời một sĩ quan Trung Quốc tiết lộ công nghệ này sẽ được nhân rộng ra các thực thể khác bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Tờ này cũng trích lời Chen Xiangmiao, chuyên gia tại cái gọi là Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc), ngang ngược cho rằng việc trồng rau sẽ giúp củng cố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và chứng minh các thực thể này là đảo.
Điều này cho thấy sự xem thường luật quốc tế của Trung Quốc khi tiếp tục phớt lờ phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS năm 1982 mà họ là một bên phê chuẩn.
Binh lính Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thu hoạch rau xanh trồng trên cát - Ảnh chụp màn hình Hoàn Cầu thời báo
"Trung Quốc đã có khả năng hỗ trợ đời sống cho người trên đảo, đồng nghĩa sẽ ngày càng có nhiều người đến sinh sống hơn", Chen tỏ ra tự tin.
"Trồng rau là bước đầu, sau đó có thể nuôi heo, nuôi gà tạo thành một chu trình hỗ trợ con người sinh sống. Trong tương lai, mỗi hòn đảo có thể tạo thành một cộng đồng dân cư độc lập", ông này tỏ ra tự tin.
Theo nhà phân tích Haver, Phú Lâm ở Hoàng Sa cũng như Chữ Thập ở Trường Sa vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ đảo Hải Nam. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã tăng tốc các nỗ lực đảm bảo khả năng tự cung tự cấp trên các thực thể này.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo, bất chấp sự lên án của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Đây vừa là nơi tiếp liệu, cung cấp nhu yếu phẩm cho các tàu công vụ Trung Quốc vừa là nơi đặt trụ sở của cái gọi là quận đảo Nam Sa mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố hồi tháng trước.
Theo ông Haver, ngoài công nghệ trồng rau trên cát, Bắc Kinh còn ngang nhiên xây trái phép các cơ sở sản xuất điện và khử nước mặn trên Phú Lâm. Chính quyền cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc tự tiện đặt ra để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam gần đây còn chiêu dụ "dân thường" đến sinh sống bằng các khoản trợ cấp và nhà ở miễn phí.
Các công trình phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm - Ảnh: AFP
"Trung Quốc thường thử nghiệm các mô hình ở Phú Lâm trước khi áp dụng tại các thực thể khác trên Biển Đông. Bắc Kinh đã bắt đầu tiến hành các động thái đáng chú ý ở đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa. Việc mở rộng mô hình ở Phú Lâm sang các thực thể nhân tạo khác tại Trường Sa là chuyện sớm chiều", ông Haver cảnh báo.
Việt Nam đã nhiều lần phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang nhiên lặp đi lặp lại các hành động xem thường luật quốc tế bất chấp là một nước lớn.
Theo Đài CGTN của Chính phủ Trung Quốc, "hiện có khoảng 1.800 cư dân sinh sống ở Tam Sa". Hồi năm 2016, Bắc Kinh đã ngang ngược cho hạ cánh 2 máy bay dân sự xuống đá Chữ Thập để thử nghiệm mức độ an toàn của đường băng xây bất hợp pháp trên thực thể này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận