Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định số 866 phê duyệt về "quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", theo đó dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.
Theo quyết định trên, đối với đất hiếm, giai đoạn từ nay đến năm 2030 hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái). Đồng thời hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái).
Trong đó, để chế biến tổng các ôxit đất hiếm (TREO) sẽ đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện - chế biến đất hiếm tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai với các sản phẩm chế biến đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.
Để chế biến đất hiếm riêng rẽ (REO) sẽ đầu tư mới các dự án chiết tách - chế biến tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp với các sản phẩm chế biến đất hiếm riêng rẽ đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.
Giai đoạn từ năm 2031 - 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1-2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.
Duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tổng sản lượng khai thác dự kiến khoảng 2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có, tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm. Tổng các ôxit đất hiếm (TREO) đạt từ 40.000 - 80.000 tấn/năm; đất hiếm riêng rẽ (REO) đạt từ 40.000 - 80.000 tấn/năm.
Đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm nhà máy đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500 - 10.000 tấn/năm.
Đất hiếm là khoáng sản chiến lược, có giá trị và đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực từ điện tử, kỹ thuật nguyên tử, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất, đến lĩnh vực luyện kim và cả chăn nuôi, trồng trọt…
Theo số liệu thống kê của Cục Địa chất Mỹ (USGS) năm 2020, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới.
Mỏ đất hiếm Đông Pao "vắng lặng" sau 9 năm được cấp phép khai thác
Dù được cấp phép từ năm 2014 nhưng đến nay mỏ đất hiếm Đông Pao (Lai Châu) - mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam - vẫn chưa khai thác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu cho biết những khó khăn bất cập dẫn đến mỏ đất hiếm Đông Pao chưa đưa vào khai thác là thị trường tiêu thụ và công nghệ.
Đại diện công ty này cho hay tinh quặng đất hiếm của dự án không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định của Bộ Công Thương (sản phẩm tinh quặng với tổng ôxit đất hiếm phải đạt từ 95% trở lên).
Trả lời Tuổi Trẻ Online, Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu đang làm việc với một số đối tác trong và ngoài nước có năng lực thị trường, công nghệ đất hiếm để hợp tác đầu tư chế biến đất hiếm tại mỏ Đông Pao nhưng chưa có kết quả.
Trong đó, năm 2021 mỏ đất hiếm Yên Phú (Yên Bái) đã tuyển được 653,5 tấn tinh quặng đạt 20% tổng ôxit đất hiếm và cũng chưa đạt theo yêu cầu xuất khẩu của Bộ Công Thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận