Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 vào ngày 26-10 - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Tại hội nghị khai mạc ngày 26-10, lãnh đạo các nước đã trao đổi về những nỗ lực xây dựng cộng đồng và ứng phó dịch COVID-19, trong đó nhất trí giải pháp cấp bách hiện nay là triển khai tiêm chủng toàn dân, tăng cường hệ thống y tế công, đẩy mạnh phục hồi kinh tế.
Cùng với đó, vấn đề quan trọng không kém là nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vắc xin, đảm bảo tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân.
"Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"
Theo Bộ Ngoại giao, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra hai trọng tâm ASEAN cần tập trung trong thời gian tới.
Thứ nhất, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch COVID-19 với sự tham gia của "cả cộng đồng", hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
"Đã đến lúc ASEAN cần chuyển hướng sang chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó các nước cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chủ động về vắc xin, thuốc điều trị và đề cao ý thức chống dịch của người dân. Việt Nam đề nghị thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, hình thành chuỗi cung ứng tự chủ tại khu vực.
Theo Thủ tướng, có thể cân nhắc dùng Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển, bào chế thuốc và vắc xin.
Thứ hai, cần định vị chỗ đứng mới của ASEAN và củng cố vai trò hạt nhân của khối trong các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực. ASEAN cần cân nhắc tận dụng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đã thông báo kế hoạch tổ chức Diễn đàn ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm vào ngày 30-11 tại Hà Nội.
Nguồn: Statista, Our World In Data (thống kê tính đến 24-10) - Dữ liệu: T.PHƯƠNG - Đồ họa: T.ĐẠT
Đóng góp chống dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố danh mục trang thiết bị y tế trị giá nhiều triệu USD của Việt Nam đóng góp cho kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, sẵn sàng chuyển đến các nước khi có nhu cầu. Hôm 21-10 báo Chính Phủ đưa tin danh mục vật tư y tế mà Việt Nam đóng góp trị giá 5 triệu USD.
Ngày 26-10 Singapore cũng thông báo nước này sẽ đóng góp 5,8 triệu USD vào kho vật tư này để giúp ASEAN vượt qua "thời gian khó khăn".
Nhà Trắng (Mỹ) thông báo trong cuộc họp chung với lãnh đạo của khối vào ngày 26-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố kế hoạch trị giá 102 triệu USD để củng cố hợp tác với ASEAN.
Trong đó, 40 triệu USD hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19, 20 triệu USD chống biến đổi khí hậu, 20 triệu USD cho hợp tác thương mại, 17,5 triệu USD cho các dự án giáo dục và 4 triệu USD giúp thúc đẩy bình đẳng giới.
Tại cuộc họp với ASEAN, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng cam kết hỗ trợ 5 triệu USD vào quỹ hỗ trợ chiến dịch tiêm ngừa. "Cuối cùng, sự đoàn kết và hợp tác là cách duy nhất để vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19", Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Moon.
Tuyên bố chung giữa Hàn Quốc và ASEAN cũng khẳng định các bên sẽ nỗ lực củng cố quan hệ theo "chính sách phương nam mới" của Seoul nhằm giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Seoul cũng hy vọng ASEAN hỗ trợ việc nối lại các cuộc đàm phán liên Triều cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ.
Công bố 100 văn kiện
Các lãnh đạo ASEAN đánh giá việc triển khai các sáng kiến ứng phó dịch COVID-19, trong đó có kế hoạch sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua vắc xin cho các nước thành viên, có tiến triển.
Các bên cũng thông qua Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) và xem xét khả năng áp dụng, công nhận giấy chứng nhận tiêm vắc xin điện tử của nhau.
Các nước cho rằng cần tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục chuỗi cung ứng, dịch vụ bị gián đoạn, gỡ bỏ rào cản thương mại và quan tâm hơn tới các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều trong dịch bệnh như du lịch.
Việc sớm phê duyệt Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ góp phần tích cực cho sự hồi phục của khu vực. "RCEP sẽ tăng niềm tin vào thương mại, đầu tư tại khu vực và đóng góp lớn cho sự hồi phục kinh tế hậu COVID-19" - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói khi kêu gọi sớm thông qua hiệp định này.
Kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN thứ 38, 39, lãnh đạo các nước đã thông qua, ghi nhận và công bố 100 văn kiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận