Đây là ý kiến của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao. Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đánh giá cao những thay đổi mà nền kinh tế Việt Nam đã đạt được thời gian gần đây so với thời điểm trước năm 2011. ADB cũng đề cao cách thức xử lý nợ xấu thông qua việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu VAMC có nguồn lực về vốn hạn chế thì sẽ khó có khả năng đưa ra quyết định lớn trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Do đó, lãnh đạo ADB đồng tình với quan điểm phải tăng vốn để VAMC dễ dàng hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.
Lãnh đạo ADB cho biết, việc Việt Nam duy trì được tăng trưởng GDP ở mức nhất định sẽ giúp cho các giải pháp xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra sớm thu được kết quả.
Về phía ADB, Chủ tịch Takehiko Nakao nhấn mạnh, ngân hàng này sẵn sàng cung cấp các khoản vay hỗ trợ trực tiếp cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ cải cách hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước cũng như phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, đại diện ADB cũng cho biết sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, phát triển nguồn nước, năng lượng, y tế, giáo dục, thực hiện sáng kiến vùng Mekong mở rộng kết nối Việt Nam với các nước láng giềng... Cho tới năm 2020, ADB sẽ gia tăng hỗ trợ các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục lên 6 - 10%, và 3 - 5% trong lĩnh vực y tế trên tổng ngân sách được phê duyệt hàng năm.
Được biết, trong giai đoạn 1993 – 2013, ADB đã tài trợ cho Việt Nam là 12,5 tỷ USD, dự kiến năm 2014, ADB tài trợ khoảng 1,37 tỷ USD và năm 2015 là 1,24 tỷ USD. Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, trong giai đoạn 2015 – 2017, ADB dự kiến tiếp tục duy trì tài trợ cho Việt Nam khoảng 3,67 tỷ USD, tương đương như mức các năm trước đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận