24/05/2016 09:00 GMT+7

Việt - Mỹ vượt qua rào cản cuối cùng

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Chiều 23-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama công bố tại cuộc họp báo chung: Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho 
Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón Tổng thống Obama tại phủ chủ tịch - Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón Tổng thống Obama tại phủ chủ tịch - Ảnh: VIỆT DŨNG

 

Trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Tổng thống Obama.

Xóa bỏ vết tích kéo dài của chiến tranh lạnh

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama đều xác nhận Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam đánh giá rất cao việc Mỹ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí và cho rằng đây chính là một bằng chứng rõ ràng hai nước đã hoàn toàn bình thường hóa quan hệ.

Tổng thống Obama cho rằng việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tiếp cận các thiết bị cần thiết cho việc bảo vệ đất nước và xóa bỏ vết tích kéo dài của thời kỳ chiến tranh lạnh.

Nó cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam, bao gồm mối quan hệ quốc phòng vững mạnh với Việt Nam và trong khu vực trong một thời gian dài.

Một phóng viên nước ngoài hỏi: “Ở một góc độ nào đó, việc bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí có phải giúp Việt Nam xây dựng năng lực quân sự để chống lại hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông hay không? Và có đi kèm điều kiện Việt Nam có cho phép Mỹ tiếp cận các cảng của nước này, gồm quân cảng Cam Ranh?”.

Ông Obama cho rằng quyết định bỏ cấm vận vũ khí không liên quan đến Trung Quốc mà nó dựa vào mong muốn hoàn tất một tiến trình lâu dài hướng đến bình thường hóa quan hệ với Việt Nam của Mỹ.

“Về các đơn hàng mua vũ khí, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá từng trường hợp. Nhưng chúng tôi không có một lệnh cấm dựa trên sự khác biệt về ý thức hệ bởi vì ở thời điểm hiện tại, cả hai bên đều đã thiết lập được mức độ tin tưởng và hợp tác, trong đó có hợp tác quân sự, phản ánh lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau” - ông Obama khẳng định.

Về sự hiện diện của hải quân Mỹ ở các cảng biển, trong đó có quân cảng Cam Ranh của Việt Nam, ông Obama cho biết một số tàu Mỹ đã đến cảng của Việt Nam và Washington kỳ vọng mối quan hệ giữa hải quân hai nước sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

“Sẽ có thêm tàu hải quân Mỹ lui tới nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều này chỉ xảy ra khi chúng tôi được mời hoặc hợp tác với Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và những vấn đề nhạy cảm của phía Việt Nam”.

Phát biểu về Biển Đông tại cuộc họp báo, Tổng thống Obama cho biết Mỹ và Việt Nam đang hợp tác cùng nhau nhằm ủng hộ một trật tự khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, nơi mà các quy tắc, thông lệ quốc tế cần phải được tuân thủ và nơi mà tự do hàng hải, hàng không, luật thương mại không bị ngăn cản, đồng thời các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các biện pháp pháp lý và tuân theo luật pháp quốc tế.

“Dành điều tốt đẹp cho cái cuối cùng”

Về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Obama khẳng định ông sẽ tiếp tục thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi TPP sớm nhất có thể bởi vì TPP giúp hỗ trợ cải cách kinh tế ở Việt Nam, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu và giảm thuế cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang thị trường Việt Nam.

Ông Obama cho biết trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên có thảo luận về các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ mà Việt Nam phải cam kết đáp ứng khi gia nhập TPP và người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh rằng Washington đang chuẩn bị hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật để giúp Việt Nam thực thi đầy đủ các quy định để TPP có thể mang lại lợi ích như người dân hai nước kỳ vọng.

Ngoài TPP và dỡ bỏ cấm vận vũ khí, Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhất trí coi hợp tác phát triển, bao gồm kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm trong quan hệ hai nước.

Lãnh đạo hai bên cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là việc tẩy độc dioxin, bom mìn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Giải thích lý do tại sao thăm Việt Nam trong cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Obama cười bảo rằng người Mỹ có câu nói “Save the best for last” (Dành điều tốt đẹp cho cái cuối cùng).

“Việt Nam là một đất nước đặc biệt và rất đẹp. Tôi có nói với ngài Chủ tịch nước rằng thật đáng tiếc trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi họp hành cả ngày. Tôi hi vọng khi tôi không còn làm tổng thống nữa, tôi có thể đến đây cùng với gia đình và dành thời gian đi du lịch Việt Nam, tìm hiểu về người dân, thưởng thức ẩm thực, uống cà phê sữa đá và có một lịch trình thư giãn hơn” - Tổng thống Obama chia sẻ.

Tổng thống Barack Obama ghi lưu niệm khi tới thăm nhà sàn Bác Hồ - Ảnh: TTXVN
Tổng thống Barack Obama ghi lưu niệm khi tới thăm nhà sàn Bác Hồ - Ảnh: TTXVN

Ngay sau hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Obama đã tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ thăm nhà sàn Bác Hồ. Tại cuộc tiếp xúc, hai bên mong muốn quan hệ quốc hội hai nước tiếp tục được tăng cường, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và góp phần thúc đẩy sự phát triển chung Việt - Mỹ.

Quyết định mang tính biểu tượng

Ngày 23-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh hoan nghênh bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và hi vọng sự phát triển trong mối quan hệ này sẽ đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực. “Lệnh cấm vận là của thời chiến tranh lạnh và bây giờ không nên tồn tại nữa” - CNN dẫn lời bà Hoa.

Trong khi đó, Tân Hoa xã cho rằng thỏa thuận chỉ phục vụ chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ và “khuyên” Việt Nam nên thận trọng.

Hãng tin Reuters nhận định việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ mở cánh cửa để Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới nhất cũng như cải thiện sự hợp nhất của các lực lượng quân sự.

Giới chuyên gia hi vọng Mỹ sẽ cung cấp máy bay không người lái hoặc có thể là máy bay giám sát P-3 Orion cho Việt Nam.

Hãng tin dẫn lời giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc cho rằng nó cũng sẽ là đòn bẩy cho Việt Nam trong các thỏa thuận vũ khí với những nhà cung cấp khác.

BBC cũng thừa nhận tính biểu tượng mạnh mẽ trong động thái của Washington nhưng cho rằng Việt Nam sẽ không nhanh chóng quay lưng với nhà cung cấp vũ khí truyền thống như Nga.

“Lý do là vì nhiều công nghệ Mỹ có thể quá phức tạp hoặc đắt đỏ so với nhu cầu của Việt Nam. Một lý do khác là quá trình để nhận vũ khí của Mỹ tương đối rắc rối” - trang này viết.

Hãng tin Pháp AFP nhìn nhận việc dỡ bỏ lệnh cấm vận như một “thay đổi mang tính biểu tượng cao” trong quan hệ Việt - Mỹ.

TRẦN PHƯƠNG

Tổng thống Mỹ Obama hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chiều 23-5 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tổng thống Mỹ Obama hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chiều 23-5 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Gặp lại Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Obama bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam và sự phát triển của Việt Nam trong 20 năm qua; bày tỏ hài lòng về những tiến triển mạnh mẽ và sâu rộng của quan hệ đối tác toàn diện thời gian qua, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, giáo dục, giao lưu nhân dân, nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin trong đó có việc hai bên tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc..., tích cực giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại chân thành, thẳng thắn và xây dựng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama  - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: TTXVN

Gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác đối tác toàn diện Việt - Mỹ, trong đó ưu tiên thúc đẩy hợp tác phát triển làm trọng tâm và động lực của quan hệ trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, tăng cường đầu tư trực tiếp để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam; hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công sự kiện APEC 2017...

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên