Vở kịch "Thiên thần nhỏ của tôi" do đạo diễn Việt Linh viết kịch bản và dàn dựng từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh sẽ ra mắt ngày 1-6
Đến căn hộ thứ tư mà chị thuê trong 5 năm nay, thấy Việt Linh đang sửa giọng để đọc một đoạn ghi âm cho phim ngắn của con gái, bài thơ viết hơn 40 năm trước khi đến Nga học nghề đạo diễn: "Tuyết từ đâu rơi xuống nhân gian... Nhận cái đẹp từ trời mang trả về cho đất/Chẳng kiêu kỳ cũng chẳng oán than/Cứ âm thầm tự nở tự tan".
Những tác phẩm "khó nhằn"
* Lịch làm việc tuần này của chị?
- Đạo diễn VIỆT LINH: Hai buổi đi dạy ở Câu lạc bộ điện ảnh Hồng Hạc, một buổi nói chuyện về điện ảnh ở một trường quốc tế, lớp học tại nhà. Còn lại là tập trung cho buổi diễn của sân khấu Hồng Hạc "Thiên thần nhỏ của tôi" tối 1-6 tại Nhà hát TP. Tuần sau tôi chuẩn bị ra mắt cuốn sách mới Soi gương bằng người.
Tuần sau nữa lại đến vở Eugenie Grandet cũng sẽ được diễn tại Nhà hát TP (tối 14-6). Tôi vừa sắm được thêm vài món đạo cụ từ Pháp để vở kịch thêm chỉn chu, chỉ đang lo nhất cho khâu... bán vé.
* Xem ra chị vẫn sẵn sàng để đi tiếp với Hồng Hạc chứ không phải là giao lại cho các bạn trẻ như lời hẹn lúc thành lập cách đây 3 năm. Nỗ lực để Hồng Hạc tiếp tục duy trì hoạt động phải chăng là việc khó nhất với chị từ trước đến giờ?
- Chồng tôi và những người bạn thân thiết gọi tôi là "kẻ thích đâm đầu vào đá". Tôi công nhận điều đó. Tính tôi thích chọn những gì khó khăn để tự thử thách mình, buộc mình phải đương đầu, trong nghệ thuật và trong cuộc sống đều như vậy.
Hơn cả hạnh phúc, vui sướng, tôi được hưởng một lạc thú từ sâu bên trong mình khi rướn lên, vượt qua.
Dù điện ảnh hay sân khấu, các đề tài, tác phẩm tôi chọn chuyển thể đều thuộc loại "khó nhằn", cảnh trí là khó phục dựng, diễn viên cũng phải vượt khó rất nhiều để thể hiện được những lát cắt của nhân vật.
Mấy mươi năm làm nghệ thuật, tôi vẫn còn nguyên sự tò mò, háo hức được xem hình hài con chữ của mình sẽ biến thành không gian như thế nào, nhân vật sống trong ấy ra sao, tính cách, kịch tính sẽ thể hiện theo kiểu gì, thông điệp đưa đến độc giả có trọn vẹn...?
Hồng Hạc cũng chất đầy những cái khó như thế để có chỗ đứng riêng. Nghiêm cẩn - chỉn chu - tử tế với nghệ thuật là yêu cầu hàng đầu.
Tôi đã truyền được cái cảm giác hạnh phúc vượt khó cho các đồng nghiệp trẻ, tin rằng khi mình không có mặt, các bạn vẫn giữ được cách làm ấy. Khó khăn nhất với chúng tôi là làm sao để tâm huyết của mình đến được với nhiều khán giả hơn mà thôi.
* Bìa cuốn sách mới của chị sao có vẽ một hình người với một cái vòng trên đầu?
- Đó có thể là vòng nguyệt quế khi đạt được nghệ thuật, vòng kim cô của những khó khăn, hay là vòng băng bó vết thương khi "đâm đầu vào đá".
Chúng tôi nỗ lực để nghệ thuật mà mình làm khơi gợi và tôn vinh cảm xúc đẹp của khán giả, nhưng Hồng Hạc đến nay vẫn chưa trở thành sân khấu phổ biến, lựa chọn ưu tiên.
Ba năm ấy, những khoản đầu tư cá nhân là không cần nói đến nữa, nhưng tôi phải cảm ơn rất nhiều ân nhân, bạn bè đã giúp đỡ vô vụ lợi bằng nhiều hình thức.
Có người nói: "Đầu tư cho nghệ thuật tử tế". Có người nói: "Tiếp sức cho Việt Linh đâm đầu vào đá"... Sắp tới, tôi có thể sẽ không thường xuyên có mặt ở Hồng Hạc nữa vì điều kiện sức khỏe, tuổi tác và nhất là đã đến lúc phải sống nhiều hơn với gia đình, nhưng Hồng Hạc vẫn sẽ tiếp tục với đam mê của các bạn trẻ.
Kỳ vọng sau những "cú chạm"
* Dẫu cho bàn đến chuyện "buông" thì trên bàn của chị vẫn đang là những kịch bản mới...
- Hồng Hạc của chúng tôi đang xoay sang một lối mới: không diễn định kỳ, cố định nữa mà tổ chức biểu diễn, lưu diễn theo dự án, nhu cầu trực tiếp của khán giả, cân đối tài chính cho từng suất diễn.
Chúng tôi vừa nhượng lại bản quyền vở Tấm và hoàng hậu và đang chuẩn bị dựng mới. Tôi tâm đắc với chủ đề rất thời sự của kịch bản: người tốt như Tấm khi nắm quyền lực hoàng hậu cũng tha hóa, vong thân. Vở sẽ ra mắt trước khi tôi trở lại Pháp trong vài tháng tới.
Tôi cũng vừa nhận viết kịch bản cho chuỗi phim ngắn về đề tài lạm dụng tình dục trẻ em. Yêu cầu của nhà đầu tư: đảm bảo tính thông tin, giáo khoa, phát hiện, đấu tranh, nghệ thuật.
Yêu cầu của riêng tôi: làm sao để cả nạn nhân lẫn thủ phạm và cả thủ phạm tiềm ẩn đều rung động để gìn giữ cuộc đời. Là mẹ của một cô con gái, đây là dự án khó nhất với tôi từ trước đến giờ, vì khi viết phải hết sức kiềm chế cảm xúc, sự phẫn nộ cứ sôi trào lên.
* Sự quan tâm đến các vấn đề xã hội trong chị cũng máu thịt không kém với nghệ thuật. Điều đó thể hiện qua hàng ngàn bài báo mà chị đã viết và xuất bản. Kỳ vọng của chị là gì?
- Đúng là nó đã đi vào máu. Viết báo, tản văn cũng như làm phim, làm kịch, kỳ vọng cuối cùng của tôi vẫn là nâng niu và nâng lên cái đẹp, cái tốt, cái tử tế trong con người.
Có điều kiện đi lại thường xuyên, sống trong giao lưu giữa Âu - Á, kỳ vọng ấy càng lớn. Không so sánh mà tôi gọi là những "cú chạm văn hóa" và luôn cố gắng viết lại, thuật lại với độc giả của mình, không che giấu cảm xúc bản thân.
Có lúc tự hào, có lúc xấu hổ. Có lúc phẫn nộ, có lúc nuối tiếc. Có lúc kêu gọi, có lúc than thở... Càng đi xa càng yêu càng thương quê mình đến quặn thắt. Tôi cho rằng nói lên kỳ vọng của mình là một điều hiển nhiên, chính đáng và phải làm.
* Dẫu vậy thì vẫn có nhiều đau đớn, như khi chị viết về những hàng cây trăm năm, tòa nhà trăm tuổi bị mất đi ở Sài Gòn: "Quá muộn để cứu nhưng hoàn toàn không muộn để khóc và khuyến cáo. Khi Sài Gòn cứ còn của những người lạnh lùng đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống thì những người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn sẽ còn khóc".
- Tôi đã khóc thật sự, và trong nước mắt ấy còn nhiều hi vọng.
* Niềm vui và hi vọng lớn nhất lúc này của chị?
- Tôi có may mắn là chơi được, làm việc được với các bạn trẻ. Họ cho tôi sự cộng lực trong công việc, tươi mới trong tinh thần. Tôi giữ được niềm tin vào cái tài, cái tâm của lớp trẻ qua những cộng sự của mình.
"Vua" phải là tấm gương lao động
Giống như mọi vị trí lãnh đạo, đạo diễn - "vua trường quay" cũng cần ba tố chất: chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc, chỉ số yêu thương. Không biết đo các chỉ số kia, tôi chỉ nhớ mình đã làm việc với đoàn phim như một gia đình, không phân biệt vị thế.
"Vua" phải là tấm gương lao động, ngọn lửa hâm nóng sự nguội lạnh, ngã lòng luôn rình rập giữa muôn trùng gian khó. Và điều quan trọng: phải làm cho mọi người tin vào kết quả sản phẩm.
Đạo diễn VIỆT LINH (trích Soi gương bằng người)
40 năm nghệ thuật
Nữ đạo diễn Việt Linh - Ảnh: TỰ TRUNG
Đời nghề của đạo diễn Việt Linh đã đi qua nhiều đoạn: đoạn sôi nổi và thăng hoa mãnh liệt với những phim Nơi bình yên chim hót, Phiên tòa cần chánh án, Gánh xiếc rong, Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng; đoạn vượt qua biến cố sức khỏe nhưng vẫn không trầm lắng với tủ sách điện ảnh, những kịch bản, những tập phê bình, tạp văn; đoạn trở lại tươi mới, trẻ trung với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ở đây có nắng; đoạn tung tẩy rẽ sang dựng kịch với Thiên Thiên và quả quyết đi một đường dài với sân khấu Hồng Hạc...
Sân khấu Hồng Hạc được Việt Linh thành lập từ tháng 12-2015, nơi chị luôn ưu tiên cho người trẻ học và làm nghề một cách thật nghệ thuật.
Hồng Hạc đã ghi dấu ấn với nhiều vở: Thiên Thiên, Tro tàn rực rỡ, Giờ của quỷ, I am đàn bà, Thiên thần nhỏ của tôi, Eugenie Grandet...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận