28/05/2015 15:49 GMT+7

“Viết lại” là một cách đọc thông minh

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - 1 Truyện cổ tích Công chúa tóc vàng dù được Công ty sách Ðinh Tỵ mua bản quyền từ một nhà xuất bản Trung Quốc, nhưng thực chất có nguồn gốc từ truyện ngụ ngôn Công chúa da lừa vốn rất nổi tiếng của Pháp.

Câu chuyện vua cha đòi kết hôn với con gái trong truyện cổ Công chúa tóc vàng - Ảnh: V.V.Tuân
Câu chuyện vua cha đòi kết hôn với con gái trong truyện cổ Công chúa tóc vàng - Ảnh: V.V.Tuân

Nội dung truyện cổ này cũng từng được dựng thành phim bởi đạo diễn Jacques Demy và được mệnh danh là “viên ngọc của điện ảnh Pháp”.

Chuyện kể về một ông vua trước khi vợ mất đã có lời nguyền rằng ông phải lấy người đẹp hơn bà. Khi vợ mất đi và khi con gái lớn lên, ông không thấy ai đẹp hơn vợ, ngoài con gái, nên có ý định “điên rồ” là cưới con gái làm vợ.

Tất nhiên là cô con gái và các quần thần phản đối kịch liệt. Ðể trốn chạy vua cha, cô gái đã khoác trên mình tấm da lừa. Nhưng, như những ai từng đọc truyện ngụ ngôn này cũng biết là sau đó công chúa gặp một hoàng tử yêu mình, họ tổ chức hôn lễ, vua cha cũng tới dự, vô cùng ân hận với hành động trước đây.

Chi tiết vua cha muốn lấy con gái làm vợ phản ánh phần nào kiểu phức cảm và ẩn ức tình dục mà Freud đã từng phân tích.

Còn chi tiết nàng công chúa khoác tấm áo da lừa, bôi lọ để làm người xấu xí phần nào làm ta liên tưởng đến Lọ Lem. Một câu chuyện kết thúc có hậu, ấn tượng và ý nghĩa.

Cho nên thông tin về việc sẽ “sửa chữa, cắt bỏ” chi tiết “cha muốn cưới con gái” khiến không ít người băn khoăn. Sửa chữa thế nào, cắt bỏ ra sao để không làm gãy đổ toàn bộ “xương sống” và tư tưởng câu chuyện?

Giải pháp nào để một nàng công chúa da lừa có thể nguyên vẹn tinh thần ở VN, đó là công việc của đơn vị xuất bản. Tuy nhiên, qua “sự cố” biên dịch này, thấy đây là một bài học không nhỏ trong việc cân nhắc, chọn dịch tác phẩm phổ biến ở VN. Ðặc biệt là tác phẩm phục vụ thiếu nhi thì phải hết sức dễ hiểu, gần gũi.

Nhân câu chuyện về truyện cổ đang gây xôn xao này, cũng có thể thấy tâm lý của nhiều người khi thấy cái gì không hợp với mình là đòi sửa chữa, thay đổi. Nhưng việc thay đổi đâu dễ dàng, nhất là thay đổi về văn bản, đặc biệt là với những giá trị sáng tạo, truyền đời.

Cũng như trước đây rất nhiều người đòi “viết lại truyện cổ”, chẳng hạn là viết lại cái kết truyện Tấm Cám, vì thấy ác quá, không nhân văn chút nào (!). Nhưng, thú thật là tôi chưa thấy ai có thể viết lại một cái kết hay hơn cổ tích cả. Việc sách giáo khoa sửa lại cái kết chỉ dừng lại việc Tấm “giội nước sôi” giết Cám (mà không muối mắm rồi biếu dì ghẻ) chỉ là một tình tiết gia giảm, cũng không khiến Tấm “nhân văn” hơn như nhiều người mong muốn.

Thật ra thì xưa nay, đọc truyện này ai cũng ngầm hiểu hành động đó chỉ mang tính ước lệ, như một điều răn: “Kẻ nào mất hết nhân tính thì sẽ bị trừng phạt thích đáng”. Chỉ có thế thôi.

Cho nên cái gọi là “viết lại” ở đây, theo tôi, chính là một cách đọc thông minh, vượt thoát văn bản, xuất phát từ phía người đọc chứ không phải người viết. Có nghĩa là khi đọc câu chuyện đó, người đọc có quyền “viết lại” trong đầu mình, hình dung những tình huống, tầng nghĩa, kết cục khác...

Ðối với các em nhỏ, trí óc còn non nớt thì cô giáo, phụ huynh nên làm giúp phần “viết lại” đó, tức cắt nghĩa, giảng giải sao cho các em có thể hiểu một cách tích cực nhất.

Có nghĩa là, ở đây chúng ta tôn trọng mọi tranh luận, thậm chí là xung khắc của tất cả mọi người. Nhưng có nên sửa lại văn bản, in lại sách hay không là một việc cần hết sức cân nhắc.

Giả dụ khi đọc truyện này chúng ta cứ đòi viết lại, thay đổi nhân vật, kết cấu, tâm lý... cho phù hợp với hiện tại, rồi mai sau khi hoàn cảnh sống thay đổi, tâm lý con người khác đi, chẳng lẽ chúng ta lại phải viết lại lần nữa? Cứ viết đi viết lại, in đi in lại hoài vậy sao?

Viết lại, trong nhiều trường hợp là xuất phát từ người đọc chứ không phải người viết.

Viết lại, chính là tự trang bị cho mình một cách đọc thông minh vậy.

“Sốc với truyện cổ tích… cha muốn cưới con gái”, “Choáng váng với cha muốn cưới con gái”, “Tá hỏa với cha muốn cưới con gái làm vợ”… đó là những cái tít “giật” trên những trang báo mạng trong tuần qua.

Nội dung của những bài viết này chủ yếu nêu ý kiến bất bình của phụ huynh khi tình cờ phát hiện trong truyện Công chúa tóc vàng (nằm trong cuốn Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm do Công ty sách Ðinh Tỵ và Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2014) có một đoạn như thế này: “Quốc vương nhìn thấy con gái mình, thường nghĩ đến bóng dáng của vợ, vì thế sau đó ngài tuyên bố sẽ lấy con gái của mình làm vợ”…

Sau khi dư luận “nổi sóng” với chi tiết “loạn luân” này, Nhà xuất bản Văn Học đã có công văn gửi Công ty sách Ðinh Tỵ đề nghị: 1. Tạm dừng phát hành, thu hồi toàn bộ cuốn sách Truyện cổ tích hay nhất Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm còn tồn đọng trên thị trường; 2. Phối hợp với biên tập viên Nhà xuất bản Văn Học để sửa chữa, cắt bỏ chi tiết trên.

 

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên