04/08/2017 18:39 GMT+7

'Viết hết mực, biết mẹ hổng có tiền nên con không dám xin'

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Gia đình khó khăn, biết ba mẹ nghèo nên cô bé lớp 1 đã không dám xin tiền để mua bút. Cái nghèo đã khiến cô bé Nguyễn Trần Phương Nguyên tự ý thức về thân phận mình dù còn nhỏ xíu.

Phương Nguyên cùng anh trai thường cùng nhau học bài trên chiếc bàn duy nhất mà ba đi xin về - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Tìm về nhà của Phương Nguyên, đó là căn nhà trọ vỏn vẹn mười mấy mét vuông nằm sâu hút sau nhiều dãy trọ tuềnh toàng. Vợ chồng anh Tứ Quang và chị Quỳnh Trân có 3 con. Phương Nguyên là con thứ hai, cậu anh trai Tứ Nguyên (10 tuổi) và đứa em nhỏ mới 4 tháng tuổi.

Con không ăn trộm

- Con đưa cặp đây cho mẹ kiểm tra!

- Không được đâu mẹ!

- Con ăn trộm đồ của bạn đúng không? Con đưa cặp cho mẹ nhanh lên!

Người mẹ nổi nóng vì nghi đứa con gái của mình ăn trộm đồ của bạn nên mới nhất quyết không cho mẹ kiểm tra cặp như thế. Lúc nãy, chị đã được nghe thằng con trai lớn lớp 4 méc: “Mẹ ơi, hình như em ăn trộm đồ của bạn. Em không cho con đụng vô cặp”.

Mặc con gái mếu máo quyết bảo vệ bằng được cái cặp, cuối cùng người mẹ cũng lấy được chiếc cặp. Mở ra kiểm tra, chẳng thấy gì ngoài xấp bài kiểm tra trắng tinh mấy hôm liền không làm.

- Tại sao con không làm bài tập?

- Dạ… vì… vì viết con hết mực! Con biết mẹ không có tiền nên con không dám xin - cô bé lớp 1 òa khóc.

Người mẹ cũng rưng rưng theo con. Đó là câu chuyện của bé Phương Nguyên (chuẩn bị lên lớp 2) - Trường tiểu học Bùi Văn Ba, huyện Nhà Bè (TP.HCM).

Nhắc lại câu chuyện trên, Phương Nguyên kể khi được chuyển qua viết bút mực, mẹ mua cho em một cây bút và dặn phải giữ gìn cẩn thận. Khi bút hết mực, Nguyên không dám xin tiền mẹ vì biết mẹ không có tiền. Những ngày lên lớp, Nguyên mượn bút của bạn để viết bài.

Khi cô giao bài tập về nhà, Nguyên đều tranh thủ nán lại mượn bút của bạn để làm ngay tại lớp. Đến hôm không mượn được bút của bạn nữa, Nguyên đành không làm bài về nhà.

Vì thế em không dám cho anh trai, mẹ xem cặp vì sợ thấy mình không làm bài.

Anh Tứ Quang cho biết vợ chồng anh lấy nhau, cả hai đều không có nghề nghiệp ổn định. Trước đây, vợ chồng dắt díu nhau đi bán bong bóng. Từ khi vợ sinh con thứ ba phải ở nhà, anh Quang xin làm bảo vệ cho một trường học.

Đồng lương ổn định hơn nhưng cả nhà 5 người, 2 đứa con đang tuổi đến trường, đứa nhỏ thêm tiền sữa, tã nên đồng lương hơn 5 triệu/tháng của anh thiếu trước hụt sau.

Anh bảo mới đây anh được Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân - Thành Đoàn TP.HCM trao “Căn phòng mơ ước” (được hỗ trợ tiền nhà trọ 800.000 đồng/tháng, trong vòng một năm) nên anh cũng “dễ thở” hơn một chút.

Vợ anh tuy con còn nhỏ nhưng cũng cố gắng nhận các tranh mỹ nghệ về làm ở nhà. Chị cặm cụi ngồi xếp giấy làm tranh, tỉ mẩn hàng giờ đồng hồ mới xong một bức tranh với tiền công là 5.000 đồng để mong có thêm chút tiền chợ. “Mình cực khổ cũng không sao, chỉ biết ráng làm để các con được đến trường. Không thể vì nghèo mà bắt con chịu thiệt thòi” - anh Quang kể.

Con ước mơ làm bác sĩ

Hiểu được cái nghèo, nỗi vất vả của ba mẹ nên anh em Tứ Nguyên, Phương Nguyên đều cố gắng học. Cậu anh trai Tứ Nguyên năm nay lên lớp 5 và các năm đều đạt kết quả học tập tiên tiến, còn Phương Nguyên là học sinh hoàn thành xuất sắc kết quả học tập.

Hằng ngày, chẳng cần để ba mẹ phải nhắc nhở, đi học về hai anh em tự bảo nhau học bài làm bài. Chiếc bàn cá nhân với mặt bàn đã bị bong tróc là nơi làm bài của hai anh em với mỗi đứa một mép bàn để ngồi. Lúc chật chội quá thì một trong hai đứa bò lăn ra nền nhà mà viết bài.

“Đây là chiếc bàn ba mới xin được cho hai anh em. Chiếc bàn trước bị gãy chân rồi” - Tứ Nguyên thật thà cho biết.

Trong nhà, anh em Phương Nguyên chẳng hề có một món đồ chơi nào, cũng chẳng có gì để giải trí. “Con thích coi tivi lắm. Nhà con không có nên con hay qua nhà cô hàng xóm coi” - Phương Nguyên kể.

Trong xóm trọ nghèo, hai anh em cứ thui thủi chơi với nhau như vậy. Học xong, hai anh em lại bày trò đùa giỡn, vật lộn với nhau. Cả hai bảo cũng chưa từng được đi đâu xa, nơi xa nhất là mỗi lần về nhà bà ngoại ở quận 7 (TP.HCM).

“Mình đi làm ca đêm, từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau. Ban ngày về ai kêu gì thì lại làm nấy. Mấy ngày nay mấy đứa nhỏ được nghỉ hè, bảo ba dắt đi siêu thị chơi nhưng mình vẫn chưa có thời gian để đưa đi - anh Quang rầu rầu kể - Mấy đứa nhỏ vô siêu thị đi dạo thôi. Lâu lâu có mấy cô cho thử đồ ăn thì tụi nhỏ thích lắm!”.

Anh Quang cho biết như hiểu được cái nghèo, cái khó của ba mẹ nên hai đứa chẳng bao giờ đòi mua gì. Cô bé 7 tuổi nhưng tỏ ra rất hiểu chuyện, buồn điều gì thì chỉ im lặng, ánh mắt buồn hiu. Nói về ước mơ, Phương Nguyên bảo muốn đi học và ước mơ sau này được làm bác sĩ.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Yến - giáo viên chủ nhiệm của Phương Nguyên - cho biết: "Ở lớp, Phương Nguyên là học sinh học tốt, ngoan ngoãn và hòa đồng với bạn bè. Năm học vừa qua, Phương Nguyên là học sinh hoàn thành xuất sắc trong học tập. Phương Nguyên cũng được nhận phần thưởng dành cho học sinh nghèo vượt khó” - cô Yến nói.

Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học này sẽ nhận được một suất học bổng “Đèn đom đóm” trị giá 3 triệu đồng/suất để phần nào chia sẻ khó khăn với các em. Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức. 
MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên