20/11/2016 07:33 GMT+7

Viết cho ngày 20-11

HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TTO - Trong lịch sử phát triển của nhân loại, nguồn sống của hầu hết thầy cô giáo là từ học phí, nhưng nghề giáo luôn được xem là một nghề cao quý.

Khi xã hội phát triển và nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục, nhiều nước đã dùng tiền thuế để trợ cấp hoặc cung cấp giáo dục miễn phí.

Trên thực tế, hình ảnh của nghề giáo không phụ thuộc vào nguồn nuôi sống của các thầy cô, mà nó bị ảnh hưởng bởi sự can dự của đồng tiền (chuẩn thị trường) vào chuẩn xã hội dựa trên đạo đức.

Vai trò của Nhà nước là không thể phủ nhận và ai cũng muốn Nhà nước làm tất cả để đem lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người. Tuy nhiên, những gì Nhà nước làm được, trên thực tế, còn hạn chế do giới hạn về nguồn lực.

Trong một thời gian rất dài, Nhà nước đã muốn làm tất cả, nhưng nguồn lực thì hữu hạn mà nhu cầu thì lớn nên thu nhập của các thầy cô không đủ để trang trải cho cuộc sống, phải xoay xở để kiếm sống, ảnh hưởng đến sự tận tâm với nghề nghiệp là khó có thể tránh khỏi.

Trong khi đó, những môn có thể dạy thêm thì xảy ra hệ lụy. Chỉ để có thêm một khoản thu nhập cho một số thầy cô và cha mẹ học sinh sẵn sàng chi trả, cơ chế học thêm theo dạng ép buộc chẳng đặng đừng đã được tạo ra.

Do trường công gần như miễn phí, nên một số người nghĩ đơn giản rằng cứ để cho con mình học rồi lấy một phần chênh lệch giữa chi phí phải trả và khả năng sẵn sàng chi trả để “bồi dưỡng” thầy cô, hoặc cho con mình đi học thêm thì sẽ có lợi.

Nếu chỉ một số ít người nghĩ và làm như vậy thì họ sẽ được hưởng lợi rất lớn, trong khi cả xã hội không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên khi số đông theo trào lưu này thì trục trặc xảy ra.

Do vậy để giải quyết vấn đề này, cần ít nhất hai hành động đồng thời. Thứ nhất, Nhà nước nên giới hạn vai trò của mình và cần tạo điều kiện để phát huy vai trò của thị trường và của xã hội. Thứ hai, có cơ chế hay áp lực của xã hội để giảm thiểu tâm lý sử dụng đồ miễn phí và không quan tâm đến cái chung.

Nhân ngày 20-11, là người làm trong ngành giáo dục và nghiên cứu những vấn đề của khu vực công, tôi rất mong các bậc cha mẹ nghĩ thêm một lần nữa về những việc định làm chứ xin đừng tặc lưỡi: “Xã hội nó thế, nếu không làm thì thiệt con mình!”; rất mong tất cả thầy cô lựa chọn cách thức nhận được phần mình đáng được nhận theo con đường đáng trân trọng nhất!

HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên