Nguyễn Thị Ngọc Bích là một trong những người bạn khắng khít với tôi thời đại học. Chúng tôi học cùng khoa nông nghiệp, cùng chung hoàn cảnh không may: mất cha sớm, bản thân không sở hữu gương mặt xinh đẹp như nhiều cô gái khác, ăn mặc tuềnh toàng vì cả hai đều nghèo. Một hôm, tôi đến nhà Bích chơi và thật ngỡ ngàng khi nghe mẹ Bích nói bạn là con nuôi của bà, em trai Bích mới là con ruột. Ngọc Bích cũng xác nhận lời mẹ nói một cách bình thản, rồi cười: “Mẹ nuôi mà cho học đến đại học là người mẹ tốt rồi. Mẹ ruột có khi chưa hẳn được như vậy”.
Thời bao cấp lương thực khan hiếm, thỉnh thoảng ở trường bán bánh mì, Ngọc Bích luôn mua cho mẹ bằng số học bổng nhỏ nhoi của mình. Ngọc Bích hay thẳng thừng từ chối khi bạn bè rủ nhau đi ăn uống. Là bạn thân, Ngọc Bích ghé tai tôi: “Tao mang học bổng về cho mẹ...”. Có lần tôi cắc cớ: “Nếu mẹ ruột xuất hiện, mày có bỏ người mẹ hiện tại để về với mẹ ruột không?”. Bạn cười: “Dù mẹ ruột có giàu đi nữa tao cũng từ chối. Nếu thương, bà đã không bỏ con vào cô nhi viện. Công sinh làm sao bằng công dưỡng. Thử nghĩ khi mẹ nuôi xin tao về lúc tao còn đỏ hỏn và nuôi đến ngày hôm nay biết bao công sức”...
Em trai Bích đi nghĩa vụ, Bích làm thêm việc móc áo bỏ mối ở chợ để có tiền gửi cho em. Nhìn đôi tay thành thục với những mũi kim điêu luyện, tôi không khỏi cảm phục sự tỉ mỉ của bạn. Một sáng, đưa tôi ra bến xe buýt ở chợ Thủ Đức (TP.HCM), nhìn một cô bé với mười ngón tay đeo hơn mười chiếc nhẫn bằng vàng đang cầm quyển ôn thi đại học, Bích nói nhỏ với tôi: “Ê mày, ước mơ của con bé đó là cánh cửa đại học, còn ước mơ của bọn mình bây giờ là một cái khoẻn trên ngón tay của nó”. Tôi cười... Thuở đó, một chỉ vàng với chúng tôi là ước mơ xa vời nên sau khi tốt nghiệp (năm 1980) hằng ngày Bích phải cuốc bộ từ nhà hơn 10 cây số đi dạy học.
Tôi mang chuyện này kể cho Thụy Vân, một người bạn cùng lớp, Thụy Vân vui vẻ cho Bích mượn tiền mua xe đạp. Không may một lần đi mua sách, chiếc xe của Bích bị chôm mất. Bạn phải đi bộ một thời gian mới mua lại được chiếc xe mới!
Gánh nặng trên vai Ngọc Bích oằn hơn khi mẹ bị hai chứng bệnh tim và suyễn hành hạ. Ngọc Bích vừa lo cho mẹ, vừa lo chuyện vợ chồng của người em trai. Đi dạy tiện tặn, bạn mua được cho mẹ một căn nhà nhỏ, chấm dứt đời ở thuê. Nhiều lúc tôi hỏi với đồng lương giáo viên môn kỹ thuật nông nghiệp, làm sao bạn có tiền mua nhà và chữa bệnh cho mẹ, Bích thản nhiên: “Tao mua nhà lúc chưa có cơn sốt đất ở ngoại thành. Còn tiền thuốc à? Mày có thấy tao tốn tiền son phấn, quần áo đâu”...
Năm 2000 mẹ mất, một tay Bích lo hậu sự. Hằng tháng bạn đều đến nhà thờ ở Q.3, TP.HCM, nơi giữ tro cốt mẹ, để cầu nguyện và xin lễ. Tưởng bạn, một người độc thân, có thể nhàn hạ sau từng ấy năm lo cho mẹ... Nhưng không! Bạn lại góp tay lo cho hai đứa cháu, con của người em được học hành một cách vui vẻ: “Lo cho con cháu ba mẹ nuôi cũng là cách trả ơn và báo hiếu. Nếu hơn 50 năm trước, ông bà không nhận tao về nuôi, liệu tao có trở thành cô giáo cấp III chăng?”...
Vâng, bạn tôi đã làm được tất cả điều đó vì một chữ tình.
Đơn vị tài trợ |
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận