Chiều 7-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ công bố hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Hai cơ quan kết thúc hoạt động từ 15-1
Tại buổi lễ, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đã công bố nghị quyết 63 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Cụ thể, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết thúc hoạt động từ ngày 15-1.
Chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, cung cấp thông tin khoa học và tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp được chuyển về Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi lĩnh vực phụ trách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chức, viên chức; tiếp nhận quản lý toàn bộ tài sản, hồ sơ tài liệu, con dấu, tài khoản của Viện Nghiên cứu lập pháp.
Văn phòng Quốc hội cũng có trách nhiệm tiếp tục giải quyết các nhiệm vụ mà Viện Nghiên cứu lập pháp đang được giao thực hiện, các nhiệm vụ liên quan đến việc kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, đảm bảo các công việc không bị gián đoạn...
Việc tiếp nhận, sắp xếp, bố trí công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu lập pháp phải đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp đó, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn công bố nghị quyết 64 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam để chuyển chức năng, nhiệm vụ về Đài truyền hình Việt Nam (VTV).
Theo đó, Truyền hình Quốc hội Việt Nam kết thúc hoạt động kể từ ngày 15-1. Văn phòng Quốc hội tiếp tục duy trì hoạt động của Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội và Đài truyền hình Việt Nam rà soát, nghiên cứu, thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền để bàn giao chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất và nhân sự từ Truyền hình Quốc hội Việt Nam về Đài truyền hình Việt Nam.
Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với thường trực Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội, trưởng ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với viên chức và lao động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam (số không chuyển sang Đài truyền hình Việt Nam) theo đúng quy định.
Muốn phát triển cần có sự thay đổi
Phát biểu tại lễ công bố, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy là đảm bảo "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".
Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định là một trong những cơ quan gương mẫu đi đầu, với tinh thần như vậy, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo và kết quả triển khai được Bộ Chính trị ghi nhận, đánh giá cao.
Theo bà Thanh, trên cơ sở tờ trình của Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị đã có kết luận số 111 về việc sáp nhập, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Trong đó có hai nội dung kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Nhấn mạnh "muốn phát triển cần có sự thay đổi", bà Thanh cũng lưu ý quá trình tiếp nhận, sắp xếp, bố trí công chức, viên chức, người lao động phải được tiến hành đúng quy định, đảm bảo tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả.
Tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu chung, vì sự phát triển, vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận