06/06/2019 05:49 GMT+7

Viện dưỡng lão nghệ sĩ: nhiều cái khó bủa vây

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Sáng 5-6, ban thường trực Hội Sân khấu TP.HCM đã gặp gỡ và trao đổi với các phóng viên về một số dư luận xoay quanh việc thu chi tại Ban Ái hữu, những vấn đề liên quan đến Viện dưỡng lão nghệ sĩ…

Viện dưỡng lão nghệ sĩ: nhiều cái khó bủa vây - Ảnh 1.

Nghệ sĩ nghèo đến Viện dưỡng lão nghệ sĩ nhận quà Tết 2019 - Ảnh: LINH ĐOAN

Cho thuê trụ sở nhà truyền thống để góp thêm kinh phí hoạt động

Ông Trần Ngọc Giàu - chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho biết Hội chỉ là một đoàn thể nên rất khó khăn về kinh phí hoạt động. 

Ban Ái hữu nghệ sĩ trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM, đang đảm nhiệm công việc chăm sóc 13 nghệ sĩ già yếu, bệnh tật, neo đơn đang sống tại khu dưỡng lão nghệ sĩ (Q.8), ngoài ra hằng tháng còn chăm lo cho khoảng 50 nghệ sĩ nghèo bên ngoài với hỗ trợ mỗi tháng 200.000 đồng và 10kg gạo. 

Ngoại trừ dịp Tết, được Sở Văn hóa - thể thao, UBND thành phố hỗ trợ chăm lo tết, còn kinh phí hoạt động hằng tháng Ban Ái hữu phải tự xoay xở, kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm, nghệ sĩ. Sau này, sàn diễn khó khăn, các khoản đóng góp cũng giảm dần đi. 

Để có kinh phí chăm lo cho nghệ sĩ già yếu, neo đơn, sửa chữa lại nhà thờ tổ ở 133, Cô Bắc, Q.1 đã xuống cấp, bà Hồng Dung - trưởng Ban Ái hữu - cho biết ban đã có tờ trình và tháng 8-2017 ban thường trực Hội Sân khấu đã thông qua quyết định cho một doanh nghiệp kinh doanh cà phê Việt đầu tư xây sửa, thuê tầng trệt và tầng 1 với giá 4.250 USD/tháng. 

Còn các tầng 2 đặt bàn thờ tổ để thờ cúng và tổ chức giỗ tổ hằng năm.

Sau khi trừ đi các khoản chi, theo bà Hồng Dung, Ban Ái hữu vẫn còn nợ tiền xây dựng thang máy và xây tầng 2 của nhà truyền thống.

Băn khoăn quàn nghệ sĩ đã mất ở đâu?

Cũng theo bà Dung trình bày, trước đây việc quàn linh cữu nghệ sĩ qua đời tại 133 Cô Bắc đã tạm dừng vì phát sinh nhiều vấn đề về trật tự an ninh. 

Thời gian sau này, có cho quàn linh cữu nghệ sĩ tại viện dưỡng lão cho thành viên của hội có hoàn cảnh quá khó khăn ngoài thành viên khu dưỡng lão. 

Tuy nhiên, gần đây cũng nảy sinh vấn đề. Trong đám tang một cố NSƯT, vì con bà bị nghiện nên một nhóm xã hội đen đã đến gây náo loạn, mất trật tự. 

Một soạn giả cũng đang được tổ chức tang lễ tại đây thì bất ngờ một nghệ sĩ trong khu dưỡng lão qua đời, cùng một lúc 2 đám tang nên linh cữu nghệ sĩ mất sau chỉ được quàn ngoài rìa gây nên bức xúc.

Cả khu dưỡng lão chỉ có 1 bảo vệ túc trực 24/24, muốn mướn thêm chúng tôi cũng không có kinh phí. Mà như thế cũng rất lo, lỡ có gì xảy ra với các nghệ sĩ già thì chúng tôi cũng chẳng biết tính sao!

Bà Hồng Dung, trưởng Ban Ái hữu Hội Sân khấu TP.HCM

Việc tổ chức tang lễ, ăn uống, nghệ sĩ đến hát về đêm cũng gây ồn ào, ảnh hưởng sự nghỉ ngơi của nghệ sĩ già trong viện. 

Vì những lý do đó nên bà Hồng Dung cho biết Ban Ái hữu quyết định tạm dừng việc quàn linh cữu nghệ sĩ qua đời tại khu dưỡng lão để tính toán lại quy chế tổ chức.

Bà Dung cho biết thêm, từ lâu tại chùa Nghệ Sĩ (quận Gò Vấp) đã có xây dựng nhà vãng sanh, nghệ sĩ bất kể giàu nghèo nếu muốn quàn tại đây đều được đồng ý mà không tốn đồng phí nào (Tang lễ NSND Phùng Há từng được tổ chức tại đây), tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng nơi tổ chức ở chùa quá xa xôi, gây trở ngại cho người đến viếng.

Trong cuộc họp, bà Hồng Dung cũng cho hay ban thường trực Hội Sân khấu đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo thành phố để tháo gỡ những khó khăn. 

Đồng thời, cả ông Giàu và bà Dung đều đề xuất nên giao Viện dưỡng lão nghệ sĩ về cho Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM quản lý sẽ tốt hơn. 

Khi đó, căn nhà chung đó không chỉ của nghệ sĩ già yếu, neo đơn thuộc lĩnh vực sân khấu mà còn có thêm nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Với kinh nghiệm hoạt động, tổ chức, sở sẽ có bộ phận bảo vệ, chăm sóc các nghệ sĩ già chu đáo, chuyên nghiệp hơn. 

Khu dưỡng lão hiện xuống cấp rất nặng

Vấn đề quy chế nào để nghệ sĩ già yếu, neo đơn, bệnh tật được nhận vào khu dưỡng lão cũng được đặt ra.

Ban Ái hữu thông báo viện có thể chăm sóc tối đa 21 nghệ sĩ và hiện tại đang có 13 nghệ sĩ. Khu dưỡng lão hiện xuống cấp rất nặng, lầu 1 hầu như không sử dụng được vì xuống cấp và bất tiện cho nghệ sĩ già lên xuống.

Đã có những nhà hảo tâm lên tiếng việc hỗ trợ để ban quản lý có thể xây thêm chỗ ở, xét duyệt thêm nhiều nghệ sĩ già yếu, bệnh tật vào viện. Tuy nhiên, khu dưỡng lão là đất công, đất cho mượn nên Ban Ái hữu không có sổ đỏ, vì vậy không thể xin phép xây dựng được.

Đoàn phim Gạo chợ nước sông ra mắt ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ Đoàn phim Gạo chợ nước sông ra mắt ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ

TTO - Bộ phim Gạo chợ nước sông lấy cảm hứng từ truyện Cuối mùa nhan sắc của Nguyễn Ngọc Tư, là bộ phim ca ngợi nghệ thuật cải lương Nam bộ mà đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh ấp ủ nhiều năm qua.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên