25/07/2013 03:26 GMT+7

Viêm tụy do rượu

QUỲNH LIÊN
QUỲNH LIÊN

TT - Theo một nghiên cứu của khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, chỉ tính ở quy mô bệnh viện thì rượu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy, làm người bệnh có thể bị trụy tim mạch, đái tháo đường.

QCXU5hM6.jpgPhóng to
Bệnh nhân viêm tụy cấp do rượu điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh do bác sĩ Đào Xuân Cơ cung cấp

Khoa này thường xuyên điều trị những ca viêm tụy cấp do rượu. Trung bình mỗi ngày khoa điều trị 3-4 ca viêm tụy cấp do rượu ở thể nặng, có thời điểm lên tới 10 ca trên tổng số 40 ca bệnh khác điều trị tại khoa.

Ngày nhậu 4 bữa

Cơ chế gây viêm tụy do rượu

TS.BS Đào Xuân Cơ giải thích nghiên cứu trên bệnh nhân nghiện rượu mãn tính có hiện tượng tích tụ protein trong tụy, dẫn đến tắc nghẽn những đường dẫn dịch tụy, ứ dịch tụy gây viêm tụy cấp, mãn tính.

Hậu quả của viêm tụy cấp và mãn dẫn đến hội chứng thiếu enzyme tiêu hóa, bệnh nhân không tiêu hóa được chất dinh dưỡng, hoặc dẫn đến hội chứng kém hấp thu, hoặc thiếu insulin có thể bị đái tháo đường.

Ông V.X.Đ., 43 tuổi, Đông Anh, Hà Nội, bị viêm tụy cấp do rượu đang được điều trị tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai. Theo hồ sơ bệnh án, ông Đ. được chuyển từ Bệnh viện E trung ương lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng da xanh tái, bụng trướng to, bỏ ăn, không tiêu hóa. Trong khi đó, chỉ số kali trong máu ở mức rất thấp 2,9 mol/lít, đồng thời tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi... Theo các bác sĩ, ông Đ. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp viêm tụy, viêm tụy cấp có nguyên nhân từ rượu đã và đang điều trị tại khoa. Trường hợp của ông Đ. khá điển hình, nội tạng có khả năng bị phá hủy nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bà N.T.T. (vợ ông Đ.) cho biết chồng bà vốn là “tín đồ” của rượu. Hơn 10 năm nay, đều đặn ông Đ. có bốn bữa nhậu (hai bia, hai rượu) mỗi ngày. Trung bình hai ngày ông uống hết nửa lít rượu. Chưa kể sau mỗi buổi làm vườn, ông Đ. đều làm vài vại bia. Ăn cơm tối xong, tầm 20-21g ông Đ. uống thêm vài vại bia với bạn bè tại quán. Uống nhiều rượu nhưng theo bà T., chồng bà ăn rất ít, bữa nào dù có món ngon nhưng ông Đ. chỉ đụng đũa một vài gắp, chủ yếu rượu là chính. Trước đây có những lần ông Đ. bị đau bụng âm ỉ, nhưng chỉ trong vòng một ngày là khỏi. Do vậy, gia đình không chú trọng lắm đến việc thăm khám sức khỏe cho ông Đ.. Vậy mà lần nhập viện này, chỉ qua 12 ngày nằm viện, riêng viện phí thuốc men cho ông Đ., gia đình đã chi hết 85 triệu đồng.

Vui chốc lát, bệnh đeo mang

TS.BS Đào Xuân Cơ, khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho biết uống quá nhiều rượu một lúc có thể gây ngộ độc rượu cấp tính, ảnh hưởng chủ yếu đến hệ thần kinh tri giác, gây sốc dẫn đến tử vong. Người uống nhiều rượu trong thời gian dài có thể bị ngộ độc rượu mãn tính, làm sa sút trí tuệ, giảm thị lực có thể gây mù, giảm thính lực có thể gây điếc. Đối với hệ tiêu hóa, người uống nhiều rượu trong thời gian dài có nguy cơ bị xơ gan, ung thư gan, viêm dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, chán ăn, thiếu máu, viêm tụy dẫn đến tiểu đường...

Ngoài các nguyên nhân sỏi mật, sỏi tụy gây viêm tụy thì qua một số ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, rượu là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh trên. Qua nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai những năm gần đây, số bệnh nhân viêm tụy cấp có nguyên nhân từ rượu, do uống nhiều rượu trong nhiều năm chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân bị viêm tụy cấp, chỉ 30% còn lại là từ các nguyên nhân khác như sỏi mật, sỏi túi mật, giun chui ống mật, rối loạn chuyển hóa, tăng mỡ máu... “Chưa có nghiên cứu ở quy mô quốc gia để đưa ra con số chính xác bao nhiêu ca viêm tụy cấp do rượu trên tổng dân số. Tuy nhiên, qua thăm khám lâm sàng có thể thấy tỉ lệ ca viêm tụy, viêm tụy cấp do rượu tăng lên đáng kể” - bác sĩ Cơ cho biết.

Bác sĩ Cơ nói thêm viêm tụy chia làm hai thể gồm viêm tụy thể nhẹ (phù tụy cấp) và viêm tụy cấp thể nặng (hoại tử tụy). Viêm tụy thể nhẹ nếu được cấp cứu kịp thời, điều trị nội khoa có thể khỏi trong vòng 3 - 5 ngày. Ở thể nặng có thể gây biến chứng toàn thân như trụy tim mạch, suy giảm hô hấp, suy gan thận, loét dạ dày tá tràng... điều trị rất khó khăn. Đặc biệt, viêm tụy nặng còn gây hoại tử hoặc chảy máu trong tụy, có nguy cơ tử vong rất cao (10 - 50%). Bệnh nhân bị sốc biểu hiện như khó thở, vã mồ hôi, da xanh tái, huyết áp tụt, rối loạn thần kinh tâm thần, xuất huyết tiêu hóa...

QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên