16/09/2019 16:57 GMT+7

Viêm tai giữa không phải do ráy tai

ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG

TTO - Phụ huynh thường nghĩ viêm tai giữa là do không vệ sinh tai sạch sẽ, nên thường cố gắng lấy ráy tai cho trẻ. Thực ra, viêm tai giữa lại do vi khuẩn đi vào từ viêm đường hô hấp, mũi và họng.

Viêm tai giữa là một bệnh nhiễm trùng phần giữa của tai, có thể gây thủng màng nhĩ và điếc.

Diễn tiến của viêm tai giữa

Viêm tai giữa thường phát triển sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm, gây sưng niêm mạc mũi và họng.

Từ đó, vi khuẩn ứ đọng và phát triển trong mũi họng, làm suy giảm chức năng ống vòi nhĩ. Chất dịch ứ đọng lại trong tai giữa và vi khuẩn phát triển, gây ra viêm tai giữa.

Các triệu chứng của viêm tai giữa

● Sốt, bứt rứt, quấy, khó chịu

● Kéo tai

● Biếng bú

● Nôn ói, tiêu chảy

● Tai chảy dịch

● Ở trẻ lớn có thể than đau tai, mất thính giác tạm thời.

Biến chứng của viêm tai giữa

1. Thủng màng nhĩ: khi thủng màng nhĩ, trẻ cảm thấy không đau nữa do tai giữa được giảm áp lực. Thông thường màng nhĩ lành nhanh trong vòng vài ngày.

2. Mất thính giác: dịch tích tụ trong tai giữa có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng sau khi viêm tai giữa gây giảm thính giác, thường là tạm thời nhưng có thể cản trở quá trình học nói ở trẻ nhỏ do nghe kém.

Nếu dịch tồn đọng kéo dài hơn ba tháng, trẻ cần được điều trị can thiệp để dẫn dịch ra, và cần được theo dõi và kiểm tra thính giác sau mỗi 3 đến 6 tháng.

Điều trị viêm tai giữa bao gồm:

- Kháng sinh: được chỉ định cho trẻ viêm tai giữa dưới 24 tháng tuổi, trẻ lớn hơn có các triệu chứng nhẹ có thể theo dõi chưa cần dùng thuốc.

- Thuốc giảm đau: acetaminophen hoặc ibuprofen giúp giảm bớt sự khó chịu cho trẻ.

- Các thuốc làm khô mũi, kháng histamin thường được dùng trong điều trị cảm: không được khuyến cáo dùng cho trẻ bị viêm tai giữa.

Phòng ngừa viêm tai giữa như thế nào?

Viêm tai giữa có thể phòng ngừa bằng các biện pháp:

 - Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 đến 12 tháng đầu đời, kháng thể trong sữa mẹ làm giảm tỉ lệ viêm tai giữa

- Nếu bú bình, nên nằm đầu cao 45 độ khi bú, tránh nằm ngửa bú vì nguy cơ tràn dịch, sữa vào ống tai

- Tránh cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả

- Tránh tiếp xúc khói thuốc lá

- Chích ngừa đầy đủ: văcxin ngừa cúm, văcxin ngừa phế cầu

- Rửa tay và đồ chơi thường xuyên để giảm nguy cơ bị cảm, nhiễm trùng đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm amiđan…

Khi trẻ bị sổ mũi, ho, viêm họng, cần được thăm khám đầy đủ để phát hiện viêm tai giữa và điều trị đúng, tránh biến chứng.

- Theo dõi cách thở, ngủ ngáy ở trẻ: nếu trẻ ngủ ngáy hoặc thở bằng miệng thường xuyên, có thể trẻ bị sùi vòm mũi họng (VA) lớn, có thể là nguyên nhân góp phần gây viêm tai giữa. Trẻ có biểu hiện này nên được đi khám kiểm tra chuyên khoa tai mũi họng.

Phòng ngừa viêm tai giữa tái phát 

Viêm tai giữa tái phát được định nghĩa là trẻ bị viêm tai từ 3 lần trở lên trong vòng 6 tháng, hoặc 4 lần trở lên trong vòng 12 tháng, ngoài các phương pháp phòng ngừa thông thường trên, còn có:

- Dùng kháng sinh phòng ngừa: kháng sinh liều thấp được chỉ định hằng ngày cho những trẻ bị tái phát viêm tai giữa nhiều lần trong những ngày mùa thu, mùa đông, đầu mùa xuân nhưng có nguy cơ đề kháng kháng sinh, do đó cần được ý kiến chỉ định của bác sĩ.

- Phẫu thuật: một số nghiên cứu cho thấy đặt ống thông nhĩ ở tai giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tai tái phát nhưng những nghiên cứu khác lại cho thấy không hiệu quả, do đó cần phải có ý kiến chuyên môn của bác sĩ và cần cân nhắc về những rủi ro và lợi ích của phẫu thuật.

Theo dõi trẻ bị viêm tai giữa như thế nào?

Sau 48 giờ nếu trẻ không cải thiện các triệu chứng hoặc khi có biểu hiện nặng hơn, phải đưa trẻ đi khám lại ngay khi:

• Trẻ liên tục kêu đau, mức độ và tần suất đau tăng

• Trẻ sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt không đỡ

• Trẻ khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú

• Trẻ nôn ói hoặc bị tiêu chảy

Trẻ dưới 2 tuổi hoặc những trẻ chậm nói bị viêm tai giữa nên được kiểm tra định kỳ 2-3 tháng sau khi được điều trị viêm tai giữa.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cảm ơn.

ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên