Anh Tô Pôn Chai (đội nón) và ông Báo Bình Oanh, tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Trà Nô, trong một buổi làm việc - Ảnh: DUY NGỌC
Anh Chamalé Hỏi, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Là A, xã Phước Hà (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), cho biết trên địa bàn xã có 5 thôn chủ yếu là người đồng bào Raglai đang nhận khoán bảo vệ rừng gồm: Là A, Giá, Tân Hà, Trà Nô và Rồ Ôn.
Trong đó, thôn Là A có 32 tổ viên tham gia bảo vệ rừng, từ đầu năm 2021 đến nay các tổ viên chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ. "Tiền nhận khoán bảo vệ rừng hằng năm mỗi tổ viên sẽ trích ra khoảng 60% để xoay vòng mua bò phát triển kinh tế gia đình. Những năm trước, nhờ nhận đầy đủ tiền đã có 15 tổ viên mua được bò, còn năm 2021 chưa thể mua bò cho tổ viên khác", anh Hỏi nói.
Còn ông Báo Bình Oanh, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Trà Nô, chia sẻ: "Tổ bảo vệ rừng chúng tôi có 32 thành viên. Năm 2020 và những năm trước đó, chúng tôi đều nhận đầy đủ tiền bảo vệ rừng, tuy nhiên từ năm 2021 đến nay không hiểu vì lý do gì chúng tôi chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ trên".
"Chưa nhận được tiền nên từ tháng 8-2021 đến giờ, nhiều tổ viên cũng không muốn đi trực bảo vệ rừng", ông Oanh nói thêm.
Ông Châu Văn Bóng, tổ viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Trà Nô, bộc bạch: "Tôi làm công tác bảo vệ rừng từ năm 2015 đến 2020 vẫn nhận được đầy đủ tiền hỗ trợ. Nhưng từ năm 2021 đến nay vẫn chưa nhận được. Mong rằng cơ quan chức năng sớm phân bổ kinh phí để anh em có tinh thần bảo vệ rừng tốt nhất".
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết theo nghị định số 75, diện tích rừng giao khoán bảo vệ năm 2021 của tỉnh là 66.030,37ha, gồm có 76 tổ cộng đồng tham gia nhận khoán.
Trong đó, ngân sách trung ương đã chi trả cho các cộng đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng với diện tích là 22.401,82ha (đơn giá là 300.000 đồng/ha/năm).
Còn 33.942ha thuộc khu vực II, III, trung ương chưa chi trả cho người dân xã Phước Hà và một số địa phương khác (đơn giá là 400.000 đồng/ha/năm).
"Hiện tại, nguồn vốn sự nghiệp của trung ương đã phân bổ cho địa phương. Do đó, sở đang đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 để thanh toán công trình hoàn thành năm 2021 (trong đó có diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thực hiện năm 2021).
Khi UBND tỉnh phê duyệt, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ sớm triển khai kinh phí cho các đơn vị chủ rừng để chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng, hộ dân", ông Hiếu cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận