Với hệ thống phân cấp đường bộ, nước Anh kỳ vọng có thể ngăn ngừa các vụ va chạm, hoặc khi xảy ra thì cũng dễ dàng xác định trách nhiệm của từng bên tham gia, gián tiếp xóa bỏ "xe to đền xe nhỏ" mù mờ trong luật - Ảnh: Hudgell Solicitors
Cập nhật quy tắc đi đường
Bộ luật Đường bộ mới của nước Anh cho thấy: Mục tiêu của hệ thống phân cấp không phải là ưu tiên cho người đi bộ, người đi xe đạp và người cưỡi ngựa trong mọi tình huống, mà là để đảm bảo một nền văn hóa tôn trọng lẫn nhau trong việc sử dụng đường an toàn và hiệu quả, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Bấy lâu nay đã tồn tại một quy tắc "bất thành văn" là những người lái xe càng to càng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra va chạm. Người đi bộ, trẻ em và người già được coi là những người có nguy cơ "bị hại" cao nhất và ít phải chịu trách nhiệm nhất.
Nay các quy tắc đã xác định rõ trách nhiệm của từng bên tham gia giao thông. Đáng chú ý là người lái xe không có quyền ưu tiên tại các nút giao thông nữa. Họ phải nhường đường cho bất kỳ ai đang chờ hoặc đang trong quá trình sang đường. Trước kia chỉ có yêu cầu phải nhường đường cho người sang đường trên vạch kẻ, từ đó rất khó quy trách nhiệm với những vụ va chạm xảy ra ngoài khu vực này.
Không chỉ phải nhường người đi bộ trên vạch kẻ mà phải nhường mọi lúc, các tài xế ôtô ở Anh sẽ phải lái cẩn thận hơn - Ảnh minh họa: Distasio Law Firm
Người đi ôtô phải đối xử với người đi xe đạp như một người đang sử dụng phương tiện có động cơ khác, để xe đạp có thêm không gian trên đường, đồng thời giảm "sự coi thường chủ quan" vốn ảnh hưởng nhiều đến phán đoán của người lái xe khi tham gia giao thông.
Người đi xe đạp được đi ở nơi họ cảm thấy an toàn nhất, ngay cả khi giữa đường (vì sẽ dễ thấy hơn). Tuy nhiên, người đi xe đạp cũng phải cân nhắc đến người đi ôtô tại các điểm giao cắt và trên những đoạn đường hẹp.
Ý nghĩa của việc phân cấp người tham gia giao thông
Khi quy định rõ ràng trách nhiệm, làn đường, những gì được làm và phải chú ý của từng người tham gia giao thông, kể cả những đối tượng được ưu tiên, từ đó sẽ giúp cảnh sát, tòa án đưa ra nhận định, phán quyết chính xác về trách nhiệm của những người có liên quan trong trường hợp cụ thể.
Trong tương lai, ôtô có thể được cài "bộ nhớ" để đưa ra phản ứng thích hợp với từng nhóm người tham gia giao thông - Ảnh: ET Auto
Ngoài ra, hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) sẽ trở thành bắt buộc trên tất cả ôtô tại Liên minh châu Âu được sản xuất từ giữa năm 2022, từ đó cũng tác động đến nước Anh ngay cả khi Brexit.
Kết hợp với các công nghệ khác, tờ Car Margazine cho rằng trong tương lai, khi hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS) phát triển thành công nghệ tự lái chủ động hơn, việc thiết lập hệ thống phân cấp người tham gia giao thông của Anh có thể sẽ được cài vào cả "bộ nhớ" của ôtô, giúp chiếc xe có thể tự phán đoán nên "đối xử" với các phương tiện và người tham gia giao thông khác như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận