21/12/2017 22:14 GMT+7

Vì sao rối loạn phân ly liên tiếp xuất hiện?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn trí nhớ giữa quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.

Vì sao rối loạn phân ly liên tiếp xuất hiện? - Ảnh 1.

Bác sỹ Bệnh viện Nhi T.Ư thăm khám cho các cháu ở Trường tiểu học Nà Bản, Bắc Cạn - Ảnh: BVCC

Căn bệnh lạ ở 9 học sinh Chợ Đồn, Bắc Cạn vừa được Bệnh viện Nhi T.Ư xác định là rối loạn phân ly tập thể, lại có thêm chùm bệnh nhân có dấu hiệu tương tự ở Đắc Lắc. Hồi tháng 7 vừa qua tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cũng có trên 10 bệnh nhân rối loạn phân ly.

Nuông chiều con cũng dễ dẫn đến rối loạn phân ly 

Bác sỹ Nguyễn Mai Hương, phó trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho hay bệnh lý rối loạn phân ly là nhóm bệnh lý tâm thần khá thường gặp, với tỷ lệ 0,3-0,5% dân số. 

Một trong những lý do dẫn đến chứng bệnh này là trẻ được giáo dục trong môi trường không thích hợp, nuông chiều hoặc quá khắt khe đối với con.

Bác sỹ Hương cũng dẫn hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới cho biết rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn trí nhớ giữa quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. 

Đặc trưng của phân ly là người bệnh nghĩ họ mắc một chứng bệnh gì đó nhưng bệnh lại không có biểu hiện trên thực thể, nên người ta gọi đây là căn bệnh "giả vờ nhưng không biết là giả vờ".

Bác sỹ Hương cũng cho hay bệnh này hay gặp ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ, thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý hay các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, học tập, công việc mà người bệnh không giải quyết được. Những sang chấn này thường dẫn đến những cảm xúc tức giận cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề...

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều bệnh nhân có triệu chứng giả vờ mà không biết là giả vờ nhập viện. 

Từng có một học sinh nam ở Thanh Hoá có giọng hát rất bình thường nhưng có mơ ước làm ca sỹ. Gần đây nam sinh này có biểu hiện lo lắng khi đối diện với đám đông, mỗi khi đối diện với đám đông nam sinh này thấy khó thở, hụt hơi, ra mồ hôi tay, nhưng khi đo lưu lượng ô xi thì lượng ô xi vẫn bình thường, chứng tỏ hiện tượng khó thở chỉ là vấn đề tâm lý. Đây cũng là biểu hiện của chứng rối loạn phân ly.

Rối loạn phân ly tập thể

Khi hiện tượng này xảy ra đồng loạt thì đó là tình trạng rối loạn phân ly tập thể. Tình trạng này thường xảy ra ở trường học hoặc một tập thể. Khi một người trong nhóm có biểu hiện rối loạn phân ly, những người còn lại bị lây. Vì nhiều người cùng có biểu hiện lạ giống nhau khiến những người trong cộng đồng hoang mang.

Triệu chứng:

Rối loạn phân ly biểu hiện ra nhiều triệu chứng, xuất hiện và kết thúc đột ngột thành từng cơn, rối loạn phân ly có thể xuất hiện sau vài tuần hoặc vài tháng, nhưng vẫn có thể tái phát nếu nguyên nhân gây bệnh vẫn còn.

Các triệu chứng rối loạn phân ly thường gặp như rối loạn vận động (các động tác gật đầu, lắc đầu, run chân tay, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm kiểu nói lắp, nói khó khăn).

Rối loạn cảm giác: bệnh nhân thường kêu đau bụng, đau đầu, khó thở nhưng không tìm được nguyên nhân gây đau.

Cơn kích động cảm xúc như cười, khóc, gào thét, sợ hãi, ngất...

Các rối loạn "lên đồng" và bị xâm nhập: bệnh nhân nói cười hành xử như thể một người khác. Trường hợp rối loạn phân ly tập thể triệu chứng chung thường là ngất, kích động, rối loạn cảm xúc...

Yếu tố thuận lợi dẫn đến chứng rối loạn phân ly

Các biểu hiện của bệnh thường xuất hiện sau sang chấn, hoặc khi gặp những vấn đề gây căng thẳng không giải quyết được. 

Trong trường hợp như vậy rối loạn phân ly xuất hiện như cảm xúc tự phòng vệ, làm người bệnh giảm bớt cảm xúc lo âu, bất lực... 

Người có tính cách thiếu kiềm chế, thiếu tự chủ, tính cách nghệ sỹ, dễ xúc động, thích được chú ý, trẻ được nuôi dậy trong môi trường quá bao bọc hoặc quá khắt khe, hay thay đổi sẽ dễ dẫn đến rối loạn phân ly hơn. 

Đặc biệt bệnh hay xảy ra ở người ốm yếu, suy dinh dưỡng, bị nhiễm trùng...

Điều trị

Khi trong tập thể có người mắc bệnh, cần tách riêng người bệnh tránh lây lan, trấn an những người còn lại, cải thiện môi trường sống, môi trường học tập, tổ chức các hoạt động vui chơi, có các hoạt động tham vấn tâm lý học đường để sớm phát hiện những người mắc bệnh.

Điều trị rối loạn phân ly chủ yếu bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp nâng cao thể trạng, bồi dưỡng nhân cách. Hướng dẫn người  bệnh các bài tập thư giãn, các kỹ năng các hội để giảm bớt lo âu.

Phòng bệnh

Bác sỹ Hương hướng dẫn trong một tập thể cần bố trí số nam- nữ hài hoà; Giáo dục và bồi dưỡng nhân cách cho trẻ từ nhỏ, hướng dẫn trẻ biết yêu thương, chia sẻ, đương đầu với khó khăn.

Tăng cường các hoạt động ngoại khoá. Đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên