21/01/2024 08:08 GMT+7

Vì sao nhiều lúc chạy bộ thấy chân nặng nề?

Người chạy bộ nào ắt hẳn cũng từng trải qua cảm giác “chân như đeo chì”, cơ thể thiếu linh hoạt, chậm chạp, ì ạch, trong khi mới một ngày trước đó vẫn còn rất sung mãn.

Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh là một VĐV chạy phong trào nổi tiếng tại Việt Nam - Ảnh: NVCC

Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh là một VĐV chạy phong trào nổi tiếng tại Việt Nam - Ảnh: NVCC

Đó không phải là triệu chứng của ốm hay cảm cúm, mà đến từ những nguyên nhân giản dị hơn. Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Huỳnh Linh (Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam) chia sẻ về những nguyên nhân dẫn đến cảm giác nặng nề, mệt mỏi khi chạy bộ.

Tập luyện quá tải

Một trong những nguyên nhân gây tình trạng nặng nề khi chạy là do bạn bị quá tải vì tăng khối lượng quá nhiều, chạy quá nhanh, hoặc không nghỉ ngơi đầy đủ. Các biểu hiện khác của quá tải bao gồm: tim đập nhanh hơn, khó ngủ, căng thẳng, giảm ham muốn tình dục, đau mỏi cơ bắp.

Trong trường hợp này, chủ động nghỉ hẳn vài ngày và giảm cường độ tập luyện sẽ giúp cơ thể bạn hồi phục để tái tạo năng lượng mạnh mẽ hơn.

Tập sức mạnh quá nhiều

Bài tập sức mạnh rất cần thiết cho người chạy bộ. Tuy nhiên nếu bạn tập quá nhiều, cơ bắp sẽ mỏi mệt, thậm chí xuất hiện các điểm đau nhói khi bạn chạy bộ.

Do vậy cần điều chỉnh cường độ và thời điểm tập cơ bắp một cách hợp lý. Các bài tập leo dốc và đổ dốc cũng tương tự, sẽ khiến bạn đau mỏi trong vòng 24-48 giờ sau đó. Đây là tình trạng đau cơ khởi phát muộn.

Nếu bạn tập chạy dốc ngày hôm trước, bạn cần nghỉ ngơi ngày hôm sau hoặc chỉ chạy hết sức nhẹ nhàng.

Chạy bộ tuy dễ dàng nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chạy bộ tuy dễ dàng nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không giãn cơ và mát xa sau khi chạy

Bỏ qua bài giãn cơ sẽ khiến cơ bắp của bạn căng cứng và đau. 10 phút ép dẻo sau mỗi buổi chạy sẽ giúp toàn bộ cơ thể thư giãn hơn.

Sử dụng ống lăn đệm (foam roller) để mát xa toàn bộ các cơ (cơ tứ đầu, cơ đùi sau, cơ mông, dải chậu chày, bắp chân) cũng là biện pháp nên được thực hiện, không chỉ giúp đôi chân của bạn linh hoạt mà còn tránh chấn thương.

Thiếu nước

Khi cơ thể mất nước qua mồ hôi, thể tích máu sẽ giảm và máu trở nên cô đặc hơn. Tim và hệ cơ bắp sẽ phải làm việc vất vả hơn để bơm máu đến những cơ quan cần thiết. Hệ quả là chân bạn sẽ nặng nề "như có keo dính xuống mặt đất". Đặc biệt trong mùa hè này, hãy lưu ý bù nước đều đặn ngay từ khi chưa thấy khát.

Thiếu ngủ

Hormone tăng trưởng được tiết ra chủ yếu trong lúc ngủ, giúp hàn gắn và tái tạo các tế bào đã bị phá hủy. Một giấc ngủ đủ là khi bạn thức dậy hoàn toàn tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Với chạy bộ, ngủ đủ giấc cũng là một phần của tập luyện. Ngược lại, hoạt động thể chất cũng giúp chúng ta ngon giấc hơn.

Thay đổi thời tiết

Tiết trời nóng ẩm sẽ khiến thành tích chạy bộ của bạn suy giảm và cơ thể trở nên nặng nề. Hãy chấp nhận điều đó. Tìm hiểu kỹ thời tiết trong tuần và điều chỉnh giáo án chạy bộ cho bản thân để có thể tối ưu thời gian luyện tập.

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Huỳnh Linh - Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam - Ảnh: NVCC

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Huỳnh Linh - Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam - Ảnh: NVCC

Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh là ai?

Cộng đồng chạy bộ Việt Nam đã quá quen với cái tên Đinh Huỳnh Linh (tên thường gọi là Đinh Linh). Bác sĩ Đinh Linh (42 tuổi) từng đỗ thủ khoa đầu vào năm 2000 và tốt nghiệp thủ khoa của Đại học Y Hà Nội năm 2006, ngành bác sĩ đa khoa.

Sau khi ra trường Đinh Linh là bác sĩ nội trú tại Viện Tim mạch quốc gia từ năm 2007-2010. Năm 2012-2013 bác sĩ Đinh Linh làm việc tại Viện Tim mạch quốc gia Singapore. Hiện tiến sĩ, bác sĩ Đinh Linh làm việc tại Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) và là giảng viên bộ môn tim mạch (Đại học Y Hà Nội).

Bác sĩ Đinh Linh có niềm đam mê đặc biệt với chạy bộ, anh được cộng đồng chạy đường dài ngưỡng mộ bởi là một trong những bác sĩ chạy nhanh nhất Việt Nam. Thành tích cá nhân tốt nhất của Đinh Linh ở cự ly 10km là 36 phút 56, 21km là 1 giờ 20 phút 35 giây, 42km là 2 giờ 41 phút 25 giây.

Chạy bộ đơn giản nhưng dễ chấn thương, vì sao?Chạy bộ đơn giản nhưng dễ chấn thương, vì sao?

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - phó chủ tịch Hội Y học thể thao và Nội soi khớp Đông Nam Á - chia sẻ kinh nghiệm về những ca chấn thương liên quan đến dân chạy bộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên