Lý giải nguyên nhân chạy bộ dễ chấn thương
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nhớ lại: "Một bệnh nhân nữ tầm hơn 40 tuổi bước vào phòng khám vì bị đau lưng, đau hai bên hông và đau khớp gối.
Cô vừa tham gia giải chạy 10km. Sau khi chạy về cảm thấy bị cứng lưng và đau lưng. Sáng ngủ dậy đau hai bên hông. Đi vài bước có giảm nhưng vẫn còn đau. Hai gối đau khi đang ngồi, đứng dậy bước đi. Kết quả chụp X-quang thấy hình ảnh thoái hóa cột sống, hai khớp cùng chậu và hẹp khe khớp gối.
Chạy bộ là môn thể thao đơn giản, ít đòi hỏi tốn kém và ai cũng có thể tham gia mà không cần đi học. Tuy nhiên chạy bộ cũng để lại những chấn thương lặp đi lặp lại khiến bệnh nhân bị tổn hại cơ quan vận động.
Trước tiên chúng ta cần hiểu về cách thức con người đi hai chân như thế nào.
Con người đứng được mà không té ngã nhờ vào hệ thống cân bằng ở não bộ, hệ tiền đình ốc tai và các nhóm cơ.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi không đề cập đến hệ thống não bộ và hệ thống thăng bằng tiền đình ốc tai, mà chỉ nói về hệ cơ xương khớp, nhóm cơ vùng cột sống, cơ hông, cơ tứ đầu đùi, cơ vùng bắp chân cũng như bàn chân có hình vòm (giúp con người đứng thẳng mà không bị té bởi trọng lực).
Trong chu kỳ bước đi của con người có 2 pha là pha đứng và pha chuyển động. Pha đứng chiếm 3/5 chu kỳ.
Khi muốn bước tới, người sẽ ngả về trước, nhóm cơ hông của chân đứng sẽ kéo khung chậu nghiêng về chân đứng, trọng tâm rơi dần vào chân đứng, chân bước tới sẽ được đẩy tới trước nhờ nhóm cơ bắp chân, cổ chân gấp, háng gấp, gối gấp. Bàn chân bước tới sẽ chạm đất bằng gót, cạnh ngoài bàn chân và sau đó là các ngón chân.
Khi chạy bộ cơ chế cũng giống như vậy. Nhưng bàn chân không chạm gót trước mà mũi chân chạm đất trước, cùng với quán tính và tốc độ chạy, phản lực từ mặt đường sẽ dội lên bàn chân và gối, háng, khớp cùng chậu và cột sống thắt lưng. Nhóm cơ cột sống, cơ hông và cơ đùi, cẳng chân sẽ làm việc nhiều hơn.
Việc đánh tay để giữ thăng bằng sẽ khiến cho khớp vai làm việc nhiều hơn. Bàn chân có vòm bàn chân nhằm giảm thiểu phản lực từ mặt đất dội lên và góp phần giữ thăng bằng cho con người..
Như vậy 1 người chạy bộ có thể bị tổn thương từ vùng bàn chân, gối, háng, khớp cùng chậu và cột sống nhất là cột sống thắt lưng.
Đầu tiên là bàn chân. Khi tiếp đất bằng mũi chân, khớp bàn ngón cái sẽ chịu lực trước. Nếu giày không đủ độ mềm để hấp thụ lực sẽ làm thoái hóa khớp bàn ngón cái.
Vòm bàn chân với hệ thống cơ nội tại bàn chân và cân gan chân sẽ giúp giảm thiểu phản lực. Những bệnh nhân có vòm bàn chân thấp hay chân bẹt sẽ dễ bị tổn thương cổ chân.
Nếu giày không có đệm lót để tạo vòm bàn chân sẽ dễ làm chấn thương cổ chân. Hai nhóm bệnh hay gặp ở người chạy bộ là thoái hóa khớp cổ chân và viêm sụn xương bóc tách do các chấn thương lặp đi lặp lại. Hai bệnh này đều làm người bệnh đau và mất khả năng chạy.
Nhóm thứ hai là khớp gối. Với trọng lượng người chạy đè lên và phản lực từ đất dội lên sẽ làm tăng áp lực trong tế bào sụn và khớp gối khiến cho khớp gối mau bị thoái hóa. Những người có gối vẹo trục ra ngoài (chân chữ X) hay gối vẹo trong (chân hình chữ O) sẽ mau hư khớp gối hơn.
Nếu như ở người châu Âu, thoái hóa khớp háng là vấn đề lớn, người châu Á lại may mắn ít bị thoái hóa khớp háng hơn; trừ khi người đó có loạn sản khớp háng từ lúc mới sinh.
Ngược lại, nhóm khớp cùng chậu và vùng cột sống thắt lưng sẽ bị thoái hóa và gây đau. Nguyên nhân thoái hóa, đau là vì trọng lượng cùng vận tốc chạy tạo ra lực tác động trên cột sống và khớp cùng chậu. Phản lực từ mặt đất cứng tạo ra và sự co cơ của nhóm cơ cột sống nhằm giúp người chạy không bị té ngã.
Cách phòng ngừa chấn thương khi chạy bộ
Đầu tiên là việc tập thật tốt nhóm cơ trục chống lại trọng lực bao gồm: nhóm cơ dựng sống, cơ hông, cơ đùi và bắp chân. Nhóm cơ này giúp chúng ta tránh té ngã, giảm thiểu chấn thương lên dây chằng và khớp.
Kiểm tra độ vòm bàn chân. Những người có bàn chân bẹt nên chọn các loại giày có dán đế tạo vòm bàn chân.
Kiểm tra trục chân xem có bị vẹo lệch nhiều hay không. Trục vẹo trong hay ngoài nhiều sẽ không thích hợp cho môn chạy bộ.
Kiểm tra hệ tim mạch và hô hấp xem có đủ an toàn cho môn chạy bộ, nhất là chạy đường dài.
Cung cấp đủ nước và điện giải giúp chống lại các cơn chuột rút nhất là trong điều kiện nắng nóng như ở việt nam
Luyện tập sức cơ từ vùng lưng, hông, đùi và cẳng chân trước khi tiến hành chạy bộ đường dài.
Ngưng cuộc chạy khi cảm thây mệt mỏi, đau cơ, hoặc thở khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận