13/12/2015 05:25 GMT+7

​“Cần một trợ lý HLV thể lực hiểu cầu thủ Việt”

TẤN PHÚC lược ghi
TẤN PHÚC lược ghi

TT - Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - nói như thế với Tuổi Trẻ về nguyên nhân cũng như giải pháp để có thể phòng tránh chấn thương cho các tuyển thủ U-23 VN nói riêng và cầu thủ VN nói chung.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Ảnh: T.Đạm
TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Ảnh: T.Đạm

* Vì sao bác sĩ cho rằng phải cần một HLV thể lực hiểu cầu thủ Việt?

- Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân lớn dẫn đến việc cầu thủ bị chấn thương:

1. Ở VN, hiếm có CLB nào có phòng tập đủ chuẩn và chương trình tập riêng biệt cho từng cầu thủ phù hợp với thể chất của họ. Phần lớn ở VN cầu thủ thường tập cả đội dù thể chất mỗi người khác nhau, có người khỏe, người yếu, cũng có người thấp, người cao... Khi lên đội tuyển, việc tập với HLV người Nhật có giáo án dành cho cầu thủ được tập luyện bài bản từ nhỏ và phù hợp thể chất người Nhật khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng.

2. VĐV VN nói chung dễ bị chấn thương bởi sau buổi tập họ thư giãn “xả láng” mà không chú ý đến phải có giai đoạn kế tiếp là hồi phục bắt buộc để gân cơ trở về trạng thái ban đầu. Như vậy, vô tình đã tạo tiền đề cho gân cơ chấn thương trong những lần tập kế tiếp.

Từ đây, dù HLV ngoại đề ra giáo án nhưng tuyển U-23 VN vẫn cần một trợ lý HLV thể lực người Việt thật am hiểu thể trạng từng cầu thủ để có bài tập tương đối phù hợp. Chẳng hạn, cầu thủ có chiều cao thấp, đơn vị gân cơ sẽ ngắn nên khi họ tăng tốc đột ngột mà không có bài tập kéo dãn ra trước sẽ dễ bị viêm điểm bám của gân hơn người cao to. Nói vậy bởi đơn vị gân cơ của người cao dài hơn nên việc chuyển tiếp lực từ gân sang cơ sẽ diễn ra từ từ chứ không đột ngột, mà cái gì đột ngột cũng dễ làm chấn thương.

* Theo bác sĩ, việc đào tạo cầu thủ trẻ có ảnh hưởng gì đến chấn thương sau này của họ?

- Tôi thấy rằng tuổi đời cầu thủ ngày càng trẻ vì bây giờ người ta chú trọng đào tạo họ ngay từ bé để có nhiều lứa cầu thủ. Ngày xưa, cầu thủ thường chỉ thi đấu khi đã trưởng thành nhưng bây giờ thì từ 12 tuổi đã thi đấu. Và những đứa trẻ sớm chịu áp lực phải luyện tập nặng. Điều này rất không tốt cho VĐV. Đây không phải là vấn đề của riêng thể thao VN mà của cả thế giới. Các bác sĩ toàn thế giới đã khuyến cáo các trung tâm huấn luyện thể thao cho trẻ em phải giảm lại chứ không nên làm quá sức như vậy.

* Bác sĩ có cho rằng giáo án của HLV Miura khiến cầu thủ bị quá tải?

- Ở nước ngoài, trẻ em ngay từ bé đã có chế độ dinh dưỡng tốt, gân cơ phát triển tốt và hoạt động thể lực rất đều. Trong khi đó, đa số trẻ em VN được tuyển làm cầu thủ từ nông thôn, điều kiện dinh dưỡng không tốt và cũng không có thói quen vận động nhiều nên khi bước vào tập luyện với cường độ cao thì gân cơ không chịu nổi.

Trong khi đó, HLV Miura quen hệ thống huấn luyện của Nhật Bản là ngay mẫu giáo, đứa trẻ đã phải tự đi tới trường. Vào trường chủ yếu chơi, chạy nhảy nhiều và có những giáo viên thể chất đúng nghĩa dạy cho trẻ cách chơi, cách chạy nhảy và cả cách... té làm sao cho khoa học. Từ đó, người ta mới tuyển chọn những đứa trẻ vào các đội thể thao. Còn ở VN, như đã nói trên, trẻ em 10-12 tuổi ở nông thôn được chọn vào huấn luyện (đôi khi theo giáo án nước ngoài) nên việc không chịu nổi cũng là điều bình thường.

Thể lực của cầu thủ VN kém

Đó là nhận định của chuyên gia Đoàn Minh Xương khi nói về chuyện chấn thương hàng loạt của các cầu thủ U-23 VN. Ông Xương nói: “Ở góc độ nào đó, tính chuyên nghiệp của cầu thủ Việt chưa cao. Chẳng hạn trong thời gian nghỉ khi kết thúc mùa giải, họ không có một chế độ tập luyện tốt dẫn đến việc khi lên đội tuyển U-23 VN tập với giáo án cao thì xảy ra chấn thương.

Trước đây, tôi có tham gia với VPF về việc đi đến các sân và ghi lại thông số các trận đấu ở V-League. Theo đó, một cầu thủ ở V-League chạy trung bình 5,6 km/trận (thấp hơn nhiều so với con số 8-10 km/trận ở các giải chuyên nghiệp khác), thời gian bóng trong cuộc chưa đến 50 phút/trận. Từ đó mới thấy thể lực cầu thủ VN kém. Do đó, HLV Miura muốn nâng thể lực cho các cầu thủ VN lên nên đã sử dụng hệ thống bài tập có cường độ cao dẫn đến các cầu thủ chịu không nổi.

Nhưng vấn đề không phải là chuyện bài tập nhẹ ở CLB và lên đội tuyển U-23 VN thì tập nặng dẫn đến chấn thương. Vấn đề ở đây là khối lượng và cường độ. Tôi có cảm giác cách tập của các CLB thì thiên về khối lượng nhiều hơn là cường độ. Trong khi cách tập của HLV Miura thì thiên về cường độ nhiều hơn. Do bóng đá hiện đại ngày nay đòi hỏi cường độ vận động rất cao nên hệ thống bài tập phải đi theo hướng cường độ cao thì mới phù hợp và cầu thủ mới thích nghi được”.

N.KHÔI ghi

TẤN PHÚC lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên