Tính đến 12h sáng 28-1, doanh thu Nhà bà Nữ đạt 190 tỉ đồng. Trước mắt vẫn còn hai ngày cuối tuần. Phim còn nhiều cơ hội tăng doanh thu trước khi hầu hết người dân đi làm trở lại sau Tết.
Thành tích của Nhà bà Nữ gây chia rẽ quan điểm trên mạng xã hội. Sau những ngày chiếu đầu khá êm ả về mặt dư luận, trong vài ngày qua, phim được thảo luận sôi nổi. Hai luồng yêu - ghét rất rõ rệt và tranh luận nảy lửa.
Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim.
Bị ghét vì ồn, nói đạo lý và tính cách nhân vật
Nhà bà Nữ là một phim của Trấn Thành. Anh quyết định mọi thứ từ đầu tư, biên kịch, đạo diễn đến đóng một vai nhỏ nhưng ấn tượng.
Riêng cái tên Trấn Thành đã đủ là lý do để hiểu vì sao Nhà bà Nữ sẽ rất nhiều thoại, nhiều cãi vã,
Bản thân Trấn Thành đã giải thích vấn đề nhiều thoại và ồn ào trong bài phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online: "Sẽ có rất nhiều người nói làm quá, dữ quá, ồn ào quá nhưng ngoài đời là như thế. Những bộ phim không ồn ào là những bộ phim đang gian dối, làm bớt, giảm bớt đi".
Bên cạnh cãi vã, thoại thiên về giảng giải đạo lý cũng nhiều. Nguyên hồi 3 Nhà bà Nữ là nơi nữ chính Ngọc Nhi (Uyển Ân đóng) giảng về đạo lý buông bỏ, thứ tha. Cô tha thứ cho cả những người mà cô đã... phạm lỗi với họ.
Ngọc Nhi có những vấn đề mà chính cô cũng chưa nhìn ra được. Là con của một bà mẹ bạo lực về lời nói, cô cũng trở thành một phụ nữ trẻ ác mồm ác miệng. Ngọc Nhi hoàn toàn có nguy cơ trở thành một bà mẹ y như mẹ cô, nhưng cô không hề thừa nhận. Chỉ là đạo diễn Trấn Thành dàn dựng hai trường đoạn cãi vã với kết quả y hệt để khán giả nhận ra điều đó.
Nhân vật bà Nữ (Lê Giang), một trong hai nữ chính, cũng bị nhiều khán giả ghét. Nguyên nhân đến từ tính cách dữ dằn, khắc nghiệt, đổ lỗi cho tất cả trừ mình. Nhưng cách cảm nhận đó hoàn toàn chuẩn xác với cách Trấn Thành xây dựng nhân vật này.
Cũng vì cách kết mà Nhà bà Nữ bị chỉ trích gieo tốt, gặt tệ. Phim đặt vấn đề nghiêm túc và đẩy lên cao trào, nhưng kết bằng một tai nạn vô tình là Ngọc Nhi bị cướp giật, dẫn đến sẩy thai. Điều này không giải quyết được những gốc rễ bất hòa trong gia đình. Ngọc Nhi cũng không nhận ra tính cách mình bất ổn để có động lực thay đổi.
"Nhà bà Nữ" được yêu: Vì khán giả thấy mình và gia đình trong đó
Khán giả Hiển Ngô (TP.HCM) chia sẻ gia đình anh có hoàn cảnh sống y hệt nhà bà Nữ. Anh viết: "Sống trong một ngôi nhà ồn ào vì chửi rủa và đập phá thật sự rất đáng sợ. Nó khiến những đứa trẻ sống trong trạng thái bất ổn, bất an và nghi hoặc thế giới. Đứa trẻ ấy thiếu niềm tin với tất cả, thậm chí với bản thân nó.
Thử hỏi, cả tuổi thơ vừa ăn vừa chực bưng mâm cơm bỏ chạy thì sao mà sống không dè chừng?".
Võ Duy Lam, một sinh viên ngành tâm lý, viết bài trên trang cá nhân về Nhà bà Nữ. Cô điểm tên các khái niệm tâm lý gia đình mà phim cố gắng phản ánh. Đó là: sang chấn liên thế hệ, gia đình bệnh lý, thuyết hệ thống tâm lý gia đình.
"Ở phim Nhà bà Nữ, vấn đề sang chấn liên thế hệ được tiếp cận với góc nhìn sâu sắc, trực diện và mới lạ. Phim lột tả sang chấn của một cá nhân trực tiếp ảnh hưởng đến thế hệ tiếp nối. Mâu thuẫn và đổ vỡ trong hôn nhân của cha mẹ trực tiếp trở thành tấm gương xấu cho hai con gái" - khán giả này viết.
Gia đình trong Nhà bà Nữ có "hệ thống đóng". Họ tắc nghẽn trong giao tiếp với nhau và với xã hội. Họ lẩn tránh vấn đề và không đón nhận sự hỗ trợ, thay đổi từ bên ngoài. Các thành viên xa cách, thường xuyên cãi vã, không lắng nghe nhau. Từ mẹ đến con là sự "đổ vỡ một cách có hệ thống".
Cái kết của Nhà bà Nữ tỏ ra tươi sáng, nhưng nhiều khán giả ngờ vực. Họ cho rằng gia đình này vẫn còn mầm mống bất ổn khi bản chất nhân vật không mấy thay đổi.
Điều này tương ứng với câu nói của nhân vật Phú Nhuận (Trấn Thành): "Ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình là nạn nhân". Phú Nhuận là người hèn nhát, bị vợ lẫn mẹ vợ suốt ngày mắng chửi, dẫn đến ngoại tình. Nhưng anh là người duy nhất dám nói lên bản chất gia đình bà Nữ.
Sau "Nhà bà Nữ", phim gia đình Việt có thể hay hơn không?
Giữa những luồng tranh luận gay gắt về Nhà bà Nữ, có một tín hiệu đáng mừng. Đó là khán giả đã kỳ vọng nhiều hơn ở những phim thuộc dòng giải trí về chủ đề gia đình Việt Nam. Mong muốn này hoàn toàn chính đáng khi trình độ thưởng thức của họ đã tiến bộ.
Gia đình là chủ đề phổ quát bậc nhất. Ai cũng có trải nghiệm, kiến thức và tư cách để bàn luận về nó. Và ý kiến của ai cũng đáng được tôn trọng.
Bên cạnh đó, khán giả còn mong muốn đó thực sự là những câu chuyện Việt Nam, chứ không chỉ là câu chuyện Mỹ, câu chuyện Trung Quốc, câu chuyện Hàn Quốc, câu chuyện Thái Lan... Đó là mong muốn tốt đẹp. Vì suy cho cùng, Việt Nam cần có những tác phẩm điện ảnh sâu sắc về gia đình, con người Việt Nam và khiến thế giới phải quan tâm.
Chỉ có điều, phim gia đình Việt Nam cần tinh tế, sâu sắc hơn. Có thể đặt vấn đề như Nhà bà Nữ, nhưng cách kết phải thấm thía hơn và bớt tô hồng.
Phim thương mại lẫn nghệ thuật đều yêu chủ đề gia đình
Phim gia đình chưa bao giờ hết sức hút. Xin chào, Lý Hoán Anh là phim ăn khách nhất phòng vé Trung Quốc năm 2021. Phim cảm động, lấy ý tưởng giả tưởng thú vị. Cô con gái quay ngược về quá khứ làm bạn với mẹ, muốn giúp bà đổi phận, sống hạnh phúc hơn.
Còn năm nay, một trong những ứng viên hàng đầu cho Oscar là Everything Everywhere All at Once. Phim cảm động và sâu sắc, nhận 11 đề cử Oscar, trong đó có Phim hay nhất. Phim kể về người mẹ du hành đa vũ trụ để rồi học được cách hòa giải với người thân yêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận