06/10/2012 04:40 GMT+7

Vì sao mẹ buồn, hãy nói con nghe!

HÀI VÂN (Kiên Giang)
HÀI VÂN (Kiên Giang)

TT - Đọc bài báo “Cho con được sẻ chia” trên Tuổi Trẻ (22-9), tôi nhớ ngay cậu con trai bé bỏng của mình. Con tôi mới 8 tuổi, nhưng nhiều lúc bé như người đàn ông vững chãi cho tôi nương tựa.

pgebKwsu.jpgPhóng to
Chia sẻ sự hiểu biết để con có những bài học làm người từ ngay trong gia đình - Ảnh: Quân Nam

Ba bé đi công tác xa, một mình phải gánh hai vai vừa làm cha vừa làm mẹ nên nhiều khi tôi phải tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ. Nhưng dù cố gắng như thế nào cũng có lúc tôi bộc lộ điểm yếu của người phụ nữ. Những nỗi buồn, bực tức về chuyện nọ chuyện kia không có người chia sẻ bị kìm nén quá lâu khiến tôi u uất. Người giúp tôi giải tỏa điều này chủ yếu là cậu con trai. Từ khi mới 3 tuổi, trong một lần thấy mẹ không nói chuyện, bé đã nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi rất nghiêm túc “vì sao mẹ không nói chuyện với con?”.

- Vì mẹ đang buồn. Mẹ xin lỗi!

- Vì sao mẹ buồn? Ai làm mẹ buồn? Mẹ nói cho con nghe!

Năm năm trôi qua, nhưng tôi không thể quên được cảm xúc lúc đó. Tôi hiểu mình sẽ mắc sai lầm nếu xem con chỉ là một đứa trẻ không biết gì.

Đến bây giờ dù con tôi vẫn ngây thơ và hiếu động, ham chơi như những đứa trẻ khác, nhưng thỉnh thoảng bé lại vặn lại những câu người lớn chúng ta thường trả lời như “để khi nào con lớn con sẽ hiểu”. Tôi từng trả lời tương tự với một câu hỏi về giới tính, nhưng bé cương quyết muốn biết câu trả lời nên hỏi tiếp “thế mẹ có hiểu không?”, tôi nói “mẹ hiểu”, “vậy thì mẹ cố gắng giải thích cho con nghe, con sẽ hiểu”. Do đó, với nhiều vấn đề lớn của gia đình, tôi không giấu con, cũng không cố tìm cách giấu mà luôn lựa chọn phương pháp giải thích tốt nhất, bởi tôi nghĩ bé cần được chia sẻ để cảm thông.

Có lúc chỉ cần một câu nói của con làm tôi phải giật mình suy nghĩ. Một lần do quá tin người nên tôi đã bị kẻ xấu lấy trộm chiếc điện thoại đang dùng. Mặc dù chiếc điện thoại đó đã cũ và được mua với giá không cao nhưng tôi lại tự dằn vặt mình. Con trai tôi đã nhẹ nhàng nói “mẹ ơi, nó chỉ là chiếc điện thoại, nó không phải là con người, mẹ đừng như thế nữa”. Tôi chợt tỉnh ngộ, đúng vậy, nó không xứng để mình phải khổ tâm, hao tổn tinh thần như thế, chỉ cần rút ra bài học kinh nghiệm về chuyện cảnh giác là xong. Hay khi bé đòi mẹ mua một món đồ chơi nào đó, tôi thường giải thích rất cặn kẽ cho bé hiểu vì sao không nên mua món đó... Khi hiểu rõ vấn đề, bé mới chấp nhận không đòi nữa.

Mời bạn đọc chia sẻ với Tổ ấm qua email toam@tuoitre.com.vn những câu chuyện ứng xử trong gia đình, giữa cha mẹ với con cái hay giữa các con với nhau để cùng nối dài những thông điệp giáo dục từ gia đình - chiếc nôi quan trọng giúp con trẻ hình thành nhân cách...

Tôi không chỉ chia sẻ với con về tinh thần mà còn cả về công việc gia đình, bé được giao nhiệm vụ rửa chén, nấu cơm, đi mua vài thứ lặt vặt, có khi còn làm cả thức ăn và giặt quần áo nếu mẹ bị ốm. Những việc đó tôi tập cho con làm từ khi bé mới 6 tuổi. Mặc dù lúc đầu bé phản đối vì còn ham chơi và tôi có thể chỉ mất vài phút là xong việc nhưng tôi vẫn kiên quyết giao cho con làm, vừa giải thích, vừa động viên, vừa phân công nhiệm vụ với lý do mỗi người phải có trách nhiệm đóng góp cho gia đình. Từ đó con thường tự giác hoàn thành công việc được giao, với những công việc chưa thành thạo thì làm theo hướng dẫn, giúp đỡ của mẹ.

Từ những câu chuyện với con trai mình, tôi thấy thật sự khi đã yêu thương con thì cần phải tôn trọng con, sự tôn trọng đó bắt đầu từ những việc chia sẻ tình cảm, chia sẻ sự hiểu biết và chia sẻ cả một phần gánh nặng cuộc đời, để con có được những bài học làm người từ ngay trong gia đình.

HÀI VÂN (Kiên Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên