Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy quy mô đào tạo liên thông đại học nhóm ngành sư phạm hiện là 25.956 người. Đây là số sinh viên đang theo học liên thông đại học hai ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học.
Tính trong 10 ngành có quy mô đào tạo liên thông đại học nhiều nhất, chỉ hai ngành sư phạm này đã chiếm tỉ lệ gần 40%.
Như vậy, ngay cả đơn lẻ từng ngành thì quy mô đào tạo liên thông đại học của các ngành sư phạm vẫn áp đảo các ngành còn lại trong top 10 ngành có quy mô nhiều nhất.
Đào tạo liên thông có 2 hình thức là chính quy và vừa làm vừa học.
Lý giải về việc quy mô đào tạo liên thông đại học của các ngành sư phạm lớn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng vì hiện 2 ngành sư phạm này vẫn được đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng.
Trong khi đó yêu cầu đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ngày càng khắt khe hơn. Vì thế số lượng giáo viên có bằng trung cấp, cao đẳng đi học liên thông để lấy bằng đại học ngày càng nhiều.
Theo Luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học, THCS và THPT.
Số lượng chương trình đào tạo và quy mô sinh viên học liên thông từ cao đẳng lên đại học theo hình thức vừa làm vừa học nhiều nhất bởi đối tượng người học liên thông chủ yếu là người đã đi làm.
Được biết, tổng quy mô sinh viên liên thông hiện nay là 108.594. Trong đó quy mô 10 ngành đào tạo liên thông nhiều nhất là hơn 67.000 sinh viên. Có 143 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo liên thông, chiếm 49% tổng số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Đào tạo sư phạm chồng chéo
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên các cấp học. Thống kê năm học 2022-2023 cho thấy bậc mầm non thiếu gần 52.000 giáo viên, tiểu học thiếu gần 32.000, THCS trên 16.000 và THPT trên 13.000.
Hiện nay Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên. Hầu như ở mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên (ngoại trừ Đắk Nông). Tuy nhiên hoạt động đào tạo vẫn chạy theo số lượng và năng lực sẵn có của trường, chưa bám sát yêu cầu thực tế của đội ngũ và công tác quy hoạch đội ngũ của ngành, của địa phương.
Điều này dẫn đến cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, gây ra tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các cấp học và giữa các địa phương, vùng, miền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận