Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên các cấp học để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo tỉ lệ giáo viên trên lớp theo quy định.
Bậc học nào cũng thiếu giáo viên
Tình trạng thiếu giáo viên không đồng đều giữa các cấp học. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2024-2029, mặc dù tỉ suất tăng dân số giảm nhưng bình quân mỗi năm dân số vẫn tăng 603.000 người, tiếp tục đặt ra những yêu cầu về đội ngũ giáo viên đủ và được phân bổ hợp lý.
Số liệu thống kê cho thấy bậc mầm non có số lượng giáo viên nhiều thứ hai nhưng lại là bậc học thiếu giáo viên nhất. Đây cũng là bậc học có số lượng giáo viên cần bổ sung nhiều nhất theo dự báo đến năm 2030.
Đáng chú ý là bậc THPT. Hiện bậc học này có số lượng thiếu giáo viên ít nhất nhưng dự báo đến năm 2030, bậc THPT cần bổ sung hơn 122.000 giáo viên, đứng thứ hai trong các cấp học.
Tính theo khu vực kinh tế, hai khu vực thiếu nhiều giáo viên nhất là Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Trong khi Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có lượng giáo viên thiếu ít nhất trong các vùng.
Đông Nam Bộ hiện thiếu giáo viên tương đối nhưng dự báo đến 2030, khu vực này cần bổ sung đến gần 78.000 giáo viên. Tình trạng cũng diễn ra tương tự tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Hồng là nơi thiếu giáo viên nhiều nhất và cũng là khu vực có lượng giáo viên cần bổ sung lớn nhất theo dự báo đến năm 2030.
Tính chung toàn quốc, đến năm 2030 cần bổ sung hơn 358.000 giáo viên. Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số nhu cầu cần bổ sung cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông đến năm 2045 là khoảng 500.000 người.
Như vậy thì mỗi năm cần cung cấp bổ sung khoảng 43.000 giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên các cấp, trong đó bậc học mầm non cần bổ sung khoảng 16.000 người, bậc tiểu học cần khoảng 7.000 người, bậc THCS cần khoảng 7.000 và bậc THPT cần khoảng 12.000 người.
Trong khi tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trầm trọng, mỗi năm các trường, khoa sư phạm chỉ có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp. Năm 2021 có hơn 17.000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp, năm 2022 giảm còn hơn 14.000 sinh viên tốt nghiệp.
Vừa thiếu vừa thừa
Hiện nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm 15 trường đại học sư phạm (6 trường đại học sư phạm, 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật, 2 trường sư phạm thể dục thể thao, 1 trường sư phạm nghệ thuật), 50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù có đào tạo giáo viên, 20 trường cao đẳng sư phạm và 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.
Hầu như ở mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên (ngoại trừ Đắk Nông). Đặc biệt tập trung nhiều ở một số thành phố lớn như Hà Nội (8 trường) và TP.HCM (6 trường).
Dù mạng lưới trường sư phạm phủ khắp các tỉnh thành nhưng theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc mở ngành đào tạo giáo viên còn trùng lặp, chồng chéo.
Hoạt động đào tạo vẫn chạy theo số lượng và năng lực sẵn có của trường, chưa bám sát yêu cầu thực tế của đội ngũ và công tác quy hoạch đội ngũ của ngành, của địa phương.
Điều này dẫn đến cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, gây ra tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các cấp học và giữa các địa phương, vùng, miền.
Trong hệ thống các trường sư phạm, việc đổi mới chương trình đào tạo giáo viên còn chậm, vì vậy, hạn chế sự liên kết giữa hệ thống trường sư phạm với các trường khác, đồng thời không giải quyết được vấn đề khủng hoảng thừa hoặc thiếu giáo viên, vấn đề trùng lắp, lãng phí trong đào tạo giáo viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận