22/03/2023 09:12 GMT+7

Vì sao giới trẻ bị 'ám ảnh' trà sữa?

Món đồ uống khoái khẩu của giới trẻ và nhiều người đã "ghiền" không bỏ được. Sự thích thú với trà sữa có mang lại điều tốt đẹp cho sức khỏe không?

Vì sao giới trẻ bị ám ảnh trà sữa? - Ảnh 1.

Giới trẻ mê mẩn trà sữa nhưng không để ý nhiều những vấn đề sức khỏe

Đồ ngọt có thể mang lại hạnh phúc cho con người, giới trẻ hôm nay nghiện ăn đường, đó là sự thật. Đường là chất cung cấp năng lượng cho não. Vấn đề chính của trà sữa là hàm lượng đường quá cao, tất cả các loại nước uống có hàm lượng đường cao sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc, nhưng cùng với đó sẽ nảy sinh nhiều bệnh tật.

Nỗi ám ảnh trà sữa: Tưởng bệnh nhân được truyền trà sữa

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết mới đây ông có đưa người thân vào buồng bệnh thăm bà ngoại bị tiểu đường biến chứng, con gái người thân bác sĩ học cấp 3, thấy bệnh nhân bên cạnh truyền đạm sữa ba ngăn, cháu đã thốt lên: "Sao bác sĩ lại truyền trà sữa cho bệnh nhân?".

"Hóa ra con gái bạn "nghiện" trà sữa. Cháu bị ám ảnh bởi món đồ uống này. Và loại ám ảnh trà sữa cũng tồn tại ở rất nhiều bạn học, đồng nghiệp và những người đồng trang lứa khác của cháu. 

Tôi nhìn quanh phòng bệnh, có vài ca nặng phải nuôi dưỡng tĩnh mạch, đạm sữa ba ngăn có màu sắc rất giống ba cốc trà sữa trong túi ni lông trên tay cô gái trẻ" - bác sĩ Phúc tâm sự.

Với nhiều cô gái trẻ, trà sữa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ, đồng thời nó cũng là một loại thức uống "nuôi dưỡng tình cảm". 

Nếu buồn ngủ và mệt mỏi trong công việc, các cô nói chỉ cần uống một cốc trà sữa là sảng khoái; đi dự tiệc với bạn bè và mua sắm, hãy uống hai cốc để bắt đầu cuộc trò chuyện; nếu cãi nhau với người yêu, chỉ cần mua ba cốc trà sữa để làm lành…

Gây nhiều tác hại cho sức khỏe

Bác sĩ Phúc cho biết giới trẻ hôm nay nghiện ăn đường hơn trước đây. Đường là chất cung cấp năng lượng cho não. Vấn đề chính của trà sữa là hàm lượng đường quá cao, tất cả các loại nước uống có hàm lượng đường cao sẽ mang lại cảm giác ngon, dễ uống, nhưng cùng với đó sẽ nảy sinh nhiều bệnh tật.

Uống nhiều trà sữa, lượng đường vào cơ thể sẽ gây cảm giác thèm ăn, béo phì, tiểu đường. Những vòng xoắn luẩn quẩn sẽ xuất hiện, như mỡ máu tăng, gan nhiễm mỡ, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, cùng hàng trăm biến chứng do tiểu đường gây ra. 

Đường trong trà sữa nhiều và uống quá nhiều cũng gây hư răng, hỏng xương do rối loạn hấp thụ canxi, thậm chí ức chế não gây suy giảm trí nhớ và khả năng phán đoán.

"Mỗi ngày ở bệnh viện, tôi vẫn phát hiện những ca bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ và mỡ máu, là các cháu bé từ tiểu học cho đến trung học phổ thông, thanh niên đại học hay đã đi làm. Khi tôi hỏi, đa số các cháu uống rất nhiều trà sữa, hoặc uống các nước ngọt khác" - bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết nếu nguyên liệu pha trà sữa là bột màu, hương liệu công nghiệp, đường hóa học… thì rất độc hại.  Dùng nhiều sẽ gây tổn thương lớn cho gan và thận, thậm chí suy gan, thận ở những cơ địa trẻ có đề kháng yếu.

Ngoài ra, thành phần trong trà sữa nhiều chất béo bão hòa và axít chuyển hóa lớn, không có canxi, những thành phần này đều không tốt cho sức khỏe của trẻ đang tuổi lớn, cần nhiều vitamin bổ dưỡng để phát triển trí não cũng như thể lực. 

Sử dụng trà sữa không rõ nguồn gốc trong một thời gian dài có nguy cơ bị nhiễm độc thực phẩm mãn tính.

Trà sữa có khả năng gây nghiện?

Bác sĩ Trần Văn Phúc phân tích, trong trà sữa có chất caffeine, nếu uống hơn 400mg caffeine mỗi ngày sẽ nhanh bị nghiện. Vậy 400mg caffeine là bao nhiêu? Mỗi cốc trà sữa, tùy loại to nhỏ và loại trà, có từ 100 - 480mg caffeine, trung bình mỗi cốc 200mg.

Não người tiết ra một chất hóa học có tên là andenosine. Khi cơ thể ở trạng thái thức, adenosine được tiết ra để liên kết với các thụ thể, làm cho não hoạt động chậm lại, càng thức lâu adenosine càng nhiều thì cơ thể càng uể oải mệt mỏi. Khi ngủ adenosine sẽ tiết rất ít.

Nếu uống trà sữa, caffeine đi vào máu thay thế adenosine, tức là chẳng có adenosine để liên kết với thụ thể não, vì vậy cơ thể sẽ tỉnh táo và không có cảm giác mệt mỏi. 

Việc sử dụng caffeine kéo dài, não tạo ra nhiều thụ thể hơn, trong khi adenosine lại giảm tiết, vì thế mà khi ngừng sử dụng trà sữa thì cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhu cầu caffeine sẽ xuất hiện, tức là "nghiện trà sữa".

"Trong trà sữa, dinh dưỡng không đa dạng nên nếu uống nhiều sẽ gây hại. Ngoài ra, người ta thường sử dụng nhiều loại phụ gia để pha chế như chất tạo bọt, tạo mùi, tạo màu, chất chống vón, làm ngọt… Nếu những loại phụ gia này kém chất lượng thì khả năng gây ngộ độc sẽ cao.

Trẻ em "nghiện" trà sữa sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Cha mẹ nên điều chỉnh thói quen uống trà sữa thường xuyên của trẻ, thay bằng các loại đồ uống tươi, có nhiều chất dinh dưỡng với thành phần tự nhiên như nước hoa quả, nước từ các loại lá, củ… để tránh trường hợp trẻ bị lệ thuộc vào đường, thừa cân, béo phì, thậm chí là ngộ độc vì trà sữa trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Hơn nữa, bột tạo màu không rõ nguồn gốc dễ gây tổn thương gan, thận. Do đó, khuyến cáo nên hạn chế uống trà sữa, tuyệt đối không uống thường xuyên, hằng ngày.

Chỉ uống trà sữa của các thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng, không sử dụng hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Nguyên tắc của dinh dưỡng là phải cân bằng các thành phần, do đó không nên uống trà sữa như thức uống hằng ngày", tiến sĩ Trương Hồng Sơn, viện trưởng Viện Y học ứng dụng, khuyến cáo.

Ăn nhiều đồ chiên, rán và uống trà sữa, nhiều người trẻ bị sỏi mậtĂn nhiều đồ chiên, rán và uống trà sữa, nhiều người trẻ bị sỏi mật

TTO - "Tôi vừa đi học, vừa làm thêm nên thường sẽ nhịn ăn sáng, bữa trưa và tối có thể ăn đồ ăn nhanh, cũng không có nhiều thời gian tập thể dục. Tôi khá bất ngờ vì nghĩ rằng đây chỉ là bệnh của người lớn tuổi" - chị H.T., 20 tuổi, cho biết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên