Trận động đất gần nhất xảy ra tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng có độ lớn 2,6 độ Richter vào chiều tối 1-12 - Nguồn: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần
Do đứt gãy đang hoạt động
Theo ghi nhận của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), chỉ trong 7 ngày từ 25-11 đến 1-12 đã xảy ra 5 trận động đất ở khu vực huyện Trùng Khánh, 1 trận động đất ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng và 2 trận động đất ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sát với huyện Trùng Khánh.
Trong đó trận đầu tiên cũng là trận có cường độ lớn nhất 5,4 độ Richter xảy ra tại Trùng Khánh lúc 8h18 ngày 25-11.
Trận động đất gần nhất xảy ra tại Cao Bằng là vào lúc 17 giờ 36 phút 17 giây ngày 1-12 có độ lớn 2,6 độ Richter tại vị trí có tọa độ 22.708 độ vĩ Bắc, 106.477 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Trận động đất này xảy ra tại khu vực huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Xuân Anh - viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - cho biết nguyên nhân các trận động đất vừa rồi là do hoạt động của hệ thống đứt gãy ở khu vực đó.
"Hiện nay viện đang khảo sát, chính xác hóa hoạt động đứt gãy ở khu vực đó. Trận động đất 5,4 độ Richter ngày 25-11 tại Trùng Khánh có độ lớn trung bình trong thang đo động đất nhưng là trận động đất lớn ở Việt Nam nên phải đánh giá lại" - TS Anh cho biết.
Theo TS Anh, những trận động đất có độ lớn 4,7-5,4 độ Richter ở Cao Bằng, Lai Châu vẫn gây lan truyền rung động tới Hà Nội, khiến người ở nhà cao tầng cảm nhận được. Mức độ rung động phụ thuộc vào độ lớn của trận động đất, khoảng cách xảy ra động đất tới Hà Nội, phụ thuộc vào nền đất khu vực có nhà cửa và chất lượng công trình. Ở những khu vực nền đất yếu thì rung động rõ hơn. Tuy vậy, với mức độ của những trận động đất như vừa rồi hầu không gây ảnh hưởng tới công trình xây dựng ở Hà Nội.
Sẽ tiếp tục trong những ngày tới ?
Theo PGS.TS Cao Đình Triều - nguyên Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, những trận vừa xảy ra ở huyện Trùng Khánh,Quảng Uyên nằm ở một đới đứt gãy nhỏ đang hoạt động có liên quan đến hệ thống đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên chạy từ Trung Quốc qua Cao Bằng tới Quảng Ninh.
Đới đứt gãy nhỏ ở Trung Quốc gọi là đứt gãy sống nước đen xuất phát từ Trung Quốc kéo qua khu vực thác Bản Giốc đến Trùng Khánh.
Trận động đất 5,4 độ Richter xảy ra tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng vào sáng 25-11 làm nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội rung lắc được cho là trận chủ chấn, những trận sau đó có cường độ nhỏ hơn - Nguồn: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.
Ông Triều cho biết đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên được các nhà khoa học địa chấn Việt Nam nhận định là xảy ra động đất tối đa 5,5 độ Richter và vẫn còn những dự báo khác nhau nhưng nói chung là không xảy ra động đất vượt quá 6 độ Richter.
"Trận động đất 5,4 độ Richter tại Trùng Khánh ngày 25-11 tiệm cận với giá trị dự báo và đây là trận động đất tương đối lớn so với khu vực này. Những trận động đất sau đó cường độ nhỏ hơn nên có thể coi trận 5,4 độ Richter là chủ chấn, những trận sau đó là dư chấn.
PGS.TS Cao Đình Triều - nguyên Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng
Theo lý thuyết và kinh nghiệm thực tế về động đất, sau trận chủ chấn sẽ có những trận dư chấn. Dư chấn thường nhỏ hơn chủ chấn và suy giảm dần.
Trong 3 ngày sau trận chủ chấn sẽ xảy ra những trận dư chấn mạnh rồi suy giảm dần về cường độ, đến lúc triệt tiêu năng lượng và kết thúc động đất. Tuy nhiên với những trận động đất có độ lớn 5 độ Richter thường dư chấn kéo dài hàng tháng với nhiều dư chấn. Nhưng có những dư chấn nhỏ con người không cảm nhận được" - ông Triều cho biết thêm.
Do vậy, theo ông Triều, trong những ngày tới khu vực Trùng Khánh, Cao Bằng vẫn có thể xảy ra động đất nhỏ hơn 5 độ Richter và hết dần khi đới đứt gãy ổn định do giải phóng hết năng lượng và chuyển sang chu kỳ yên tĩnh.
"Những rung động ở Hà Nội vừa rồi không đáng ngại. Ngay trên Cao Bằng động đất cũng chỉ gây nứt một số tường nhà cấp 4 và một số đá trên núi lăn xuống do đã phong hóa, kết cấu không ổn định"- PGS.TS Cao Đình Triều cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận