22/05/2024 08:44 GMT+7

Vì sao cống Kinh Đứng ở Cà Mau 'chết đứng'?

Một số công trình cống ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) xây xong chỉ hoạt động vài lần rồi ngừng hẳn. Nhiều cống có dấu hiệu xuống cấp.

Cống Kinh Đứng, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chỉ vận hành vài lần rồi đóng hơn chục năm nay - Ảnh: T.HUYỀN

Cống Kinh Đứng, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chỉ vận hành vài lần rồi đóng hơn chục năm nay - Ảnh: T.HUYỀN

Nhiều năm nay, cống Kinh Đứng (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) trên kênh Kinh Đứng đóng im lìm. Đây là tuyến kênh có chiều ngang khoảng 20m, dài 3km, nối với nhiều kênh khác trong huyện Trần Văn Thời.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cống Kinh Đứng không khác gì một tuyến đê chắn ngang dòng kênh. Phía kênh từ hướng Vườn quốc gia U Minh Hạ do bị cống chặn lại, trong mùa khô có thể thấy rõ đất, bèo khô bồi lắng và cỏ mọc trùm lên một phần cửa cống.

Ông Lê Quốc Sự (ấp 2, xã Trần Hợi) sống gần cống Kinh Đứng lắc đầu khi nghe hỏi về tình hình hoạt động của cống: "Ban đầu thấy cống được xây nghĩ chắc cũng giúp được dân trong việc thoát nước mùa mưa, trữ nước mùa khô. Ai ngờ chỉ vài lần đóng mở thì đứng yên mấy năm nay".

Không chỉ thế, ông Sự còn cho biết từ ngày xây dựng cống, ghe xuồng qua đoạn này hoàn toàn tắc nghẽn từ phía rừng U Minh Hạ ra. Người dân muốn đi qua phải tự kéo ghe lên bờ để qua khu vực cống chặn, hoặc phải đi vòng theo tuyến kênh khác với quãng đường rất xa.

"Kiểu này ban đầu xây cái đập cho xong, chứ xây cống gì cho tốn kém không biết nữa!", ông Sự cảm thán.

Tương tự, ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời cũng còn nhiều cống nhiều năm liền không hoạt động. Cống Cây Táo Đông được xây dựng năm 2014, chỉ hoạt động đúng hai lần rồi mở luôn cả chục năm qua, không hề đóng lại.

Ông Cao Văn Đạt, phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, cho hay: "Người dân đã phản đối do ngăn cản việc đi lại, giao thương hàng hóa nên cống phải mở. Trên địa bàn xã, ngoài cống Cây Táo Đông này còn có cống Bà Kẹo, cống Kinh 4 cũng đang phải nằm yên vì bị dân phản đối, hoặc chưa có trạm bơm thoát nước đi kèm". Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, những cống trên kinh phí từ 3 - 6 tỉ đồng mỗi cống.

Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chưa có nguồn nước ngọt bổ sung từ các sông Cửu Long. Để có được nguồn nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, phải thực hiện khép kín và xây dựng các cống tiếp giáp với các sông nối ra biển, thực hiện bơm thoát nước nếu như toàn vùng ngập úng do mưa nhiều.

Theo thống kê, vùng ngọt huyện Trần Văn Thời có hơn 90.000ha sản xuất lúa với 25 cống nội đồng. Cà Mau đang thực hiện chia ô nhỏ cho vùng 44.000ha để đảm bảo cho điều tiết nước từ các khu vực gò cao sang khu vực trũng nên xây dựng hàng chục cống đập để phục vụ cho việc này.

"Việc chia ô này cần đầu tư các hệ thống cống và trạm bơm song hành để điều tiết nước từ các vùng trũng thấp sang vùng gò cao và ngược lại. Tuy nhiên đến nay kinh phí để hoàn thiện đồng bộ việc chia ô này chưa đủ. Một số công trình cống xong trước chưa phát huy được tác dụng" - ông Nguyễn Thanh Tùng, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, thông tin.

Xin thêm kinh phí cấp nước sinh hoạt

Ngoài việc xin kinh phí để hoàn thiện hệ thống công trình điều tiết nước trong vùng ngọt, Cà Mau cũng đề nghị trung ương xem xét đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp, gồm có các hạng mục sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên quốc lộ 1A để đạt được mục tiêu ngăn chậm mặn, bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống cháy rừng vào mùa khô.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xin hơn 241 tỉ đồng thực hiện dự án cấp nước sạch sinh hoạt cho khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau để tháo gỡ khó khăn trong việc cấp nước sinh hoạt, khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cho khoảng 13.900 hộ dân.

Đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau, Cục Thủy lợi nói cần nghiên cứuĐề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau, Cục Thủy lợi nói cần nghiên cứu

Tỉnh Cà Mau đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về để giải quyết tình trạng sạt lở, sụt lún và thiếu nước ngọt sử dụng trong mùa khô. Tuy nhiên, Cục Thủy lợi cho rằng vấn đề này cần nghiên cứu, đánh giá trước khi triển khai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên