03/12/2018 08:48 GMT+7

Vì sao có nước chạy xe bên phải, có nước bên trái?: 'Kỳ tích' Thụy Điển

ĐỒNG LỘC
ĐỒNG LỘC

TTO - Bắt đầu từ thế kỷ 19, xu hướng chung của thế giới là lưu thông phía tay phải. Theo xu hướng này, Thụy Điển đã quyết định cho người dân chuyển đổi cách thức lưu thông.

Thụy Điển chuyển đổi lưu thông từ trái sang phải chỉ sau 1 đêm

Và họ đã lập 'kỳ tích' khi chỉ sau một đêm, lưu thông cả nước từ bên trái được chuyển sang bên phải trong êm thắm.

"Ngày H"

Ngày 3-9-21967 là một ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử giao thông Thụy Điển bởi đây là ngày mà người dân cả nước này đồng loạt từ bỏ lối lưu thông lái xe phía bên trái, chuyển sang bên phải. Thời điểm chính thức chuyển đổi bắt đầu từ 5h sáng ngày chủ nhật 3-9-1967.

Ngày đó được gọi chính thức là ngày "chuyển đổi lưu thông sang phải" hay đơn giản là ngày H (Dagen H trong tiếng Thụy Điển, chữ H là viết tắt của từ Hogertrafikomlaggningen - chuyển đổi lưu thông sang phía phải). 

Việc chuyển đổi này nhằm đưa giao thông của Thụy Điển đồng nhất với các nước láng giềng và phần còn lại của châu Âu lục địa.

Trước đó, vào năm 1955, chính phủ Thụy Điển đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc chuyển đổi lưu thông từ tay trái sang phía phải, nhưng 83% dân chúng phản đối. Mãi đến năm 1967, chính phủ kiên quyết thực hiện việc chuyển đổi để phù hợp với xu thế chung, tạo thuận lợi cho việc giao thương.

Một lý do khác không kém phần quan trọng là chính phủ Thụy Điển rất quan ngại về an toàn giao thông, với số lượng ôtô đăng ký lưu thông tăng vọt từ 862.992 chiếc lên 1.976.248 chiếc chỉ trong 10 năm (dân số Thụy Điển lúc đó khoảng 7, 8 triệu người).

Lý do là, mặc dù lái xe về bên trái, lẽ ra phải sắm xe có tay lái bên phải, rất nhiều người Thụy Điển lại sở hữu xe với tay lái nằm bên trái do mua xe nhập khẩu. Các hãng sản xuất ôtô lớn của Thụy Điển cũng đã chọn hướng phục vụ cho thị trường tiêu thụ chủ yếu của họ là châu Âu nên phần lớn các xe sản xuất ra đều gắn tay lái bên trái.

Sử dụng ôtô "tay lái nghịch" có lẽ là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông chết người ngày càng tăng ở Thụy Điển, từ 595 vụ vào năm 1950 lên 1.313 vào năm 1966, bên cạnh tần suất các vụ va chạm ngày càng tăng ở khu vực biên giới giữa Thụy Điển với Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, những nước áp dụng phương thức lưu thông bên phải.

Điều này gợi nhớ lại việc Việt Nam vào những năm 1990 cũng cho phép nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng từ Nhật. Các xe này vốn là hàng sử dụng nội địa, lưu thông bên trái nên tay lái nằm bên phải. 

Khi đưa vào sử dụng, người ta mới phát hiện ra rằng loại ôtô "tay lái nghịch" này rất không an toàn khi lưu thông trên đường. Do đó, mới có quy định bắt buộc các loại ôtô này phải chuyển đổi tay lái sang trái ("tay lái thuận") mới được cấp phép lưu hành.

Vì sao có nước chạy xe bên phải, có nước bên trái?: Kỳ tích Thụy Điển - Ảnh 2.

Trong khi nhiều nước chuyển sang lưu thông bên phải, người Anh vẫn giữ lối lưu thông bên trái - Ảnh: Wikipedia

Cuộc chuyển đổi kỳ công và tốn kém

Đầu tiên, chính phủ Thụy Điển đã đầu tư rất nhiều tiền của vào khâu hoạch định các công việc cần thiết phải làm và chuẩn bị thật đầy đủ cơ sỡ vật chất, sản xuất các biển báo giao thông cho toàn bộ hệ thống đường bộ. 

Đây không phải công việc đơn giản và rất tốn kém. Dự tính, tổng chi phí cho chiến dịch chuyển đổi lưu thông này tốn đến 628 triệu kronor (đồng tiền Thụy Điển).

Một phần ngân sách cho Ngày H cũng được chi cho công tác truyền thông để nâng cao ý thức của công chúng Thụy Điển và tranh thủ sự đồng tình của người dân cho sự chuyển đổi. Ước tính chính phủ Thụy Điển đã tốn khoảng 43 triệu kronor cho quảng cáo ngày H trên truyền hình, phát thanh và báo chí và các cuộc nói chuyện trong nhà trường. 

Ngày H còn có logo riêng được vẽ trên các bảng quảng cáo, xe buýt và bao bì thực phẩm. Thậm chí còn có những cuộc thi sáng tác bài hát cổ động cho sự chuyển đổi giao thông. Bản nhạc "Hãy đi về bên phải, Svensson" được bình chọn và leo lên vị trí số 5 trong danh sách những bài hát hay nhất của Thụy Điển năm 1967.

Trong khi đó các đài truyền hình mời những nhân vật nổi tiếng trên thế giới tham gia các chương trình ăn khách nhất nhằm phổ biến đến khán giả thông tin chi tiết về Ngày H.

Chính phủ Thụy Điển nhấn mạnh với người dân về tầm quan trọng của ngày H: tạo danh tiếng quốc tế cho Thụy Điển, mang lại nhiều lợi ích về lâu dài cho thương mại và giao thông của đất nước... 

Một yếu tố thuận lợi nữa là Thụy Điển có "nền văn hóa phục tùng" nói chung và sự tin tưởng vào chính quyền rất cao vào thời đó. Nhờ thế suy nghĩ của công chúng dần thay đổi.

Trong thời gian hướng đến ngày H, mỗi địa phương đều phải xử lý các vấn đề từ vẽ lại biển báo đường xá, di dời các trạm xe buýt, các trụ đèn tín hiệu giao thông và thiết kế lại các giao lộ, các làn đường dành cho xe đạp và đường một chiều.

Một vài thành phố gồm cả Stockholm, Malmö và Helsingborg đều tận dụng sự thay đổi này để áp dụng những thay đổi về giao thông ở quy mô rộng, chẳng hạn đóng cửa các tuyến xe điện để chuyển sang thêm nhiều tuyến xe buýt hơn. 

Hàng trăm chiếc xe buýt được các địa phương trên cả nước mua mới, và khoảng 8.000 chiếc xe buýt cũ được điều chỉnh lại thiết kế để cửa mở ra cả hai bên. Tổng cộng chi phí để điều chỉnh các phương tiện giao thông công cộng là 301 triệu kronor.

Khoảng 360.000 biển báo giao thông phải được thay đổi trên khắp đất nước mà phần lớn là diễn ra chỉ trong một ngày trước khi chuyển sang lái xe về bên phải. Các nhân viên giao thông cùng với quân đội làm việc đến tối muộn để đảm bảo rằng công việc được hoàn tất trước khi Ngày H khởi động vào sáng Chủ nhật. 

Tất cả phương tiện giao thông trừ các phương tiện thiết yếu đều bị cấm lưu thông trong thời gian thay thế biển báo hiệu và đèn tín hiệu.

Kỷ nguyên mới

Vì sao có nước chạy xe bên phải, có nước bên trái?: Kỳ tích Thụy Điển - Ảnh 3.

Đường phố Thụy Điển trong ngày H - Ảnh: Reddit

Khi Ngày H cuối cùng cũng đến, tất cả những vất vả dường như đã được đền đáp. Trên khắp cả nước, người dân Thụy Điển bắt đầu cẩn thận lái xe về bên tay phải vào đúng 5h sáng 3-9-1967.

Giới truyền thông quốc tế đổ xô đến Thụy Điền để làm phóng sự về ngày H. Phần lớn đều đưa ra những dự báo bi quan khi cho rằng sẽ xảy ra vô số tai nạn giao thông kinh hoàng do người Thụy Điển không quen với sự thay đổi một tập quán lưu thông từ rất lâu đời.

Nhưng rồi họ đã phải thất vọng, vì ngày đầu tiên sau ngày H chỉ có tất cả 157 tai nạn giao thông nhẹ trên khắp cả nước và không có ai thiệt mạng. 

Tổng cộng cả năm 1967, chỉ 1.077 người chết và 21.001 người bị thương, giảm xuống từ 1.313 người chết và 23.618 người bị thương vào năm 1966, năm cuối cùng còn lưu thông phía tay trái.

Đây quả là một kỳ công về chuyển đổi phương thức lưu thông, đến nay chưa có quốc gia nào làm tốt như người Thụy Điển. Cũng chưa từng có quốc gia nào bỏ ra nhiều nhân lực và tiền của đến thế để đạt được các luật lệ giao thông quốc tế đồng nhất.

Tính tổng cộng, dự án tiêu tốn hết 628 triệu kronor, tương đương với thời giá hiện nay là 2,6 tỉ kronor (khoảng 316 triệu đôla Mỹ).

Các chuyên gia kinh tế Thụy Điển ngày nay nhận định rằng tổng chi phí cho việc chuyển đổi giao thông thật ra tương đối nhỏ nếu xét theo quy mô sự chuyển đổi - vốn là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất mà Thụy Điển từng thực hiện. Tổng chi phí đó chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng ngân sách hiện nay của Cục giao thông Vận tải Thụy Điển là 25 tỉ kronor (2,97 tỉ đôla Mỹ).

Điều này là nhờ vào khả năng làm việc của chính quyền Thụy Điển, vốn nổi tiếng thế giới về sự hiệu quả và công tác trù liệu kế hoạch rất kỹ, cũng như khâu hậu cần hoàn hảo của họ.

Người Thụy Điển cấy chip dưới da thay thẻ căn cước Người Thụy Điển cấy chip dưới da thay thẻ căn cước

TTO - Khoảng 3.000 người Thụy Điển đã cấy microchip dưới da để thay cho việc phải sử dụng các tấm thẻ căn cước công dân, giúp các sinh hoạt hàng ngày thuận tiện hơn.

ĐỒNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên