10/07/2019 17:37 GMT+7

Vì sao chủ tịch Mường Thanh Lê Thanh Thản được tại ngoại?

PV
PV

TTO - Viện KSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. Theo quyết định phê chuẩn khởi tố bị can thì ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về tội "lừa dối khách hàng".

Theo website của Viện KSND tối cao, ngày 5-7-2019, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và gửi đến Viện KSND thành phố Hà Nội để xem xét phê chuẩn. 

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ tài liệu, thấy có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật, ngày 8-7-2019, Viện KSND thành phố Hà Nội phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đối với ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh.

Vì sao chủ tịch Mường Thanh Lê Thanh Thản được tại ngoại? - Ảnh 1.

Bị can Lê Thanh Thản

Sáng 9-7-2019, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội, dưới sự giám sát của Viện KSND thành phố Hà Nội đã tiến hành khám xét và thu giữ nhiều tài liệu tại trụ sở công ty này ở bán đảo Linh Đàm, Hà Nội. 

Theo quyết định phê chuẩn khởi tố bị can thì ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về tội "lừa dối khách hàng" theo quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự 2015. 

Theo quy định của pháp luật, đây là tội ít nghiêm trọng nên người phạm tội này sau khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can thì không bị tiến hành tạm giam và được tại ngoại.

Tội "lừa dối khách hàng" là tội phạm đã được quy định tại điều 170 Bộ luật hình sự năm 1985 và điều 162 Bộ luật hình sự 1999 và hiện nay là điều 198 Bộ luật hình sự 2015. 

Tội này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong Bộ luật hình sự, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. 

Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng vẫn thực hiện. Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. 

Tuy nhiên, người phạm tội lừa dối khách hàng bao giờ cũng vì động cơ tư lợi.

Trước đó, tại Báo cáo kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng được nêu trong 12 kết luận thanh tra được UBND TP Hà Nội gửi HĐND TP đã ghi nhận hàng loạt dự án liên quan tới Tập đoàn Mường Thanh. Những sai phạm này, sau đó, đã được chuyển cơ quan điều tra làm rõ, bao gồm nhóm các vi phạm nhiều năm, kéo dài không thể khắc phục, bao gồm:

Dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (quy mô 388ha), cơ quan này đã chỉ rõ vi phạm xây thêm diện tích tại tầng áp mái của 9 tòa chung cư thuộc các ô đất B1.4-HH01 và B1.4-HH02; dự án: khu nhà ở Xa La (209ha) xây thêm tầng, vi phạm mật độ xây dựng; khu chức năng hỗn hợp Đại Thanh (15,8ha) xây vượt tầng, vi phạm mật độ xây dựng và sử dụng đất sai mục đích; khu nhà CT11, CT12 tại lô CT2 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (26,9ha);

Dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5 xã Tân Triều, huyện Thanh Trì xây sai quy hoạch; tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp VP6, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai xây vượt quy hoạch 10 tầng; hai dự án tổ hợp chung cư và dịch vụ thương mại tại ô HH3, lô CC6 khu dịch vụ tổng hợp - nhà ở Linh Đàm và tổ hợp chung cư - dịch vụ thương mại tại ô HH4 thuộc lô CC6, Linh Đàm cũng xây dựng sai quy hoạch, xây thiếu 2 tầng hầm chung cư.

PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên