24/10/2015 08:11 GMT+7

Vì sao chỉ phụ nữ cần “giỏi việc nước, đảm việc nhà”?

LAN ANH ghi
LAN ANH ghi

TT - Bộ Y tế vừa phát động chiến dịch tôn vinh con gái để hưởng ứng Ngày quốc tế vì trẻ em gái 11-10.

Phụ nữ không chỉ làm ra của cải vật chất cho xã hội mà còn có vai trò hết sức quan trọng đối với gia đình, giáo dục con cái, chăm sóc các thành viên gia đình. Nhưng vì sao lại cần một chiến dịch tôn vinh để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh?

Thực tế trong nhiều gia đình và cả ngoài xã hội vẫn còn tư tưởng coi thường phụ nữ, đề cao nam giới.

Điều này có thể thấy ở tâm lý thích con trai, dẫn đến lựa chọn giới tính thai nhi và mất cân bằng giới tính khi sinh. Định kiến giới và cộng đồng, xã hội có sự phân biệt đối xử với phụ nữ (như trong tuyển dụng, đào tạo, đề bạt...).

Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng có tới 55/63 tỉnh, thành có tỉ số giới tính khi sinh lên tới trên 108 bé trai/100 bé gái. Ưa thích con trai, nhưng ít người nghĩ hậu quả “thừa nam giới và thiếu phụ nữ” trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến gia đình mình.

Nếu cứ đà này, đến năm 2050 Việt Nam có 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Hệ lụy tiếp theo là mất cân đối trong cơ cấu lao động. Đã có một số biện pháp để tránh kịch bản xấu này, nhưng theo tôi cần làm tốt hai yếu tố: nâng cao nhận thức và đảm bảo an sinh xã hội.

Phụ nữ Việt Nam mỗi năm có hai ngày được xã hội tôn vinh (8-3 và 20-10). Tuy nhiên, nếu chỉ 2/365 ngày phụ nữ được tặng nhiều hoa, quà và những lời ngọt ngào thì con đường đi đến bình đẳng giới còn xa vời.

Bất bình đẳng giới là một rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ và gây thiệt hại to lớn cho xã hội do đã lãng phí nguồn lực nữ giới. Để phụ nữ có thể phát huy được hết tiềm năng của mình, trước hết nam giới cần nhận thức đúng về vai trò và vị trí, năng lực của phụ nữ trong gia đình và xã hội, từ đó công nhận khả năng của chị em và tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội công bằng với nam giới trong quá trình phát triển.

Trong gia đình, nam giới cần có trách nhiệm đối với việc nhà, chăm sóc con cái, động viên phụ nữ tham gia học tập, công tác và phấn đấu, theo đuổi công danh, sự nghiệp. Với phụ nữ, cần xóa bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, hãy tự tin sống và làm việc theo đúng năng lực của mình, phấn đấu theo ước mơ và khát vọng của bản thân, hãy là chính mình, đừng nên là chiếc bóng hay bệ đỡ cho nam giới.

Xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, các chính sách luật pháp cần có quan điểm giới, hạn chế những chính sách, phong trào thi đua gây bất lợi cho phụ nữ. Như phong trào phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong công nhân viên chức là một ví dụ.

Phong trào “hai giỏi” này không có quan điểm giới, tại sao chỉ phụ nữ mới phải “hai giỏi” còn nam giới thì không, mà còn định kiến giới, coi việc nhà là nhiệm vụ của phụ nữ?

Cần tránh những chính sách, phong trào loại bỏ sự tham gia của nam giới nhưng lại tăng thêm gánh nặng cho phụ nữ như phong trào “hai giỏi” đang làm. Vì như vậy chỉ tạo nên rào cản trên con đường phát triển của phụ nữ.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (ĐH KHXH&NV Hà Nội)

LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên