Ảnh: Duy Vương |
Nó như thể phụ nữ sinh ra chỉ là để phục vụ chồng con vậy.
Chắc không phải là ngẫu nhiên mà các mẫu quảng cáo xà phòng, mì tôm, dầu ăn, bột nêm trên truyền hình thường gắn với motip kịch bản người vợ, người mẹ trong gia đình tìm cách thể hiện tài năng phục vụ chồng con của mình.
Phụ nữ dường như đã chiếm vị trí độc tôn trong thứ “quyền lực mềm” rất đặc biệt của cuộc sống - quyền lực của yêu thương.
Sự so bì từ quảng cáo
Tôi nhớ có lần đọc đâu đó trên Facebook học trò một status đầy phẫn uất về chuyện các mẫu quảng cáo truyền hình cứ đặt người phụ nữ vào cái vị trí cứ phải loay hoay với những chuyện như tìm cách giặt sạch quần áo cho con, nấu tô mì ngon cho chồng,…
Và cô học trò của tôi, nhân danh một phụ nữ trẻ tuổi đầy cá tính và bản lĩnh, cho rằng điều ấy thật là xuẩn ngốc.
Một vài hãng quảng cáo có vẻ tìm cách để thể hiện một quan điểm bình đẳng giới rõ ràng hơn khi họ để trong kịch bản quảng cáo của mình ông chồng loay hoay với một thứ công việc gì đó được mặc định là vợ quen làm, chẳng hạn giặt đồ, nấu ăn cho con.
Rồi thì anh chồng ngờ nghệch thế nào cũng tìm cách cầu cứu vợ mình, hỏi một câu gì đó như thể thiểu năng để được vợ chỉ cho cách dùng xà phòng này, dầu ăn nọ, bột nêm kia để có thể làm được như vợ mình.
Tôi, nhân danh một người đàn ông, xem xong cũng tự ái chẳng kém cô học trò trên Facebook. Tôi có thể tự nấu một bữa ăn, tự giặt một đống quần áo sạch trơn mà không phải cầu cứu vợ một cách ngớ ngẩn như thế.
Nhưng có lẽ, ngớ ngẩn nhất chính là sự so bì phụ nữ - đàn ông trong những chuyện như thế. Sao không thử đặt tay lên trái tim mình, nhắm mắt lại rồi nhớ lại những gì bạn từng nhận được từ một người phụ nữ nào đó, cụ thể nhất là mẹ bạn.
Thông điệp hoa hồng
Tôi không viết điều này để nói về vợ mình. Tôi muốn nói về những nụ cười mãn nguyện mà những người phụ nữ có được nhờ họ đọc thấy sự biết ơn trong ánh mắt con trẻ dành cho mình.
Tôi muốn nói về sự ấm áp mà người phụ nữ có được trong một cái ôm chặt từ phía sau của người chồng - cử chỉ của yêu thương và trân trọng của người bạn đời.
Phụ nữ không nhất thiết phải bị trói buộc vào thứ công việc nội trợ bị xem là kém cỏi và tầm thường trong một xã hội hiện đại phát triển năng động và đầy hoa lệ. Nhưng phụ nữ cũng không nhất thiết phải chứng minh quyền tự do và bình đẳng của mình trong xã hội hiện đại bằng cách tự rời bỏ chức phận thiêng liêng của mình. Chăm sóc, yêu thương và quan tâm là một sứ mệnh của phụ nữ - sứ mệnh hoa hồng.
Tôi sẵn sàng tranh luận với bất kỳ ai đang nhân danh cuộc đấu tranh bình đẳng nam nữ để tuyên bố phụ nữ không cần phải thực hiện việc chăm sóc và phục vụ.
Nếu hôm nào bạn đang xem một mẫu quảng cáo nào đó có motip kịch bản người mẹ người vợ tự hào rạng rỡ vì đã giặt sạch một chiếc áo trắng cho con trai mình hay nấu được một tô mì ngon cho chồng mình, hãy chia sẻ với nụ cười rạng rỡ của họ, và hãy cổ vũ để họ hạnh phúc với điều đó. Xã hội hiện đại dạy ta rằng phụ nữ không sinh ra chỉ để phục vụ gia đình.
Nhưng cũng xã hội hiện đại dạy ta rằng, bạn chẳng có gì là sai cả nếu bạn yêu thương và chăm sóc người thân của mình. Không một mẫu quảng cáo nào đủ sức mạnh để làm ta tin vào một điều như phụ nữ phải luôn là người phục vụ trong gia đình. Nhưng bản năng thì có thể đem lại cho người phụ nữ một sứ mạng như thế.
Chiều nay, trước khi tôi viết bài này, tôi đến đón con trai mình ở trường, trong một buổi chiều mưa tầm tã. Người phụ nữ đậu trước xe tôi ở cổng trường, trong cơn mưa, đã cố hôn lên má con mình sau khi choàng cho cậu bé tấm áo mưa. Người phụ nữ thường vẫn trao những đóa hồng như thế của yêu thương và chăm sóc - đó là sứ mạng của họ.
Vì thế, phụ nữ không nên bị so sánh với đàn ông, dù chỉ là trên một mẫu quảng cáo.
Mời bạn đọc xem những hình ảnh mẹ và con:
Đọc sách cùng con - Ảnh: Quang Định |
Dẫn con đi chơi công viên - Ảnh: Quang Định |
Chụp ảnh cùng con ở phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: Quang Định |
Mẹ và bà tắm cho cháu - Ảnh: Quang Định |
Cùng con vượt đường ngập nước về nhà - Ảnh: Quang Định |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận