06/10/2012 08:22 GMT+7

Vì sao chỉ mở rộng một phần quốc lộ 1?

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Theo quy hoạch về giao thông vận tải TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quốc lộ 1 đoạn từ nút giao An Lạc (huyện Bình Chánh) đến thị trấn Bến Lức (Long An) có quy hoạch lộ giới 120m cho 10 làn xe cơ giới và 6 làn xe thô sơ lưu thông.

Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 đề xuất thi công trước tuyến đường dài 2,5 km từ đường Hưng Nhơn tại nút giao Tân Kiên và đoạn cuối tuyến là nút giao Bình Thuận (đường Nguyễn Văn Linh và đường nối vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, huyện Bình Chánh). Theo đó, đoạn đường được mở rộng mỗi bên 5m, có lộ giới 35m (lộ giới hiện nay từ 22-25m). Trong đó mặt đường rộng 27m cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, phần còn lại là vỉa hè.

Ông Nguyễn Xuân Bảng, giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4, chủ đầu tư dự án, cho biết:

- Nếu mở rộng 5m mỗi bên đường trên toàn tuyến quốc lộ 1 đoạn ở huyện Bình Chánh đến giáp ranh tỉnh Long An dài 8,2km thì kinh phí đầu tư lên đến 600 tỉ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tỉ lệ lớn). Trước đó HĐND TP.HCM đã thống nhất chấp thuận kinh phí cho dự án mở rộng quốc lộ 1 trong năm nay là 180 tỉ đồng. Khoản kinh phí này chỉ đủ đầu tư mở rộng quốc lộ 1 dài 2,5km.

* Liệu chỉ mở rộng quốc lộ 1 trên đoạn đường 2,5km có giải quyết được tình trạng giao thông ùn tắc tại khu vực này?

Hơn 190 căn nhà bị ảnh hưởng

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Bình Chánh vào tháng 4 năm nay, dự án mở rộng quốc lộ 1 từ nút giao với đường Võ Văn Kiệt đến nút giao với đường Nguyễn Văn Linh ảnh hưởng đến hơn 190 căn nhà và phải giải tỏa hơn 21.000m2 đất.

- Sở dĩ chọn đoạn đường 2,5km này làm trước vì đây là đoạn đường thắt nút cổ chai, lại có số lượng xe lưu thông nhiều nhất và thường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Đồng thời khi mặt đường được mở rộng, chúng tôi sẽ cho lắp đặt dải phân cách để tách làn đường ôtô và xe hai bánh ra riêng nhằm bảo đảm an toàn giao thông hơn so với hiện nay. Hơn nữa, khi xe lưu thông từ TP.HCM đến nút giao Bình Thuận rất thuận lợi khi chọn hướng tuyến đi vào đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương.

* Nhiều doanh nghiệp và chủ xe cho rằng tuyến quốc lộ này đã hạn chế xe lưu thông như vậy chẳng khác nào ép họ đi vào đường cao tốc để đóng phí?

- Hiện nay mật độ xe lưu thông trên quốc lộ 1 rất lớn, dễ gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Thực hiện quyết định của UBND TP, phải hạn chế ôtô tải lưu thông trên tuyến đường này trong một số giờ cao điểm (không hạn chế xe chở khách). Cụ thể, xe tải có trọng tải từ 2,5 tấn trở lên hoặc tổng trọng tải (có chở hàng) từ 5 tấn trở lên không được lưu thông vào buổi sáng từ 6g-9g và buổi chiều từ 16g-21g. Các loại xe tải có trọng tải dưới 2,5 tấn hoặc tổng trọng tải dưới 5 tấn không được lưu thông buổi sáng từ 6g-8g và buổi chiều từ 16g-20g.

Việc hạn chế xe tải lưu thông trong giờ cao điểm trên đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển lưu thông hàng hóa nên chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mở rộng quốc lộ 1. Theo đó, nếu các địa phương tiến hành đền bù giải tỏa xong trong năm nay, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 sẽ triển khai thi công và hoàn thành mở rộng tuyến đường dài 2,5km trong năm 2013. Tiếp đó, khu sẽ đề xuất cấp thẩm quyền cho thi công 5,7km còn lại của tuyến quốc lộ 1 trong năm 2014.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên