21/06/2020 13:37 GMT+7

Vị ngọt mặn của vùng đất Cà Mau

NGUYỄN HOÀNG BẢO
NGUYỄN HOÀNG BẢO

TTO - Những hình ảnh tuyệt đẹp vùng đất Cà Mau trong phim Đất Phương Nam, câu chuyện mộc mạc trong tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư, hay tiếng hát rao của cô bé bán kẹo "dìa Cà Mau là thấy thương em rồi!"... khiến tôi muốn khám phá vùng đất này.

Vị ngọt mặn của vùng đất Cà Mau - Ảnh 1.

Khu vực vuông của vườn chim Tư Na rộng 30ha với rất nhiều sản vật nước mặn - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG BẢO

Thiên nhiên và con người nơi đây cuốn hút tôi từ lần này đến lần khác. Mỗi lần ghé qua, tôi đều mang về vị ngọt mặn từ những câu chuyện thấm đẫm tình người ở vùng đất tận cùng Tổ quốc. 

Vị ngọt mặn từ thiên nhiên

Cà Mau ngộ lắm. Cái ngộ xuất phát từ đặc điểm địa lý của vùng đất này. Vùng đất cuối cùng bản đồ Việt Nam lại có hai hệ thống sinh thái ngập ngọt và ngập mặn, tạo cho Cà Mau hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng. Ở phía Bắc của tỉnh là khu rừng tràm U Minh Hạ, ngoài những loài động vật nước ngọt như cá đồng, rùa, rắn, lịch, có cả khu rừng tràm để ong về xây tổ.

Ở Cà Mau này có nhiều sân chim tự nhiên lắm. Ngay cả trung tâm thành phố cũng là nơi cư ngụ của hàng ngàn con chim cò. Chúng kêu inh ỏi một góc thành phố trong ánh hoàng hôn chạng vạng. Ở huyện Thới Bình, vườn cò Tư Sự có hàng chục loài chim quý hiếm sinh sống quanh năm. Phía Năm Căn, vườn chim Tư Na không ai không biết. Tất cả loài chim đều sinh sống trong môi trường tự nhiên tại những thửa vườn, thửa vuông của bà con nơi đây.

Vị ngọt mặn của vùng đất Cà Mau - Ảnh 2.

Môi trường sống tự nhiên cho các loài chim - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG BẢO

Rộng hơn 30 hecta, vuông của chú Tư với một góc rừng đước hơn chục năm tuổi thẳng tắp. Chứng kiến chú gỡ những tấm lưới nặng trĩu cá phi, tôi xuýt xoa thán phục. Chú cười và kể cho tôi nghe về mỗi lần xổ vuông vào mùa nước, hai tháng một lần: "Nhiêu đâu nhằm nhò gì bây. Cỡ 10 năm trước, bây về Nam Căn nghe vuông của Tư Na là biết liền. Mỗi lần xổ vuông là cả trăm ký cá phi, vài chục ký cá nâu, cá ngát, tôm, cua ê hề. Bây có tin con cua nặng đến một ký hai ký ba không? Ở vuông này, giờ chắc chỉ còn hơn 30 ký cá phi cho 4 tay lưới, không bõ bèn gì so với ngày xưa bây ơi".

Vị ngọt mặn của vùng đất Cà Mau - Ảnh 3.

Rừng tràm hàng chục năm tuổi thuộc vườn quốc gia U Minh Hạ và đặc sản cá đồng của nhà Bác Hai oét huyện Trần Văn Thời - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG BẢO

Thiên nhiên vùng đất này quả là ưu đãi, mỗi ngày người dân ra vuông nhà mình kéo vài mẻ lưới, giở vài lợp cua là có vài trăm ngàn đồng chi tiêu, không lo tới ngày mai. Vườn chim của chú Tư thỉnh thoảng cũng có khách viếng thăm, nhưng dần dà chú không chăm chút để phát triển. 

Nghĩ cũng tiếc nuối, tôi hỏi chú về những dự định phát triển nơi đây trở thành khu du lịch để du khách trở lại tham quan, trải nghiệm. Chú cười buồn bảo rằng chú muốn lắm, nhưng giờ già rồi không ai làm và quản lý. Tôi nghĩ giá như nơi đây được đầu tư bài bản theo tự nhiên, tạo thêm dịch vụ trải nghiệm để giới thiệu cho du khách thì còn gì bằng.

Vị ngọt mặn của vùng đất Cà Mau - Ảnh 4.

Đặc sản cá đồng của nhà bác Hai ở huyện Trần Văn Thời - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG BẢO

Gia đình chơn chất của bác Hai

Mùa khô năm nay quả là khốc liệt ở các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, khi suốt mấy tháng trời không có nổi một giọt mưa. Đất khô cằn, nứt nẻ như những tổ ong khổng lồ. Anh Trung, chủ một doanh nghiệp tôm giống ở Năm Căn, rủ tôi đến gia đình bác Hai tát đìa nằm ở huyện Trần Văn Thời. 

Trước mùa khô năm nay, ôtô con vẫn chạy được qua nhà chú nằm phía bên kia con kênh. Nhưng lần này anh em phải trung chuyển bằng xe máy bởi con đường bêtông tầm 2,5 mét dọc con kênh bị sạt lở nhiều. Những chiếc xáng cạp, vỏ lãi nằm chỏng chơ trên hai bờ kênh không còn giọt nước.

Hôm nay là ngày tụ tập của anh em, con cháu trong nhà cùng nhau tát đìa để bắt những con cá đồng trước khi mùa hạn kéo dài. Gia đình bác Hai có bảy người con, trong đó có năm người con là giáo viên, hai người còn lại làm kinh doanh trong các trại tôm giống ở các huyện trong tỉnh. Mấy chục năm qua, cuộc sống vẫn rộn ràng tiếng cười khi con cháu quây quần dịp tết nhứt, cúng cơm hay tát đìa bắt cá. Anh Trung xem gia đình bác Hai như người nhà vì yêu cái tính chơn chất, nhiệt tình của cô chú. Cũng chính bản tính ấy mà anh từ Nghệ An vào tận vùng đất Cà Mau định cư và lập nghiệp.

Buổi tát đìa kết thúc, hàng trăm ký cá đồng đủ loại, đủ kích cỡ được các cô con dâu, con gái trong nhà phân loại, sơ chế để bán cho lái hay dùng làm khô trữ ăn dần trong nhà. Những con cá "độc", "ngon" còn lại sẽ đem đi nướng trui rơm, nấu cháo ăn với rau đắng vườn. Một vài trái xoài xanh, mấy cái bắp chuối băm nhuyễn và cặp rắn nước nướng mọi được bày ra ở vườn chuối sau hè. Bác Hai gái mời tôi ly rượu nếp nhà nấu và luôn ngỏ lời xin lỗi, bởi ngại tôi ở Sài Gòn không quen ăn những món như thế này. Nhưng thật ra đối với tôi, đây mới là vị ngọt đậm đà trứ tuyệt từ những điều dân dã quê hương mà không nơi nào có được.

Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của: Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Saigontourist. Diễn đàn gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi Quê hương tôi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương. Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế đóng góp, các bài dự thi của độc giả cả nước từ nay đến 15-8. Bài dự thi xin gửi về: antuongvietnam@tuoitre.com.vn.

Xem thêm các bài dự thi tại đây.

Vị ngọt mặn của vùng đất Cà Mau - Ảnh 6.
Ở Lý Sơn, người ta dùng tình đón nhau Ở Lý Sơn, người ta dùng tình đón nhau

TTO - Tôi đến thăm Lý Sơn trong một ngày nắng rát da, biển mặn mòi màu mắt. Chỉ cần đặt chân đến cầu cảng, ta đã thấy tưởng như ngoài tầm với: Tổ quốc đẹp đến thế này chăng?


NGUYỄN HOÀNG BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên