08/08/2013 04:14 GMT+7

Vì luật chưa là chỗ dựa

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Ngày 2-8 vừa qua, lại thêm một vụ va quẹt xe nhẹ nhưng dẫn đến xô xát và làm chết một sinh viên. Dư luận lại thêm một lần đặt câu hỏi vì sao lại xảy ra những chuyện đau lòng này? TS Nguyễn Ngọc Điện đã gửi đến Tuổi Trẻ bài phân tích.

Va quẹt nhỏ, 5 thanh niên đánh chết người

O4VSQsLV.jpgPhóng to
Tài xế taxi và xe máy cự cãi khi va chạm nhẹ trên đường phố trung tâm Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Lại thêm một vụ va quẹt xe máy dẫn đến ẩu đả gây chết người xảy ra tuần qua. Vẫn kịch bản quen thuộc: cọ quẹt nhẹ, nhưng rồi lời qua tiếng lại bằng thứ ngôn ngữ đầy tính kích động làm cho những cái đầu nóng nhanh chóng bốc hỏa, thế là các bên lao tới ẩu đả rồi đoạt mạng nhau như những con thú điên...

Sự gia tăng những vụ xung đột nghiêm trọng bắt nguồn từ những va chạm rất vặt vãnh và thường gặp trong cuộc sống hằng ngày gây tâm lý bất an trong cộng đồng. Nó có thể khiến người ta ngại đi lại, giao tiếp, sợ bị vướng vào cuộc đôi co, đối đầu không mong đợi; thấy chuyện bất bình thì ngại can thiệp sợ vạ lây. Từ đó thói vô cảm, lạnh lùng phát sinh, tràn lan như một tất yếu.

Sự thật, nếu biết chắc rằng cánh cửa tự do sẽ đóng sập sau lưng và cuộc sống đen tối, thậm chí cái chết trong ô nhục, mang ý nghĩa hình phạt của xã hội chờ đợi mình ở phía trước thì chẳng ai tỉnh táo mà lại tự nguyện dấn thân vào cuộc chơi trí mạng đó. Những người trong cuộc có thể đều biết hoặc buộc phải biết rằng việc mình làm là trái luật, nhưng họ bất chấp, cứ làm rồi ra sao thì ra vì biết đâu chừng do luật pháp không nghiêm, bộ máy thực thi luật pháp không hữu hiệu, mình có thể thoát khỏi sự trừng trị.

Rốt cuộc chính sự thiếu tin tưởng vào sức mạnh của luật pháp, còn gọi là sự thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, là một trong những nguyên nhân chính của xu hướng tự xử bằng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn bùng phát trong thời gian gần đây. Nhưng muốn luật được tôn trọng thì phải làm nhiều việc.

Có một chân lý rất giản dị mà người làm luật phải hiểu: con người (người dân) không bao giờ tự giác hành động chống lại các lợi ích của mình. Một khi luật chứa đựng các quy tắc đi ngược so với nguyện vọng của người dân thì không thể có chuyện người dân tuân thủ các quy tắc ấy bằng tiếng gọi của trái tim. Luật tốt trước hết phải là luật phản ánh hiện thực cuộc sống và đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của nó.

Bởi vậy, người làm luật là phải thâm nhập đời sống xã hội, nắm bắt những trăn trở, mong muốn của người dân để từ đó đề ra những quy tắc thích hợp. Nên tránh kiểu làm luật quan liêu, chỉ dựa vào phân tích thông tin, số liệu bằng các phương pháp, công cụ duy lý, lạnh lùng. Chẳng hạn, thấy việc xử lý tai nạn giao thông bị bế tắc trong nhiều trường hợp do khó khăn trong việc truy tầm lai lịch chủ phương tiện thì ra quy định cấm đi xe không chính chủ, thấy người dân ăn thịt bị ngộ độc nhiều quá thì ra lệnh cấm bán thịt gia súc, gia cầm sau quá 8 tiếng từ lúc giết mổ. Những quy định như thế chỉ khiến luật bị giảm giá trị, chẳng khác trò đùa và có nguy cơ bị xã hội coi thường.

Có luật tốt chưa đủ, còn phải bảo đảm luật được thực thi. Trong xã hội thượng tôn luật pháp, chỉ có một hệ thống quy tắc pháp lý cho tất cả thành viên trong xã hội, không phân biệt người lãnh đạo quốc gia hay người dân thường, nam hay nữ, sang hay hèn... Mặt khác, pháp luật là chuẩn mực cao nhất và không thể bị lấn át bởi bất kỳ chuẩn mực nào khác của bất kỳ chủ thể nào khác trong việc chi phối hành vi xã hội của công dân. Không có chuyện quan làm sai thì xử theo lễ, dân làm sai thì xử theo luật, người có tiền đưa hối lộ thì xử nhẹ, người không tiền lót đường thì xử nặng. Nếu để cho luật bị quyền lực và đồng tiền dễ dàng bóp méo thì luật sẽ bị xếp xó và xã hội dễ rơi vào hỗn loạn.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên