13/12/2017 17:25 GMT+7

Vi khuẩn Helicobacter pylori gây loét dạ dày

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Không nên lo lắng quá khi nhiễm Helicobacter pylori vì vi khuẩn này có trong 92% bệnh nhân loét tá tràng và 65% bệnh nhân loét dạ dày.

Vi khuẩn Helicobacter pylori gây loét dạ dày - Ảnh 1.

Hiện nay nhiều người khi đi xét nghiệm xong, có kết quả nhiễm Helicobacter pylori là cho rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên bạn không nên lo lắng quá khi nhiễm H. pylori vì vi khuẩn Helicobacter pylori có trong 92% bệnh nhân loét tá tràng và 65% bệnh nhân loét dạ dày qua nhiều điều tra. Chúng ký sinh ở giữa lớp chất nhầy và lớp tế bào biểu mô niêm mạc dạ dày, tiết các chất gây hại các tế bào biểu mô niêm mạc và giảm độ quánh của lớp chất nhầy. Phần lớn chúng chỉ nhiễm trùng không triệu chứng và có thể tự đào thải sau một thời gian, một số ca có nhiễm gây viêm loét dạ dày tá tràng và một số khác gây rối loạn dạ dày ruột.

Các triệu chứng viêm dạ dày mạn do nhiễm H. pylori thường ít biểu hiện, có thể gặp đau bụng, chán ăn, buồn nôn và nôn. Nặng hơn có thể gặp các triệu chứng do biến chứng của viêm teo niêm mạc dạ dày do nhiễm H. pylori mạn tính như loét và ung thư dạ dày.

Một vấn đề nữa, cho thấy liệu chúng ta có nên điều trị tất cả trường hợp nhiễm vi khuẩn H. pylori hay không? Chắc chắn ai cũng từng trải qua kinh nghiệm đau dạ dày một lần trong cuộc đời. Xã hội càng phát triển, cuộc sống thêm phần căng thẳng thì đau dạ dày càng nhiều. Nếu lên mạng tìm từ "đau dạ dày" thế nào cũng sẽ bắt gặp từ "vi trùng H. pylori" đi kèm. Vậy vi trùng H. pylori là gì? Có phải đây là nguyên nhân chính gây đau dạ dày? Vi trùng H. pylori được hai bác sĩ Warren và Marshall người Úc tìm ra năm 1982 và được chính thức đặt tên H. pylori năm 1989. Việc phát hiện ra vi trùng H. pylori đã làm thay đổi quan niệm về loét dạ dày, bởi từ trước tới nay người ta cho loét dạ dày là do acid. Như vậy, vi trùng là một trong những tác nhân chính gây ra loét dạ dày và có thể dẫn đến ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, trong cuộc sống còn muôn vàn yếu tố khác ảnh hưởng đến dạ dày. Vệ sinh ăn uống, cuộc sống căng thẳng, một chầu nhậu quá độ… đều có thể làm cho dạ dày bạn lên tiếng. Một điều bất ngờ được đăng trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine nổi tiếng của Mỹ cho thấy việc điều trị vi trùng H. pylori ở những người đau dạ dày mà không có loét dạ dày khi nội soi chẳng mang lại lợi ích gì, bệnh nhân vẫn còn đau dạ dày dù đã diệt hết vi trùng H. pylori. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất của việc điều trị dạ dày chính là một chế độ sinh hoạt khoa học, giảm stress, tăng cường tập thể dục và vệ sinh ăn uống.

Nhiều người bị ám ảnh bởi quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh, họ nghe nói vi trùng H. pylori gây ung thư dạ dày nên khi khám sức khỏe tổng quát cố gắng tìm cho ra mình có bị nhiễm H. pylori hay không. Từ đó sa vào việc điều trị, dùng kháng sinh thật mạnh, thậm chí dùng cả tháng trời để diệt cho bằng được con vi trùng nguy hiểm này. Cách đơn giản thường được sử dụng để tìm H. pylori là thử máu, nhưng cách này chỉ cho biết bạn đã từng tiếp xúc với vi trùng H. pylori qua việc tìm kháng thể. Để xác định vi trùng còn hoạt động trong dạ dày, cần nội soi dạ dày, làm Clo test (Clo test là một xét nghiệm được thực hiện khi nội soi dạ dày. Kỹ thuật viên sẽ đưa một ống vào dạ dày và lấy một mẫu mô nhỏ nơi viêm hoặc loét để cho vào một lọ đựng thuốc thử Clo test và quan sát sự đổi màu của hoá chất. Clo test dương tính (+) khi thuốc thử chuyển sang sang màu hồng, chứng tỏ có sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày) hoặc làm test thổi bong bong để thử vi trùng. Tuy nhiên, cũng không nên bận tâm nhiều đến vi trùng khi mình không có triệu chúng đau dạ dày, vì không có một khuyến cáo nào của các tổ chức y khoa trên thế giới đề nghị khám tổng quát ở người bình thường để tìm và diệt vi trùng H. pylori nhằm phòng ngừa ung thư dạ dày.

Đau dạ dày gần như là một bệnh xã hội, căng thẳng trong công việc cũng đau dạ dày, một số người chờ đợi, lo lắng một việc gì đó cũng sẽ bị đau dạ dày. Để phân biệt đau dạ dày bệnh lý và đau dạ dày cơ năng, có nghĩa không phải do bị loét dạ dày, các bác sĩ thường đi tìm các triệu chứng báo động trong dau dạ dày. Khi bạn có các triệu chứng báo động như sụt cân, thiều máu, nôn mửa sau khi ăn, tiêu phân đen nhiều lần trong ngày, trên 40 tuổi có đau dạ dày kéo dài trên hai tuần… thì không nên xem thường, cần sớm đi gặp bác sĩ. Các triệu chứng này là chỉ định bạn cần được soi dạ dày.

Khi soi dạ dày, nếu có loét và có vi trùng H. Pylori, việc diệt H. pylori trong trường hợp này đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa loét dạ dày tái phát, ngừa ung thư dạ dày. Một điều khó xử cho bác sĩ hiện nay là có nhiều người điều trị H. pylori do quan điểm sai lầm nêu trên, nên khi thật sự cần điều trị thì vi trùng lại kháng thuốc. Lúc này, bác sĩ phải phối hợp nhiều kháng sinh, dùng liều cao, thời gian kéo dài (thường là hai tuần).

Khi điều trị H. pylori, bạn phải tuân thủ phác đồ điều trị và sau khi điều trị cần kiểm tra đề xác định đã hết vi trùng. Một sai lầm thường gặp khi thử lại vi trùng sau điều trị là người bệnh không ngưng thuốc đúng theo yêu cầu. Tất cả các xét nghiệm thử vi trùng đều yêu cầu phải ngưng dùng kháng sinh trước bốn tuần, thuốc ức chế acid trước hai tuần. Một sai lầm khác, nhất là ở những cơ sở không có nội soi hoặc xét nghiệm thử vi trùng bằng hơi thở, là kiểm tra lại vi trùng sau khi điều trị bằng xét nghiêm máu! Nếu xét nghiệm máu trong thời gian này sẽ cho kết quả dương tính cho dù bệnh nhân đã hết hay còn vi trùng vì đó là kháng thể của cơ thể chống lại vi trùng, không phải là vi trùng.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên