23/08/2010 06:38 GMT+7

Vedan, Vinamit, VietStar... rồi ai nữa?

 TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
 TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Vinamit bị bắt quả tang xả chất thải chưa xử lý vào nguồn nước công cộng theo cách giống như Vedan đã làm liên tục trong nhiều năm trước khi chuyện đổ bể. Ở một nơi khác không xa, VietStar bị phát hiện đã dùng chất thải rắn chưa xử lý như một thứ nguyên vật liệu làm đường nội bộ.

Đáng chú ý (và đáng buồn) là cả hai sự việc đều diễn ra giữa lúc nhà chức trách công và xã hội, cộng đồng đang nỗ lực buộc Vedan chịu trách nhiệm về hành vi hủy hoại môi trường ở lưu vực sông Thị Vải với thái độ rất quyết liệt và dứt khoát.

Nhiều người chưng hửng tự hỏi: không lẽ bài học nhãn tiền về một doanh nghiệp lớn bị xử phạt, bị kiện đòi bồi thường, bị lên án về mặt xã hội, đạo đức, thậm chí bị người tiêu dùng quay lưng, chẳng hề có tác dụng răn đe hay cảnh báo nào đối với những ai rắp tâm lấy môi trường sống làm nguồn lợi cho bản thân?

Giật mình, người ta nhận thấy rằng các nguồn nước, những cánh rừng, hệ động - thực vật, không khí, nói chung môi trường sống hay chung hơn nữa tất cả những gì mà toàn xã hội cùng nhau thụ hưởng đã và đang bị bòn rút, hủy hoại không ngơi nghỉ từ nhiều năm nay, với mức độ ngày càng trầm trọng.

Có lẽ đối với Vinamit, VietStar hay còn ai nữa có hành vi tương tự mà chưa bị phát hiện, tình cảnh xã hội, pháp lý hiện tại của Vedan chỉ là một sự cố ngẫu nhiên, một tai nạn với xác suất xảy ra không cao; họ không sợ và do đó điềm nhiên vi phạm pháp luật giữa lúc vụ Vedan vẫn đang nóng.

Phải thừa nhận rằng việc hoàn thiện các chế độ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên chưa đáp ứng được sự trông đợi của xã hội. Chưa nói đến kiểu làm luật thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp đã khiến nhiều giải pháp chỉ mang ý nghĩa lý thuyết suông, do điều kiện áp dụng tỏ ra phi thực tế. Quyền trừng phạt, gây sức ép của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp có hành vi trái pháp luật, trái đạo đức trong quá trình sản xuất, kinh doanh là một ví dụ tiêu biểu.

Trong vụ Vedan, thật ra người tiêu dùng không trực tiếp sử dụng quyền nói không của mình đối với các sản phẩm của doanh nghiệp, mà phải nhờ đến vai trò của các siêu thị. Bản thân động thái của các trung tâm phân phối cũng mang tính tự phát, riêng lẻ và còn mang đậm dấu ấn của tình cảm riêng hơn là dựa vào nhận thức pháp lý.

Cho đến nay hệ thống pháp lý chưa cho phép khai thác và huy động sức mạnh của cộng đồng kết hợp một cách có tổ chức và khoa học, hợp lý với sức mạnh của nhà chức trách công nhằm tạo thành một lực lượng thật sự áp đảo trong cuộc đấu tranh chống cái xấu, cái ác. Và như vậy khó mà chặn đứng các kiểu vi phạm như Vedan, Vinamit, VietStar... nếu không tập hợp được sức mạnh của cả xã hội.

 TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên