27/09/2018 10:31 GMT+7

Vé xe buýt: phát hành ít, thu về nhiều

ĐỨC PHÚ - QUANG KHẢI
ĐỨC PHÚ - QUANG KHẢI

TTO - Vé xe buýt thu về nhiều hơn vé phát hành nhưng vẫn được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) nghiệm thu, làm phát sinh nợ các hợp tác xã hơn chục tỉ đồng.

Vé xe buýt: phát hành ít, thu về nhiều - Ảnh 1.

Đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP vẫn nợ hàng tỉ đồng tiền vé tập xe buýt của xã viên giai đoạn 2011-2012 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự việc xảy ra nhiều năm nhưng vẫn chưa tìm ra "địa chỉ" trách nhiệm, khiến nhiều HTX lao đao, phải "gõ cửa" cầu cứu khắp nơi…

Nếu việc nghiệm thu không được siết chặt thì dòng tiền trợ giá từ ngân sách TP rót xuống có thể bị thất thoát và con số thống kê sản lượng hành khách đi xe buýt khó sát với thực tế.

Một chuyên gia giao thông tại TP.HCM

Khất nợ 7 năm!

Một xã viên xe buýt thuộc HTX Đông Nam (Q.2) cho biết giai đoạn 2011-2012 có các loại vé tập do Sở GTVT TP phát hành bán cho hành khách. Lúc lên xe, hành khách xé vé đưa cho tài xế và tiếp viên.

Từ số lượng vé khách đi thực tế, các xã viên nộp về Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP (nay đổi tên thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP) để được ngân sách TP chi trả tiền trợ giá.

Thời điểm đó, ngân sách TP chi trả trợ giá vé tập cho xe buýt 3.000-3.750 đồng/vé đối với hành khách phổ thông tùy vào quãng đường, 1.400 đồng/vé với học sinh, sinh viên.

Theo xã viên trên, điều ngạc nhiên là quá trình nghiệm thu vé từ HTX nộp về trung tâm chưa phát hiện vé không hợp lệ, đến khi tổng hợp lại mới thấy số lượng vé xe buýt thu về nhiều hơn so với con số phát hành.

"Sau đó, trung tâm nói là có khả năng vé giả lẫn trong vé thật đã được nghiệm thu nên khất nợ hàng loạt HTX. Riêng ở HTX Đông Nam, trung tâm còn nợ khoảng 843 triệu đồng" - xã viên này nói.

Xác nhận với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo HTX Đông Nam cho biết đúng là Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP vẫn đang nợ khoản tiền trợ giá cho vé tập của xã viên.

"Hiện vẫn chưa ai trả lời số lượng vé thu về dôi dư so với con số phát hành là vé giả hay vé thật. Mỗi lần đại hội HTX, bà con xã viên lại đòi khoản tiền này bởi đã nghiệm thu, ký xác nhận thì phải trả tiền cho xã viên" - vị này nói.

Còn một lãnh đạo Liên hiệp HTX vận tải TP cho biết hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP còn nợ các xã viên HTX này hơn 2 tỉ đồng tiền trợ giá vé tập.

"Nếu công tác nghiệm thu chặt chẽ hơn sẽ không đến nỗi nghiêm trọng và tồn đọng lượng vé khổng lồ đến như vậy" - vị này nói.

Lãnh đạo Liên hiệp HTX vận tải TP cho rằng lỗi này thuộc trách nhiệm của trung tâm, bởi chính họ làm công tác nghiệm thu vé thu về.

Đại diện các đơn vị xe buýt như: HTX Quyết Thắng, HTX 19-5, Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn (Sài Gòn Bus)... đều xác nhận với Tuổi Trẻ việc bị nợ tiền vé tập của xã viên giai đoạn 2011-2012.

Tiếp tục chờ…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP - cho biết số lượng vé tập ở giai đoạn 2011-2012 vẫn đang tồn đọng và đến nay vẫn chưa quyết toán cho các HTX.

Theo ông Trung, giai đoạn này thuộc nhiệm kỳ trước, lúc đó ông chưa về làm giám đốc trung tâm.

Theo ông Trung, nguyên nhân tồn đọng do sau khi nghiệm thu vé tập, trung tâm phát hiện chủng loại vé (vé sinh viên, học sinh; vé cho hành khách phổ thông - PV) có sự chênh lệch, không đúng với con số từng chủng loại vé lúc phát hành.

Ông Trung không nhớ rõ chính xác tổng số vé tồn đọng cần phải rà soát là bao nhiêu, nhưng lên đến mấy chục triệu vé.

Liệu có vé giả lẫn trong vé thật đã được nghiệm thu nên mới có sự chênh lệch? Trả lời câu hỏi này, ông Trung cho biết: "Hiện chưa thể kết luận các vé chênh lệch đó là thật hay giả. Việc này cần có cơ quan chức năng rà soát mới có kết luận chính xác".

Đánh giá về việc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP chỉ xác nhận chủng loại vé tập thu về không trùng khớp, nhiều lãnh đạo HTX cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở số lượng chủng loại.

Mấu chốt khiến vụ việc dây dưa tới nay chưa giải quyết xong là có sự chênh lệch lớn giữa số lượng vé được nghiệm thu so với lượng vé thực tế phát hành.

"Ví dụ như phát hành 100.000 vé, nhưng khi thu về tới 150.000 vé. Số vé thu về đã được nghiệm thu nên phần dư ra Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP không có tiền trả, khiến sự việc dây dưa tới nay.

Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ số lượng vé dôi dư là vé thật hay vé giả, tuồn từ đâu ra và ai phải chịu trách nhiệm việc này để nhanh chóng trả lại tiền cho xã viên" - một lãnh đạo HTX xe buýt nhấn mạnh.

1.000 tỉ đồng trợ giá xe buýt mỗi năm

Theo thống kê của Sở GTVT TP, hiện mạng lưới xe buýt có trợ giá tại TP có 103 tuyến với 2.500 xe. Trung bình mỗi ngày có 17.000 chuyến xe vận chuyển 650.000-700.000 hành khách.

Theo đó, kinh phí trợ giá hằng năm cho xe buýt ở mức 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP, mức kinh phí này trong điều kiện hiện nay là chưa đủ, nên năm 2018 sở đề xuất tăng thêm 300 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo Sở Tài chính TP, thống kê 6 tháng đầu năm 2018 sản lượng hành khách đi xe buýt thực tế chỉ 95,9 triệu lượt, chỉ đạt 32,6% so với kế hoạch và chỉ bằng 16% so với 6 tháng đầu năm 2017.

Vì vậy, việc đề xuất tăng tiền trợ giá xe buýt phải trên cơ sở đánh giá lại các luồng tuyến không hiệu quả nhằm sử dụng chặt chẽ ngân sách.

Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội: Thất thoát, lãng phí hàng chục tỉ đồng Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội: Thất thoát, lãng phí hàng chục tỉ đồng

TTO - Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc thực hiện dự án xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội, làm thất thoát, gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng.

ĐỨC PHÚ - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên