15/04/2019 06:58 GMT+7

Về vườn để học sống thuận theo tự nhiên

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Ở đó có mảnh vườn nồng nàn mùi vị những ngày xưa cũ. Nơi một lần đến là thương nhớ đồng quê và muốn về lại với thiên nhiên...

Về vườn để học sống thuận theo tự nhiên - Ảnh 1.

Sinh viên làm quen với cây cỏ tự nhiên - Ảnh TỰ TRUNG

Sài Gòn ngày nắng. Nhớ nồi nước gội đầu hương đồng gió nội, thèm tô canh tập tàng nấu tép sông, thèm ngụm trà cỏ chát uống xong ngọt vương đầu lưỡi. Vậy là leo lên xe qua hàng đoàn xe tải, xuôi đường Nguyễn Chí Công về Bình Trưng Đông, quận 2.

Nơi cỏ có quyền mọc

Đó là một chủ nhật khác với mọi chủ nhật bình thường, khi mới 6h sáng cô sinh viên Nguyễn Thị Thùy Trang, Trường ĐH Tài nguyên và môi trường, đã thôi ngủ nướng. Để đúng 7h, cô đã xăng xái vun xới đất, quệt mồ hôi trên gương mặt ửng hồng nắng sớm. 

Trang cười kể: "Hôm qua bạn rủ sáng lên vườn chơi, em nghĩ chắc cũng như mấy chuyến picnic ngoại thành, kiếm hoa lá, chụp hình đăng Facebook. Đâu dè đến đây không phải chơi mà để làm nông dân thực thụ".

Gần bên, Lê Nữ Hồng Phương, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đang "thu hoạch" cỏ mần trầu và hoa đậu biếc nấu nước gội đầu. Ở khu vườn này, cỏ cũng được đối xử bình đẳng như bao loại khác, cũng có quyền nảy lộc, uống sương mai, đón nắng sớm, sống chan hòa giữa những luống hoa, vồng rau phủ xanh mặt đất.

"Chỉ riêng giai đoạn đầu, khi rau còn nhỏ tôi mới dọn cỏ để thu vén đủ khoảng trống cho rau bắt rễ. Đến khi rau đủ khả năng 'tự lập' thì cũng thôi can thiệp nhiều. Đến khu vườn này, bạn học được cách ứng xử công bằng với cỏ cây. Chúng có thể sống cạnh nhau, chỉ cần cỏ không lấn hết đất sống của rau. Tự nhiên có lý lẽ riêng của nó" - cô chủ vườn Đinh Thị Thu Hà chia sẻ...

Về vườn để học sống thuận theo tự nhiên - Ảnh 2.

Cô Hà hướng dẫn sinh viên trồng rau - Ảnh TỰ TRUNG

Cỏ, hoa thu hoạch xong được các bạn ôm đến cho nhóm nấu nước gội đầu. Bếp lửa dã chiến đã nhóm xong. Bạn trai thêm củi. Bạn gái bỏ vào nồi từng nắm hương nhu, vỏ quýt, vỏ bưởi, bồ kết, sả, đậu biếc, lá vối, bồ hòn... Tất cả đều là sản vật của vườn, kể cả mớ củi tạp đun bếp cũng của vườn.

Ở đây, dấu tích nông nghiệp hiện đại hoàn toàn vắng bóng, không có thuốc diệt cỏ, trừ sâu, phân hóa học. Giữa quận đô thị hóa mạnh mẽ, mở cổng vườn bước ra là đại lộ xe lao ầm ầm, nhưng ở trong khu vườn ấy, chim vẫn hót, hoa vẫn nở, sóc vẫn trèo cây. Dưới mương nở đầy hoa súng, cá bơi lội...

Vừa nhặt rau, Hoài Minh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế, giải thích triết lý "ăn thế nào là đủ" mà bạn vừa ngộ khi đến vườn: "Miếng ăn tự nhiên mang đến, muôn loài phải sẻ chia. Đất mẹ đâu chỉ nuôi loài người. Con sâu cố lắm cũng chỉ ăn hết 30%, còn lại phần chúng ta 70% cũng đủ. Nhất định muốn ăn hết 100% rồi phun thuốc diệt hết sâu bọ thì cũng đồng nghĩa tự chuốc thuốc độc cho mình".

Mình chưa tốn xu nào mua phân. Vườn được nuôi dưỡng từ rác, nên rác ở đây quý lắm. Rác tại chỗ được phân loại kỹ càng, rồi còn đi xin thêm rác nơi khác về, như bã mía ủ đất.

Cô Đinh Thị Thu Hà

Rác cũng là kho báu

Cô chủ vườn Thu Hà xòe bàn tay lấm lem đất cát. Ngày hưu trí, cô gọi bạn bè đến tặng hết áo quần, giày dép, mỹ phẩm. Mặt mộc, chân trần, cô về vườn làm nông dân... 

Dân trí thức quen cầm bút, lại sống giữa đô thị lớn nhất nước mà muốn làm vườn thuần tự nhiên thật không dễ. May sao, cô Hà tìm được những người bạn ủng hộ mình. 

Cất nhà giữ vườn, cô không muốn bêtông hóa nên tìm thợ dựng nhà bằng cốt tre, cừ tràm rồi tự tay đan phên tre. Bùn trét vách được làm bằng đất sét nhào trộn rơm. Mái nhà lợp lá dừa nước, nền giậm đất sét...

Cải tạo vườn từ đất nhiễm phèn nặng bỏ hoang, lại không muốn dùng phân hóa học, cô Hà học cách ủ rác làm phân hữu cơ. May có người bạn thiết kế tặng vườn máy xử lý rác hữu cơ thành phân hữu cơ. Vậy là hễ người ăn món gì, đất được ăn món đó, từ thịt, cá, tôm, rau, cà phê, vỏ chuối, trứng, ...

Được bồi dưỡng, đất phèn cũng có ngày cho trái ngọt. Rau trong vườn xanh mướt. Đến bụi cỏ đắng chát cũng hóa ngọt ngào. Khách đến vườn khát nước có thể nhổ ngay bụi cỏ xanh tốt, giũ sạch đất, bỏ vô bình, châm nước nóng - vậy là có ấm trà thảo mộc mát lành.

Về vườn để học sống thuận theo tự nhiên - Ảnh 4.

Cô Hà giúp bạn trẻ nhen bếp lửa quê nấu nước gội đầu - Ảnh TỰ TRUNG

Phương châm đón khách của vườn cũng rất lạ. Không mục tiêu lợi nhuận, cô Hà chỉ muốn chia sẻ "mảnh vườn quê" của mình với các bạn trẻ để nhen nhóm tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường, cách làm nông nghiệp an toàn, bền vững.

"Nhiều nơi liên hệ đưa khách đến nhưng tôi từ chối. Vườn không phải là nơi thu phí, cho khách chụp hình tự sướng. Tôi quan niệm xuống vườn là phải thực sự cùng làm vườn, muốn hái một ngọn rau thì hãy trồng thêm một cây rau. Hãy thật sự sống với vườn, nâng niu từng nhành cây ngọn cỏ để rút ra cho mình điều gì đó khi quay về" - cô Hà tâm huyết nói. 

Không chỉ sinh viên, học sinh mà vườn còn đón cả những bé mầm non 3-4 tuổi. Các bé được quan sát cây, học trồng rau, học cách làm nước rửa chén bằng vỏ trái cây rồi mang về tặng mẹ.

Cô Hà tâm sự, với đà đô thị hóa này, sớm muộn cũng đến ngày khu vườn bị đẩy khỏi vùng đất vàng quận 2. Có lẽ cô phải tìm một mảnh vườn khác hẻo lánh, xa xôi hơn. 

Nhưng cô tin từ cảm hứng khu vườn này, mỗi bạn trẻ sẽ nuôi cho mình một khoảng xanh trong lòng. Rồi ngày nào đó, tự tay các bạn sẽ góp phần giúp cuộc sống này có thêm nhiều khu vườn xanh trong lành từ chính tâm hồn mình đến bụi cỏ, luống rau...

Khu vườn truyền cảm hứng sống xanh

Bạn Nguyễn Vũ Luân - điều phối trưởng mạng lưới 2030 Youth Force, người từng đến vườn rồi mê vườn, tình nguyện làm cầu nối cho nhiều nhóm bạn khác đến - tiết lộ: "Mỗi lần xuống vườn, bọn mình xác định là để làm nông. Tự nhóm bếp nấu cơm, hái rau nấu canh, cùng ăn với cô Hà bữa cơm ngay tại vườn. Bọn mình vẫn gọi nơi này là khu vườn truyền cảm hứng sống xanh".

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên