16/01/2025 08:28 GMT+7

Về Tết qua nút An Phú, đi sao để tránh kẹt xe?

Tết Nguyên đán 2025 đang cận kề, nhiều người dân tại TP.HCM bắt đầu lên kế hoạch về quê. Một trong những điểm nóng giao thông cần chú ý là nút giao An Phú, nơi thường xuyên ùn tắc vào các dịp cao điểm lễ Tết.

Về Tết qua nút An Phú, đi sao để tránh được kẹt xe? - Ảnh 1.

Ùn ứ giao thông ở đường dẫn cao tốc ra nút giao An Phú chiều 15-1 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nút giao An Phú (TP Thủ Đức) là điểm kết nối quan trọng giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của. Đây là tuyến huyết mạch để đi từ TP.HCM ra các tỉnh miền Đông và ngược lại.

Tuy nhiên, lượng xe tăng cao vào dịp Tết, cộng thêm các hoạt động chở hàng hóa và đi lại khiến khu vực này dễ xảy ra kẹt xe, đặc biệt vào những ngày sát Tết.

Tránh đi giờ cao điểm

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ thời gian qua và gợi ý từ các đơn vị liên quan, để hạn chế việc kẹt xe qua nút giao An Phú, người dân cần chủ động theo dõi tình hình hình giao thông qua ứng dụng camera giao thông, VOV Giao thông hay Google Maps để chọn thời gian và lộ trình phù hợp.

Ví dụ, có thể đi sớm hoặc muộn hơn khung giờ cao điểm (thời điểm ít xe - PV). Thời gian cao điểm kẹt xe tại nút giao An Phú thường rơi vào khoảng 6h-9h và 16h-20h trong các ngày cận Tết.

Lựa chọn đường đi thay thế: Hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu đi từ trung tâm thành phố, thay vì qua nút giao An Phú, người dân có thể đi theo hướng cầu Phú Mỹ, sau đó vào đường Võ Chí Công để kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Bên cạnh đó, có thể qua đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội), rẽ vào đường Nguyễn Xiển và tiếp tục theo hướng đường Nguyễn Duy Trinh để vào cao tốc. Hoặc đi phà Cát Lái ra Nhơn Trạch, Đồng Nai hay đi thẳng xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) cho biết nút giao An Phú là dự án trọng điểm và phải xây dựng liên tục ngay cả dịp lễ, Tết nên không thể bỏ rào chắn. Tuy nhiên, khi rào chắn chiếm dụng bao nhiêu thì đơn vị sẽ cố gắng mở rộng vỉa hè, thu gọn tiểu đảo bấy nhiêu để bù lại diện tích.

Theo kế hoạch, đường Lương Định Của (đoạn từ đường Trần Não đến Nguyễn Hoàng) cơ bản xong trước Tết Nguyên đán. Đoạn còn lại từ Nguyễn Hoàng ra nút giao An Phú mới được bàn giao mặt bằng cuối tháng 10 nên vẫn phải làm thêm vài tháng nữa mới xong. 

Tuy nhiên, việc hoàn thành mở rộng được phần lớn tuyến này cũng giúp giảm ùn ứ cho khu vực.

Ban Giao thông vẫn sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hướng dẫn người dân giãn bớt về các lối đi thông thoáng hơn như đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, quốc lộ 1… linh hoạt theo các khung giờ.

Về Tết qua nút An Phú, đi sao để tránh được kẹt xe? - Ảnh 2.

Nút giao An Phú đang được xây dựng - Ảnh: CHÂU TUẤN

Lên kịch bản điều tiết giao thông An Phú

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết các đơn vị liên quan được tăng cường theo dõi, kịp thời phân luồng, chỉnh đèn giao thông linh hoạt (các kịch bản khác nhau) không để xảy ra ùn tắc kéo dài. Nhất là đối với các nút giao đang xây dựng như An Phú.

Tổ chức giao thông tạm thời cho một số xe vào khu vực nội thành, đảm bảo việc chở hàng phục vụ Tết được liên tục. Nếu xảy ra sự cố, lập tức thông tin trên các ứng dụng, nhóm phản ứng nhanh để cử người đến xử lý và cũng để người dân chú ý, chọn thời gian, đường đi phù hợp.

Đặc biệt, đề nghị Cục Cảnh sát giao thông kịp thời hỗ trợ thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho Công an TP.HCM và Sở Giao thông vận tải để phối hợp điều tiết, phân luồng từ xa, tránh gây ùn tắc cục bộ.

Sở Giao thông vận tải cũng đưa ra một số lộ trình đi từ TP.HCM về các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên (và ngược lại) để người dân linh hoạt lựa chọn, hạn chế xe dồn vào khu vực nút giao An Phú và những tuyến đường lân cận.

Từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên: Lộ trình 1 (tất cả các xe), bến xe Miền Đông - quốc lộ 13 - quốc lộ 14 (hoặc ĐT 741).

Lộ trình 2, quốc lộ 13 - Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1, TP Thủ Đức (đường Lê Khả Phiêu) - quốc lộ 1 - cầu Đồng Nai - cầu vượt ngã ba Vũng Tàu - quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) - quốc lộ 20. Hoặc bến xe Miền Đông mới - quốc lộ 1 - cầu Đồng Nai - cầu vượt ngã ba Vũng Tàu - quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) - quốc lộ 20.

Lộ trình 3 (ô tô), quốc lộ 13 - Phạm Văn Đồng - Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn - Võ Nguyên Giáp - Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) - quốc lộ 20.

Lộ trình từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên về TP.HCM: Lộ trình 1 (các loại xe), quốc lộ 14 (hoặc ĐT741) - quốc lộ 13 - bến xe Miền Đông.

Lộ trình 2, quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) - cầu vượt ngã ba Vũng Tàu - cầu Đồng Nai - quốc lộ 1 - Lê Khả Phiêu - quốc lộ 13 - bến xe Miền Đông. Hoặc quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) - cầu vượt ngã ba Vũng Tàu - cầu Đồng Nai - quốc lộ 1 - bến xe Miền Đông mới.

Lộ trình 3 (ô tô), quốc lộ 20 - quốc lộ 1 - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - quốc lộ 51 - ngã ba Vũng Tàu - cầu Đồng Nai - quốc lộ 1 - bến xe Miền Đông mới. Lộ trình 4 (ô ô), quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - đường dẫn cao tốc - Mai Chí Thọ - cầu vượt Cát Lái - đường Võ Nguyên Giáp - cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - bến xe Miền Đông.

Về Tết qua nút An Phú, đi sao để tránh được kẹt xe? - Ảnh 3.Nút giao An Phú đông nghịt chiều cuối năm, đường dẫn cao tốc ùn 4km

Chiều cuối năm 31-12, nút giao An Phú (TP.HCM) đông nghịt xe cộ. Dòng xe nối dài gần 4km từ đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến giao thông khu vực này trở nên căng thẳng hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên