Các bạn nhỏ về quê chơi tắm mưa - Ảnh: K.ANH |
Đó là lý do nhiều gia đình trẻ tại TP.HCM đưa con về quê trong hè này.
“Em thích nhất được ba mẹ cho về quê dịp hè, cùng chơi với các anh chị, em họ và mấy đứa bạn hàng xóm. Tụi em chơi trốn tìm, nấu chè dừa nước, đi câu cá hoặc tắm mưa cũng rất vui”, bạn Nguyễn Tường Vy (14 tuổi) chia sẻ.
Những thú vui dân dã
Trên chuyến phà qua bến đò Bà Nhờ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nhóm bạn Hồng Duyên, Ngọc Trâm, Như Mai và cu Bo chỉ trỏ đám lục bình đang trôi cùng đàn cá quẫy đuôi men theo chuyến phà.
Mẹ của Bo cho biết nhờ những chuyến về quê mà Bo đã làm bài văn tả cảnh quê ngoại khác xa so với những gì bài văn mẫu viết.
Trong trí nhớ của Bo: “Đường về quê ngoại phải đi qua chuyến phà, rồi ngang qua một con sông lớn. Những áng lục bình trôi gợi cho em cảm giác yên bình...”.
Hè này, đám nhỏ lại tung tăng dẫn nhau ra con rạch sát mé nhà để lội sình “một bữa cho đã”. “Đố ai bắt được ốc dưới kênh” - cậu bé Chung, vốn là “dân bản địa”, đưa ra lời thách đố đám em họ ngay sau khi cả đám ùa xuống làn nước.
Ngụp lặn một hồi, cu Bo và Hồng Duyên trồi lên, tay giơ cao nhánh lục bình có chú ốc bám vào, hò reo: bắt được ốc rồi nè. Hết đi bơi, nhóm bạn xách xô, cần câu ra con rạch câu cá.
“Cảm giác đặt chân xuống sình thấy nhão nhão và ghê ghê nhưng lội một hồi con thấy cũng không sao” - bé Hồng Duyên nhún vai.
Đám trẻ con trong xóm kéo nhau đến nhà anh Đặng Văn Ba (xã Thanh Vĩnh Đông, Châu Thành, Long An) rủ mấy đứa bạn từ TP mới về đi câu cá.
Đứa xách xô, đứa cầm cần câu, bịch mồi rồi hăm hở chạy về phía cây cầu khỉ để vào con rạch gần nhà câu cá.
Đi cầu khỉ chẳng là gì với đám trẻ ở quê nhưng với ba cô cậu trên TP mới xuống quả thật là thử thách.
Ngọc Trâm (13 tuổi) thở phào khi vừa hoàn thành đoạn đường: “Con tưởng lúc nãy rớt xuống nước, cá rỉa mất tiêu rồi. Nhưng khi qua được cầu khỉ thấy bớt sợ hẳn”.
Cả đám nhóc lao xao trong bụi chuối trốn nắng ngồi đợi cần câu rung lên để kéo. Mấy con cá bống dừa cắn câu trong tiếng reo vang trời của các bạn nhỏ.
Những trò chơi dân gian nhảy dây, ô ăn quan cũng được bày ra. Trời mưa lớn, ba chị em họ gồm Ngọc Trâm, Tường Vy và Ngọc Mai ùa ra khoảng sân trước nhà tắm mưa.
Mỗi đứa một chiếc xô nhựa hứng nước từ máng xối trên mái đổ xuống rồi đuổi nhau tạt nước trong tràng cười sảng khoái.
“Ở TP tụi con không bao giờ được tắm mưa vì chạy ra đường nguy hiểm lắm. Còn ở quê thì tha hồ, đùa giỡn vui quá chừng” - Ngọc Mai bộc bạch.
Về quê đi câu cá là thú vui mà những đứa trẻ đô thị rất thích - Ảnh: K.ANH |
Giúp con thêm vốn sống
Dù bận rộn với công việc buôn bán nhưng chị Đặng Thị Thu Thủy (Q.Bình Tân) luôn tranh thủ dẫn hai con về quê, không chỉ để con vui chơi mà còn biết đến họ hàng.
Chị nói: “Trên đường về, tôi hướng dẫn con quan sát dòng sông, đám ruộng xanh um, chú bò lững thững gặm cỏ... để con có thêm vốn sống thực tế. Con về quê không chỉ chơi mà quan trọng hơn là được thăm ông bà ngoại, cô dì, chú bác. Cho mấy đứa nhỏ chơi với anh chị em họ hàng cũng là cách gắn kết tình thân”.
Cũng như chị Thủy, chị Nguyễn Thị Nguyên (P.Tân Kiểng, Q.7) tâm sự: “Hè nào gia đình tôi cũng đưa sắp nhỏ về quê để các con được trải nghiệm, biết thêm những điều mà ở TP không có, như con trâu, con bò khác nhau thế nào chứ trên đó chỉ được nhìn qua tranh ảnh thôi”.
Chị cũng nói muốn dịp này dạy con nhớ về cội nguồn, biết anh em, họ hàng và cuộc sống ở miền quê.
Về quê mùa hè luôn bổ ích với những đứa trẻ thành thị, giúp các em tránh xa những thiết bị điện tử vốn quen thuộc hằng ngày, để hít thở bầu không khí trong lành của cỏ cây, đồng ruộng.
Giữ truyền thống gia đình Anh Huỳnh Văn Toàn, trưởng khoa kỹ năng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, cho rằng các gia đình trẻ ở TP nếu có người thân bên nội, ngoại ở quê nên dẫn con về thăm ông bà, họ hàng vào dịp hè, thậm chí cho con trải nghiệm những ngày sống ở làng quê để lưu giữ những ký ức đẹp. Anh Toàn cho rằng để con cái tương tác với ông bà, cô dì, chú bác, anh em họ hàng là điều hết sức cần thiết. Cha mẹ nên sắp xếp thực hiện việc này vào dịp hè, đừng bỏ qua vì đây là cách để con nhớ đến cội nguồn, giữ gìn giá trị truyền thống. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận