Mọi người tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận và Trường Dục Thanh trong hành trình “Làm theo lời Bác” - Ảnh: K.ANH
Hành trình không chỉ đưa mọi người về với những hồi ức và những câu chuyện kể về người thầy Nguyễn Tất Thành. Ở đó còn là dịp chia sẻ những bài học yêu thương mà các thầy cô, cán bộ Chữ thập đỏ hằng ngày dạy cho các học sinh biết sống chia sẻ, yêu thương...
“Với thông điệp “Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi”, hoạt động nhân đạo được khối trường học thực hiện không chỉ là việc quyên góp giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn, mà ở đó còn ẩn chứa những bài học về tình yêu thương giữa người với người.
Chị Đặng Trần Nguyên Thảo (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Hun đúc tinh thần phục vụ
Cả đoàn đã được thuyết minh viên kể lại những ngày thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học trò tại ngôi Trường Dục Thanh bên dòng sông Cà Ty. Từ ngôi trường này đã hun đúc nên nhiều nhân sĩ, trí thức phục vụ sự phát triển của đất nước.
Trong khu di tích Trường Dục Thanh vẫn còn lưu giữ nhiều dụng cụ gần gũi, mộc mạc và đầy xúc động gắn với quãng thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở đây. Những bài giảng của thầy Thành luôn khiến học sinh rất thích thú.
Và giờ đây, bên dòng Cà Ty lại có thêm khu Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận với nhiều kỷ vật gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh.
Cô Phan Thị Thu Trang, hiệu trưởng Trường tiểu học Trương Văn Hải, cho biết: "Việc triển khai cho thầy cô giáo và học trò toàn trường tham gia "Học và làm theo lời Bác" một cách nhẹ nhàng. Với các thầy cô, việc nêu gương là cần thiết nhất, còn với học trò chính là việc các em thực hiện tốt "Năm điều Bác Hồ dạy".
Những bài học về tình yêu thương, tính tiết kiệm, lối sống đẹp... đều được thầy cô hướng dẫn cho các em thực hiện, thông qua những hoạt động như phong trào "kế hoạch nhỏ", tiết kiệm quà sáng hay thu gom phế liệu, giấy vụn gây quỹ tặng học bổng cho những bạn khó khăn trong trường; hay những đợt bão lũ thiên tai, cả trường lại cùng quyên góp để gửi những cuốn tập trắng, dụng cụ học sinh, quần áo... đến với các bạn học trò ở vùng thiệt hại do thiên tai gây ra".
Cả gia đình cùng chia sẻ
Trong năm học vừa qua, các học sinh của Trường tiểu học Trương Văn Hải đã đóng góp hỗ trợ viện phí cho một học sinh lớp 3 mắc bệnh hiểm nghèo. "Các em không chỉ đóng góp bằng tiền tiết kiệm, có em về nhà còn vận động cả gia đình cùng chia sẻ với bạn bè khó khăn. Khi trường vận động giúp bạn học sinh mắc bệnh hiểm nghèo, hàng chục triệu đồng đã được gửi chia sẻ với gia đình của em" - cô Trang cho hay.
Theo cô Trang, trong từng hoạt động, mỗi bài học đều rất cần phải cụ thể, dễ thực hiện, để những điều Bác Hồ dạy các em không chỉ thuộc lòng mà còn thực hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày.
Cô Lê Thị Ngọc Oanh, nhân viên y tế phụ trách công tác chữ thập đỏ Trường THCS Linh Trung, dành thời gian tìm hiểu từng hoàn cảnh các em học sinh trong trường. Biết em nào khó, cô vận động để em được tặng bảo hiểm y tế hoặc có thêm những nguồn hỗ trợ học bổng cho em theo đuổi ước mơ đến trường.
"Tôi ấn tượng hoài với một cậu học sinh chỉ ở một mình trong căn phòng trọ khi mà cha mẹ em chia tay nhau, hằng tháng cha mẹ em gửi tiền cho em và tất cả chỉ một mình em xoay trở, chúng tôi đã vận động học sinh chia sẻ khó khăn với em" - cô Oanh tâm sự.
Gợi mở ý tưởng
Cô hiệu trưởng Thu Trang còn là tác giả mô hình "Góc đọc sách" trong mỗi lớp học. Từ ngày về làm hiệu trưởng của trường, cô đã gợi mở ý tưởng để mỗi lớp tự trang trí một góc đọc sách ngay trong lớp. Các học sinh có thể lên thư viện mang sách về hoặc tự các em trao đổi sách để các bạn trong lớp cùng đọc.
"Mỗi lớp đều có góc đọc sách, các em sẽ dễ tiếp cận với sách và như thế chúng ta đã giúp các em có thêm văn hóa đọc ngay từ lứa tuổi tiểu học, điều đó rất cần thiết cho các em" - cô Trang cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận