Diễn viên Ngọc Đợi đoạt giải Trần Hữu Trang năm 2012 - giải thưởng tiền thân của cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020 - Ảnh: LINH ĐOAN
Đầu tháng 8-2020, vòng sơ tuyển cuộc thi sẽ khởi động các đêm thi tại ba địa điểm: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát cải lương Việt Nam (Hà Nội) và Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ).
Công nhận tài năng ở mọi sở trường
Cuộc thi dành cho tất cả nghệ sĩ chuyên nghiệp trong các đoàn công lập cũng như xã hội hóa trên phạm vi toàn quốc. Nói như NSND Giang Mạnh Hà, thành viên ban tổ chức: "Đây là cuộc thi đầu tiên không quan tâm độ tuổi. Nghệ sĩ dù đã... về hưu nếu còn nhiệt huyết, còn khả năng biểu diễn đều có thể tham gia!".
Những năm gần đây, các cuộc thi gần như chỉ là cuộc chơi cho các đào - kép chánh, 80 - 90% khả năng đào - kép chánh trong một vở diễn sẽ dễ dàng đoạt được huy chương. Thế nhưng một vở diễn cải lương không chỉ có đào - kép chánh mà còn rất nhiều thành phần, dạng vai khác tạo nên sự thành công cho vở diễn.
Việc ban tổ chức phân loại rõ ràng trong hạng mục huy chương với cơ cấu kép mùi - đào mùi, kép độc - đào lẳng, kép lão - đào mụ, kép hài - đào hài khiến nhiều người vui mừng vì đây là động thái không bỏ sót, có sự đánh giá, ghi nhận tài năng kịp thời.
Soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ: "Tôi nhớ trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, anh Vũ Đức từng đoạt huy chương vàng (HCV) với vai hài, anh Diệp Lang với một vai lão bình thường nhưng qua khả năng sáng tạo của anh đã khiến hội đồng phải trao HCV. Nhưng những năm sau này, gần như chỉ đào - kép chánh mới có cơ hội đoạt HCV.
Nếu cứ chấm kiểu đó, chúng ta sẽ bỏ sót những dạng vai cực kỳ quan trọng trong cải lương như độc, hài, lẳng, mụ... Nên theo tôi, cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang sẽ giải tỏa áp lực, ức chế cho những nghệ sĩ không phải đào - kép chánh".
Mong đợi một giải thưởng thực chất
Dự kiến 30 huy chương sẽ được trao, trong đó có 10 HCV, mỗi HCV trị giá 20 triệu đồng và 20 huy chương bạc, mỗi huy chương bạc trị giá 10 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Giang Mạnh Hà, không nhất thiết phải trao hết 30 huy chương, nếu mảng nào không có thí sinh xuất sắc thì chấp nhận không trao huy chương.
Ông Trần Ngọc Giàu cho hay để giải thưởng nâng tầm quốc gia (so với giải Trần Hữu Trang trước đây chỉ do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức), Sở VH-TT TP.HCM và các đơn vị liên quan đã phải tích cực làm việc trong 2 năm với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL).
Việc nâng tầm giúp huy chương các nghệ sĩ đạt được có giá trị quốc gia, là cơ sở xem xét cho những đợt xét danh hiệu NSND, NSƯT cả nước. Tuy nhiên, đạo diễn Trần Minh Ngọc không muốn cuộc thi trở thành cuộc chạy đua huy chương mà phải là cuộc thi tài năng, chuyên nghiệp thực thụ, có sự gạn đục khơi trong. Vì vậy, vấn đề đặt ra về một giải thưởng trung thực, không tiêu cực được nhiều người mong mỏi.
Cũng tại buổi họp báo về cuộc thi diễn ra sáng 12-6, bà Thanh Thúy - phó giám đốc sở - khẳng định ban tổ chức có xây dựng hẳn quy chế hoạt động của ban giám khảo để hạn chế tối đa những tiêu cực, sai sót.
Một mùa giải với nhiều thay đổi sắp diễn ra, người làm nghề lẫn công chúng đang mong mỏi những giá trị thật sẽ được công nhận. Tôn vinh từng cá nhân ở những khía cạnh, sở trường khác nhau cũng là việc làm để giữ gìn và phát huy những tinh hoa của nghệ thuật cải lương trong thời buổi khó.
Sẽ có một hội đồng tư vấn nghệ thuật để hỗ trợ thí sinh. Các nghệ sĩ quan tâm cuộc thi có thể đăng ký dự tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) đến hết ngày 19-7. Lễ trao giải dự kiến diễn ra ngày 2-9 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Giám khảo vòng chung kết gồm 5 vị và hiện tại vẫn được giữ bí mật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận