24/03/2012 07:08 GMT+7

Về cùng "phe" để cứu con

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Câu chuyện buồn về ba cô học trò “chết cùng nhau” ở Đắk Nông khiến nhiều người lớn ray rứt. Một phần nỗi ray rứt ấy đến từ những dòng nhật ký “bí mật” viết trong quyển vở học trò.

nIAAWHKk.jpgPhóng to
Các bạn trẻ cần được người lớn quan tâm, chia sẻ và đánh giá đúng khả năng, vai trò của họ dù chỉ mới chập chững tuổi 12, 13 - Ảnh: MINH ĐỨC

Làm thế nào để cha mẹ hiểu con không phải là vấn đề mới khi mà nhiều năm trước đã được nhắc đến. Và một trong những chuyên gia khi ấy là cố thạc sĩ (ThS) Nguyễn Thị Oanh đã gửi gắm nhiều điều quý giá.

Trong một buổi tọa đàm tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), bà mẹ nọ chia sẻ chị có thể “đi guốc trong bụng” cô con gái 13 tuổi của mình vì thường xuyên xem trộm nhật ký và tập vở mỗi khi “lau chùi” góc học tập cho cô bé. Không riêng chị, nhiều bà mẹ cũng thừa nhận hay sử dụng “chiêu” này. Tuy nhiên, cố ThS Nguyễn Thị Oanh lại cho rằng không nên làm thế vì hành vi không đẹp ấy sớm muộn gì cũng lộ ra. “Khi ấy con trẻ sẽ nghĩ cách bảo vệ sự riêng tư của mình, hơn thế còn mất niềm tin nơi cha mẹ”, cô Oanh nói.

“Chiến tuyến” vô hình

Được là chính mình

Nhiều bà mẹ định nghĩa con cái là viên ngọc quý, là kho báu, là niềm tự hào của mẹ... Nhưng theo ThS Trần Thị Ái Liên, con cái thực chất “là chính nó”, xem con cái là cái gì đó của mình dễ khiến cha mẹ có xu hướng hành xử áp đặt để con đạt được điều cha mẹ muốn. Bà Liên phân tích: “Không được là chính mình, con trẻ khó chấp nhận cha mẹ là đồng minh”.

Cũng tham gia tư vấn học đường, có lần cô Oanh chia sẻ nỗi ray rứt về bức thư của một cô bé lớp 10 ký tên Mèo Con ở Q.10 (TP.HCM).

Trong lá thư ấy, cô bé than từ nhỏ bị cha mẹ la mắng là đoảng, vô dụng, lớn lên không biết làm gì ăn. Cô bé ấy nhiều lần cố gắng làm việc nhà, học giỏi, vẽ đẹp... nhưng ba mẹ luôn cứ chê bai, la mắng. Trong khi đó mẹ của nhỏ bạn lại khen cô bé ngoan hiền, tốt bụng, dễ thương, đặc biệt là khéo tay.

Theo cô Oanh, ba mẹ của Mèo Con đã chê không đúng sự thật, đánh giá thấp năng lực, hơn thế còn xúc phạm nhân cách con gái. Tất cả những thứ ấy khiến cô bé có hình ảnh tiêu cực về bản thân, từ đó thiếu tự tin, dễ thất bại, dễ có xu hướng hủy hoại bản thân.

Không chỉ chê bai, nhiều cha mẹ còn kiểm soát con cái quá chặt chẽ đến độ ngộp thở. Chuyên mục Kỹ năng sống báo Tuổi Trẻ từng nhận được lá thư của bạn Quanha@... với nội dung: “Tôi là con trai, học lớp 12 rồi mà ba mẹ cứ coi tôi như trẻ nít. Họ kiểm soát tôi từng li từng tí: đi đâu, làm gì, với ai. Về sau này, mỗi khi muốn đi cùng bạn bè, tôi luôn phải bịa ra lý do gì đó liên quan đến chuyện học...”. Đọc lá thư trên, một chuyên viên tâm lý nói: “Khi con cái đối phó, dè chừng thì cha mẹ khó có thể đồng hành cùng con trong cuộc sống”!

Cha mẹ cần cập nhật

Chia sẻ với các nhân viên xã hội về giải pháp tham vấn cho Mèo Con, cố ThS Nguyễn Thị Oanh kể tiếp chuyện hai bé Tí, Tèo sau buổi học vẽ cầm hai bức tranh nguệch ngoạc như nhau chờ ba đến đón. Vừa thấy tranh, ba Tí nói: “Ôi, đẹp quá. Về nhà treo lên cho mọi người xem”. Còn ba của Tèo nhăn mặt: “Vậy mà cũng gọi là tranh sao, đem bỏ vô thùng rác mau!”. Vậy là Tí lâng lâng sung sướng, còn mặt Tèo buồn xo. Cô Oanh nói: “Biết đâu Tèo có năng khiếu vẽ mà không được nhận ra và thiên tài bị giết chết từ mầm mống”.

Biết cách khen/chê không chỉ khiến trẻ gần gũi mà sau này còn tự tin vào đời. Trong giáo dục nhân cách, cha mẹ cần khen nhiều hơn chê bởi trẻ nào cũng dễ thương, cũng thích làm vui lòng cha mẹ và sẽ cố gắng vươn lên nếu được khuyến khích bằng lời khen. Việc cha mẹ chê trách hay có nhiều hành vi khác khiến họ trở nên “khó gần” với con cái được các chuyên gia gọi tên là “khoảng cách tâm lý”. Đó không chỉ là khoảng cách về thời gian hay không gian sống.

Đã có sự thay đổi lớn về các giá trị xã hội, đã có cách nhìn khác về giá trị đồng tiền, hôn nhân, nghề nghiệp... “Cha mẹ không cập nhật sự thay đổi mà cứ đứng nguyên vị trí cũ để phê phán sẽ khiến trẻ dần lánh xa, khi có đủ điều kiện và cơ hội thì thoát khỏi tầm tay họ” - ThS Nguyễn Việt Nữ phân tích. Theo bà, cha mẹ cần thừa nhận giá trị của trẻ trước thì trẻ mới thừa nhận, thay vì đả phá các giá trị của cha mẹ.

Một loại “vũ khí” lợi hại khác để cha mẹ gần gũi và đồng hành cùng cuộc đời con trẻ là việc họ dành thời gian chơi đùa cùng con. Vì qua chơi đùa, cha mẹ có thể “biết hết, hiểu hết” khi trẻ thể hiện bản thân, chưa kể tâm trạng hào hứng chơi đùa khiến trẻ dễ dàng chấp nhận và làm theo những lời dạy bảo từ cha mẹ.

------------------------------------

Không cần nói nhiều thì những người trưởng thành đều hiểu rõ tâm sinh lý tuổi mới lớn và tìm mọi cách để ngăn ngừa các hành động thiếu chín chắn của các em. Theo tôi, đây không phải là giải pháp hữu hiệu. Khi tôi khoảng 16-19 tuổi, tôi cũng hay nóng giận vô cớ và có những ý nghĩ “nổi loạn” như các bạn trẻ khác, nhưng tôi không bao giờ làm. Vì sao? Vì tôi có một sở thích là hay đọc sách báo viết về tâm lý con người (tôi muốn học khoa tâm lý khi vào đại học). Nhờ đó tôi biết ở độ tuổi này, tôi sẽ trở nên như thế nào.

Gia đình tôi cũng khó khăn về tài chính, cha mẹ không hòa hợp. Trong những lần cha làm mẹ khóc, tôi như chực chờ lao vào bếp để lấy dao ra chấm dứt mãi mãi con người này, hoặc để chấm dứt cuộc đời mình trước mặt cha. Nhưng tôi biết làm thế mẹ sẽ càng buồn. Và ý nghĩ tự tử liên tục nảy ra mỗi lần cha nổi giận với mẹ. Sau đó tôi bị trầm cảm. Vì thế trong một lần cha mẹ lớn tiếng, tôi lao vào phòng khóa trái cửa, chui vào góc giữa giường và bức tường như để không ai có thể tìm ra tôi. Tôi đã muốn chết, nhưng không làm thế mà tự nhủ đó là phản ứng của tuổi mới lớn.

Một lần khác tôi bỏ nhà đi sau cơn cãi nhau kịch liệt với cha. Tôi lang thang ngoài đường nửa ngày, suy nghĩ rất nhiều. Tôi biết mẹ và các chị em tôi đang rất lo lắng, tôi biết mẹ đang khóc. Và tôi quyết định quay về. Tôi luôn nhắc nhở mình điều đó, tự nhủ mọi việc sẽ tốt đẹp hơn sau khi tôi trải qua thời kỳ này, cho dù cha mẹ vẫn không hòa hợp, nhưng khi đã lớn, tôi sẽ có khả năng giải quyết mọi chuyện. Qua câu chuyện này, tôi mong các nhà làm giáo dục nên đưa vào chương trình giáo dục nhiều hơn những bài học tâm lý để nhắc nhở các em tuổi mới lớn cho các em biết trước mọi suy nghĩ, cảm giác sẽ xảy ra thường nhật ở tuổi này. Tốt nhất là vào mỗi tiết sinh hoạt chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm nên thường xuyên nhắc nhở các em như tôi đã thường tự nhắc nhở mình. Theo tôi, đây là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa chuyện xấu.

1 Nhu cầu thổ lộ: nhu cầu tâm sự, trao đổi thông tin của trẻ vị thành niên rất lớn. Qua nghiên cứu của các nhà tâm lý, lứa tuổi này các em chủ yếu chọn bạn để giãi bày tâm sự, chứ không phải cha mẹ hay anh chị em trong gia đình. Các em vẫn tin tưởng vào cha mẹ hay những người lớn có uy tín, nhưng trong suy nghĩ các em cho rằng người lớn chưa hiểu mong muốn, tâm tư của mình, nhất là khi đề cập đến chuyện tế nhị như tình bạn khác giới, tình yêu học trò, chuyện riêng tư...

2 Tự khẳng định. Ở lứa tuổi dậy thì, các em muốn được tự khẳng định mình. Một nữ sinh lớp 7 (Đồng Nai) ấm ức nói: “Cái gì mẹ cũng sợ mình không làm được, công việc đi chợ khó khăn gì đâu mà mẹ cũng không tin mình!”. Tâm lý cha mẹ cứ cho con mình bé nhỏ, phụ thuộc nên muốn chăm sóc, nâng đỡ, can thiệp khiến trẻ thấy thiếu sự tôn trọng. Vì vậy, sự đụng độ diễn ra có thể là công khai, có thể ngấm ngầm, thậm chí là “xung đột” dữ dội với người lớn.

3 Khả năng và hiện thực ảo. Trẻ thường có tâm lý “phóng đại” các năng lực, thường đánh giá cao hơn khả năng thực tế của mình. Điều này được biểu lộ dưới dạng “bướng bỉnh”, “bất cần”, “đơn giản hóa”, “đổ vỡ” khi gặp thất bại. Song, người lớn lại không hiểu điều này nên thường nhìn vào những điều thất bại chứ ít khi coi trọng những thành công của con trẻ dù rất nhỏ.

4 Lây lan tâm lý. Do hoạt động giao tiếp là chủ đạo nên nhu cầu giao tiếp và kết bạn của trẻ rất lớn. Khi không được sự chia sẻ, đồng cảm của người lớn trẻ sẽ thổ lộ với những bạn bè thân thiết. Nếu các bạn có tâm lý tương đồng và xu hướng “bất lực” thì những bế tắc có thể cùng được giải quyết theo cách của trẻ.

5 Bộc lộ xung năng. Lứa tuổi vị thành niên nếu không được giải tỏa, những bí bách bị dồn nén và lúc nào đó sẽ bộc lộ “xung năng”. “Xung năng” có thể giải tỏa tích cực nhưng thường theo chiều hướng tiêu cực.

* Tin bài liên quan:

Học sinh tự tử: Người lớn thiếu quan tâm?Không có chuyện quyên sinh vì làm mất sổ đầu bàiĐau đớn cái chết của ba học sinh lớp 7Vì sao 3 học sinh "chết cùng nhau"?

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên