Nơi các em bé ống nghiệm ngủ đông, cũng là nơi trữ đông trứng và tinh trùng - Ảnh: NVCC
Trong các bình chứa mẫu ấy là bao con người tí hon đang chờ bước ra thế giới. Đây cũng là nơi được bảo quản nghiêm ngặt, không phải ai cũng vào được…
Trữ đông phôi, trứng hay tinh trùng là một hình thức trữ chức năng sinh sản và tăng tỉ lệ có thai. Phương pháp này không chỉ dành cho người hiếm muộn mà còn phù hợp với nhiều đối tượng như người độc thân, lớn tuổi, chưa muốn có con ngay, sợ sau này không mang thai được…
Mọi người hay sợ nhất là lộn trứng, lộn tinh trùng nhưng thực tế chúng tôi làm rất kỹ, kiểm tra đối chiếu rất nhiều lần nên không thể nào lộn được.
Bác sĩ Cao Hữu Thịnh
Trong bình nitơ là những… em bé mai này
Thạc sĩ - bác sĩ Cao Hữu Thịnh được nhiều người biết đến với vai trò "ông đỡ" cho ca sinh năm duy nhất tại Việt Nam. Ngoài chuyên môn sản phụ khoa, bác sĩ Thịnh còn được xem là "mát tay" trong việc điều trị hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm và phẫu thuật thẩm mỹ. Ông hiện là chủ một phòng khám tại quận 5, TP.HCM.
Tôi gặp bác sĩ Thịnh vào một buổi trưa chủ nhật, khi ông vừa hoàn tất 10 ca chuyển phôi. Chuyển phôi là bước được thực hiện sau khi "đánh thức" các em bé ống nghiệm. Ông Thịnh bảo sáng nào cũng gọi các con đang ngủ đông dậy để chuyển vào tử cung người mẹ, đưa con đến với thế giới này.
Theo bác sĩ Thịnh, phôi/tinh trùng được trữ lạnh và lưu trữ trong các bình nitơ chuyên dụng. Các bình nitơ này được bảo quản trong khu vực lưu trữ mẫu (phòng lưu trữ). Nơi ngủ đông của các em bé ống nghiệm là căn phòng được thiết kế tầm 10m², có sàn làm bằng chất liệu chịu được lạnh cao, chịu lực, tránh nứt vỡ sàn.
Tất cả những khâu trong đây đều theo quy trình và được quản lý bằng phần mềm, từ không khí, độ lọc, độ ẩm, nhiệt độ… Ngoài ra còn phải đảm bảo cao sự an toàn lưu trữ mẫu như có khóa, chỉ người có phận sự mới được vào.
"Phòng lưu trữ chứa rất nhiều thùng nitơ lỏng, phôi/trứng/tinh trùng được trữ riêng biệt với nhau. Trong một thùng trữ rất nhiều phôi, có thể trữ mỗi tép (ống) một phôi hoặc tối đa hai phôi chung một ống.
Với những trường hợp làm sàng lọc nhiễm sắc thể thì bắt buộc trữ mỗi ống một phôi để biết cái nào khỏe, cái nào bệnh. Đối với trứng, một ống trữ 2-3 trứng, như 20 trứng thì có thể trữ trong 6-7 ống hoặc 10 ống.
Để tránh nhầm lẫn, mỗi ống đều được ghi rất kỹ thông tin của người trữ, sau đó đưa vào thùng nitơ lỏng ở nhiệt độ -196oC. Mỗi thùng có hạn sử dụng 10 năm, và người trữ sẽ phải duy trì việc đóng tiền trữ mỗi năm", bác sĩ Thịnh cho biết.
Những phôi thai được lấy ra khỏi thùng trữ đông - Ảnh: NVCC
Niềm vui đánh thức "thiên thần" ngủ đông
Mỗi sáng, bác sĩ Thịnh sẽ đánh thức những em bé ống nghiệm bằng cách mở thùng nitơ, lấy những ống phôi lên và gắp ra. Dựa vào thông tin của cha mẹ được đánh dấu trên mỗi ống, khi chuyển phôi nào sẽ lấy phôi đó đem ra ngoài rã đông theo quy trình.
"Mọi người hay sợ nhất là lộn trứng, lộn tinh trùng nhưng thực tế chúng tôi làm rất kỹ, kiểm tra đối chiếu rất nhiều lần nên không thể nào lộn được", ông cho hay.
Sau đó, đội ngũ sẽ tiếp tục để phôi ở giọt môi trường rồi quan sát. Phôi nào không phân chia xem như bị hư, còn những phôi phát triển tốt sẽ được nhúng vào keo rồi chuyển vào buồng tử cung. Sau hai tuần sẽ biết người mẹ có mang thai hay không qua một số dấu hiệu.
Theo bác sĩ Thịnh, trữ đông phôi/trứng/tinh trùng là một hình thức trữ chức năng sinh sản và làm tăng tỉ lệ có thai.
"Ví dụ bây giờ bạn còn trẻ, trứng còn tốt sẽ tạo được phôi tốt, nhưng tốt ở thời điểm này thôi nên phải trữ nó lại. Cho dù 5-6 năm hay 10 năm sau, cái phôi được trữ vẫn tốt như thường, chất lượng không giảm.
Trong khi trứng/tinh trùng trong người của bạn 10 năm sau nó sẽ già đi, rụng và giảm chất lượng, lúc đó bạn khó mang thai, có con được nữa. Có những người chuyển phôi đậu và sinh con rồi, phôi còn lại trữ có khi tới 7-8 năm sau vẫn chuyển vô tử cung bình thường, phôi vẫn phát triển tốt", vị bác sĩ 42 tuổi nói.
Theo ông, trữ phôi còn dành cho những phụ nữ muốn có con mà không có chồng, xác định làm mẹ đơn thân. "Phôi này là phôi mẹ đơn thân, tức là không biết tinh trùng của ai hết. Sau này muốn có con lúc nào cũng được, chỉ cần lấy cái phôi trữ đông đó cấy vào tử cung", ông nói và cho biết trữ trứng cũng vậy.
Những trường hợp phụ nữ lớn tuổi mà chưa lập gia đình, thậm chí còn độc thân thì cũng nên trữ, sau này lớn tuổi vẫn có thể sanh được, không mất đi chức năng sinh sản. Với người trẻ, muốn sau này lấy chồng để có con với chồng mình thì nên trữ trứng.
Đối với tinh trùng, cách trữ cũng tương tự. "Ví dụ chồng ở xa, vợ muốn sanh mà chồng về có 1-2 ngày thì làm sao? Trữ đông tinh trùng lại rồi lấy tinh trùng làm thụ tinh. Hoặc người chồng bị bệnh lý phải truyền thuốc làm giảm chất lượng tinh trùng thì mình cũng nên trữ trước, sau này muốn có con thì dùng tinh trùng trữ đó làm con".
Những em bé ống nghiệm được đặt vào dụng cụ chứa chuyên dụng, bên trên ghi đầy đủ thông tin người trữ phôi - Ảnh: NVCC
Hồi hộp, chờ đợi rồi vỡ òa…
Trải qua quá trình dài mong mỏi, sau trữ đông sẽ đến khâu chuyển phôi. Và giây phút chuyển phôi thiêng liêng vô cùng bởi nó quyết định người mẹ có mang thai hay không, khi đó không chỉ bác sĩ mà người làm cha làm mẹ đều vui mừng cũng như hồi hộp mong chờ.
"Đó là niềm vui công việc hằng ngày của tôi!" - bác sĩ Thịnh tâm sự thêm thường trong 10 ca chuyển phôi, tỉ lệ đậu thai vào khoảng 60 - 70%, trường hợp nào chưa may mắn đậu lần đầu sẽ chờ lần sau. Và những hy vọng của những người làm thụ tinh ống nghiệm cứ thế tiếp nối…
Là một trong những người thành công từ lần chuyển phôi đầu tiên, chị N.B. (41 tuổi, quê Bình Phước) không giấu được niềm vui mừng khi vừa hay tin mình đã mang thai sau gần nửa tháng chuyển phôi.
Chị B. tâm sự mình có hai đứa con trai, nhưng cậu con trai lớn đã qua đời vào năm 18 tuổi sau cơn bạo bệnh, giờ chỉ còn đứa út học lớp 11. "Còn có một mình nó, thấy tội quá nên quyết định sinh thêm. Mà vợ chồng tui lớn tuổi rồi, có thả một năm để tự nhiên mà không dính bầu, với lại con lớn mất nên tâm lý mình cũng không ổn định", chị B. nói.
Qua giới thiệu của nhiều người đã thành công từ thụ tinh ống nghiệm, vợ chồng chị từ Bình Phước vào TP.HCM tìm cơ hội. "Vợ chồng tôi trữ trứng và tinh trùng. Đi lên xuống cũng cỡ 5-6 lần, ngày 30-10 vừa qua lấy phôi trữ đông (phôi ngày 5 - PV) ra chuyển vào. Cũng hồi hộp, lo lắng lắm.
Tôi chưa xuống Sài Gòn khám lại nhưng mới đây có thử que tại nhà với đi bệnh viện tỉnh thử thì kết quả mang thai rồi. Chuyển phôi lần đầu đậu luôn, mừng lắm! Từ lúc làm (thụ tinh ống nghiệm - PV) tới giờ, vợ chồng giấu người thân, bạn bè. Đợi khi nào bụng to rồi mới công bố", chị B. cười kể.
Cũng có niềm vui tương tự, chị Châu Liên (39 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết vừa thử beta cách đây ba tuần và hay tin mình mang thai. Chị Liên hiếm muộn, sau khi được tư vấn, vợ chồng đều chọn cách trữ đông phôi để tăng cơ hội có con. "Lúc chuyển phôi rồi ngày nào tôi cũng hồi hộp, chờ đợi kết quả. Giờ biết mình thành công từ lần đầu luôn", chị Liên vui mừng tâm sự.
Trước khi đưa vào trữ đông, phôi sẽ được đưa vào tủ nuôi cấy từ 3-5 ngày trong môi trường thuận lợi về không khí, dinh dưỡng để phát triển. Hoặc sử dụng kỹ thuật Time Lapse - tức đặt camera trong tủ đó, cứ 15 phút sẽ ghi hình và có thể quan sát từ bên ngoài qua màn hình.
Sau đó, phôi sẽ được đánh giá chất lượng xem có khả năng phát triển thành thai hay không. "Có phôi loại 1 (tốt nhất), phôi loại 2 (khá), phôi loại 3 (trung bình). Thường mình trữ phôi loại 1 và 2, còn loại 3 thì cái nào thấy yếu quá sẽ không trữ, chứ trữ làm chi tốn tiền mà khó phát triển được", bác sĩ Thịnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận