"Dù phương thức nào thì có cái chứng chỉ tiếng Anh mới yên tâm tuyển sinh. Tiền tôi đầu tư cho con lấy chứng chỉ khoảng 150 triệu đồng, gồm cả tiền ôn và đi thi", chị Ngọc (Hải Phòng) cho biết.
Dốc tiền luyện thi nước rút
Máu lửa như thế vì chị Ngọc đang cho con dự tuyển vào các trường tốp đầu khối kinh tế. Theo chị Ngọc, hai năm trước, chỉ cần 7.0 là yên tâm, nhưng năm nay 8.0 vẫn thắc thỏm.
Là kế toán một trường THPT, hai năm trước thấy đến nửa học sinh lớp 12 của trường đỗ đại học bằng các phương thức xét tuyển sớm, chị Ngọc bắt đầu tìm hiểu, thấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có nhiều lợi thế trong xét tuyển đại học. Khi đó, con trai chị bắt đầu vào lớp 10 và hành trình luyện thi lấy chứng chỉ của mẹ con chị bắt đầu.
Chị Ngọc kể mới đầu chị đóng 42 triệu đồng cho con theo một trung tâm tiếng Anh cam kết đầu ra 7.0. Trung tâm cho phép học viên đăng ký lịch học mở, tối thiểu phải học 16 giờ/tháng và tối đa 32 giờ/tháng. Học phí tính theo tháng nên học viên càng thu xếp học nhiều càng có lợi. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát, các trung tâm tiếng Anh đóng cửa kéo dài rồi mở lại hình thức dạy trực tuyến.
Thấy kiểu học trên không hiệu quả, chị cho con bỏ ngang tìm hướng khác. Nhưng do dịch bệnh nên các lớp chị tìm cho con cũng đều phải học trực tuyến cho tới học kỳ 2 năm lớp 11, tình hình mới sáng sủa hơn.
Lúc này thời gian không còn nhiều nên chị Ngọc quyết định đầu tư với mục tiêu trong học kỳ 1 lớp 12, con phải có được chứng chỉ. Cậu con chị học một lớp buổi tối trong nhóm 5 học sinh, với học phí 550.000 đồng/buổi (mỗi tuần học ba buổi).
Học từ tháng 1 đến tháng 9, chị phải tăng tốc bằng cách cứ cuối mỗi tuần vợ chồng lại chở con lên Hà Nội, học 1-1 với một giáo viên khác, học phí 800.000 đồng/buổi và học thêm một ca nghe nói trực tuyến 10 buổi với giáo viên nước ngoài mức giá 900.000 đồng/buổi.
Tiền đóng học một, công bỏ mười
Một trường hợp khác không chỉ tốn tiền mà còn rất tốn công. Quỳnh Như ở Lào Cai năm nay dự tuyển đại học.
Đầu tháng 4 năm nay, Như thi IELTS lần thứ ba và đã đạt mục tiêu lấy chứng chỉ 7.5. Dịp nghỉ hè năm lớp 11, ngay sau khi dịch COVID-19 giảm, Như được bố mẹ cho về Hà Nội thuê một căn hộ ở khu Time City (quận Hai Bà Trưng) để luyện thi. Chị Lê Thị Thu - mẹ Quỳnh Như - cũng theo con về Hà Nội để chăm sóc, cơm nước.
Chị Thu kể: "Tôi đăng ký cho con học ba tháng online để lấp lỗ hổng kiến thức căn bản. Hết dịch thì về Hà Nội học trực tiếp với giáo viên Việt Nam. Một tuần học bốn buổi, mỗi buổi kéo dài 2 tiếng, học phí 450.000 đồng/buổi. Con học chung với 5-6 học sinh khác nên mới có giá đó. Còn nếu học 1-1 thì giá dao động khoảng 800.000 - 1,2 triệu đồng/buổi.
Để luyện phản ứng nghe - nói, con học thêm hai khóa online với giáo viên nước ngoài, mỗi khóa 10 buổi. Một cô giáo người Philippines và một cô giáo người Thái Lan, nhưng được giới thiệu rất có uy tín. Học phí 700.000 và 900.000 đồng/buổi kéo dài 1,5 tiếng".
Như vậy chỉ tính trong 1,5 tháng nghỉ hè, học phí luyện thi IELTS của Quỳnh Như là 29.200.000 đồng, chưa kể tiền thuê nhà, ăn uống, di chuyển. Và Quỳnh Như chỉ lấy được chứng chỉ 7.0.
Vào năm học lớp 12, cứ tối thứ sáu, Như lại được bố đưa về Hà Nội học trực tiếp vào thứ bảy, chủ nhật. Tối chủ nhật lại quay về Lào Cai. Ngoài ra, Như học thêm lớp luyện nghe - nói, luyện kỹ năng viết trực tuyến.
Trường hợp di chuyển từ các tỉnh về Hà Nội như Quỳnh Như khá nhiều. Cô Thu Hồng, một giáo viên luyện thi tiếng Anh ở quận Đống Đa (Hà Nội), cho biết vì nhu cầu thi chứng chỉ để xét tuyển đại học rất cao nên có thời điểm chị dạy 3-4 ca/ngày. Nhiều ca toàn học sinh ngoại tỉnh về.
"Một số phụ huynh mời tôi đi tỉnh dạy, nhưng tôi không đi được nên họ cho con về Hà Nội. Có học sinh học xong ca là bắt xe limousine nhanh về quê. Những trường hợp này đa số ở miền núi phía Bắc", cô Hồng kể.
Ở TP.HCM, tuy xu thế giành chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học không "máu lửa" như ngoài Bắc nhưng cũng có nhiều phụ huynh đầu tư cho con học vì một công đôi việc, ngoài xét tuyển nếu có ngoại ngữ tốt cũng đỡ áp lực khi các trường áp chuẩn đầu ra.
Anh Trần Minh Danh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết đầu tư cho con học ôn từ lớp 10, học phí 600.000 đồng/buổi với mục tiêu đạt từ 5.5 trở lên. Trường hợp khác, chị Phùng Ức My (phụ huynh ở quận Bình Thạnh) cũng bắt đầu cho con tăng tốc luyện thi từ lớp 11, với mức học phí 450.000 đồng/buổi.
Thi cử gian nan
Học đã vất vả, thi cũng gian nan không kém. Tiếp tục câu chuyện của mẹ con chị Ngọc. Sự tốn kém trong đầu tư lấy chứng chỉ cho con đã vượt hơn con số trăm triệu vì khi vừa đăng ký cho con thi thì tất cả các trung tâm tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tạm đóng cửa.
Trong khi mọi người còn chần chừ chờ xem thế nào, chị Ngọc quyết định cho con sang Thái Lan thi và chỉ lấy được chứng chỉ 7.0 IELTS. Hơn một tháng sau, một số đơn vị ở Việt Nam hoạt động trở lại, nhưng Hải Phòng thì vẫn chưa có. Ngày 27 Tết, trong khi mọi người lo sắm Tết thì chị Ngọc và con trai lại từ Hải Phòng lên Hà Nội thi lần hai để lấy chứng chỉ 7.5 IELTS.
Một phen hú vía là trường hợp của những phụ huynh không nắm luật hoặc cố liều lách luật. Chị Ngân có con học lớp 12 một trường THPT ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho con thi lấy chứng chỉ IELTS vào tháng 12-2022 và yên tâm với kết quả 7.0 IELTS, sử dụng xét tuyển sớm và đã được thông báo trúng tuyển vào một trường.
Nhưng bất ngờ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu các sở xác minh những chứng chỉ được cấp sau thời gian 10-9 (khi Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ tạm ngừng). Trường hợp con chị Ngân không hợp lệ vì đã đăng ký thi ở một đơn vị chưa được cấp phép lại vào thời điểm đó.
Cho đến thời điểm này, mặc dù Bộ GD-ĐT đã chọn giải pháp công nhận những chứng chỉ trong diện không hợp lệ ở trên để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nhưng vẫn có những thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y Hà Nội bị từ chối chứng chỉ trong xét tuyển do trường có vướng mắc về văn bản quy định.
Trong đợt rối ren tìm chỗ thi, có những trường hợp đang ôn thi TOEFL lại phải đổi sang ôn cấp tốc để thi IELTS chỉ vì ít chỗ đăng ký thi quá. Một hành trình đầy vất vả.
Nhu cầu tăng, chỉ tiêu khiêm tốn
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, riêng năm nay có tới 16.000 học sinh lớp 12 có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (chủ yếu chứng chỉ IELTS, TOEFL) để đăng ký xét tốt nghiệp. Trong khi con số này năm 2009 chỉ có 5.000. Phần đông học sinh thi lấy chứng chỉ để xét tuyển đại học trong nước.
Hiện có ít nhất trên 40 trường, trong đó có nhiều trường đại học lớn, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong tuyển sinh, phổ biến là IELTS và TOEFL. Nhưng năm nay, phần lớn áp dụng xét tuyển kết hợp, không tuyển thẳng. Nhiều trường chỉ coi chứng chỉ IELTS, TOEFL là điểm điều kiện hoặc có mức quy đổi khác nhau để tính điểm xét tuyển.
Ở phía Nam, các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chỉ dành 1-5% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Một số trường xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và điểm THPT cũng chỉ trong phạm vi 1 - 10% tổng chỉ tiêu.
Hy hữu mới có cơ sở như Trường ĐH Y Dược TP.HCM dành 35% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
-------------------
Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang rơi vào tình thế bão hòa thì chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT) là cuộc chiến mới đang được nhiều người quan tâm hơn.
Kỳ tới:Cuộc chiến mới: điểm SAT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận